Đã xảy ra nhiều vụ hôi của
Ngày 16/10 vừa qua, ông Vũ Trường Chính (44 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) mang theo trong người 50 triệu đồng đến gửi vào tài khoản ngân hàng. Khi đi đến giao lộ Bà Huyện Thanh Quan – Võ Văn Tần, trong lúc ông Chính đang đứng chờ đèn đỏ thì bị 4 tên cướp chạy vượt lên, một tên trong bọn thọc tay vào túi quần của ông lấy cọc tiền 50 triệu đồng rồi bỏ chạy. Ông Chính chụp tay tên cướp kéo lại làm số tiền 50 triệu đồng rơi xuống đường văng tung tóe.
Nhân lúc hỗn loạn, trong khi một số người đang giúp người bị nạn thu gom lại số tiền rơi xuống đường thì những người khác tranh thủ cơ hội vào lấy tiền cho vào túi mình. Cụ thể, ông Chính đã bị lấy đi 19,5 triệu đồng.
Gần đây nhất, vào lúc 14h ngày 4/12, anh Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định) lái xe chở khoảng 1500 thùng bia. Khi đến vòng xoay Tam Hiệp (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thì xảy ra tai nạn khiến số bia nói trên văng tung tóe xuống đường.
Hiện trường vụ "hôi của" bia tại vòng xoay Tam Hiệp. |
Chỉ sau 15 phút, số bia rơi xuống đường đã được người dân thu dọn sạch sẽ. |
Ngay lập tức, những người dân gần đó và cả người lưu thông trên đường đổ xô vào hôi của mặc cho sự gào khóc, van xin của người tài xế tội nghiệp. Thậm chí một số người còn đòi đánh tài xế khi anh này cố sức ngăn cản.
Họ lấy những thùng bia còn nguyên vẹn, có người còn lấy bịch nilon thu gom các lon bia rơi khỏi thùng. Chỉ sau 15 phút, số bia của vụ tai nạn đã được người “hôi của” thu dọn sạch sẽ, người tài xế chỉ giữ lại được 1/10 số bia lúc đầu.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Trương Quang Hiệp (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM) thì hành vi nói trên của người dân trước mắt là họ đã đi ngược lại với truyền thống nhân đạo của người Việt Nam. Khi thấy người khác bị nạn, họ không những không giúp đỡ mà còn nhân cơ hội lấy đi tài sản của khổ chủ.
Thứ hai là những vụ việc nói trên xảy ra ngay trên đường, với những thành phố như TPHCM hay Biên Hòa thì lượng xe cộ lưu thông trên đường rất lớn. Nhưng người dân vẫn bất chấp tất cả để vào hôi của. Hành động đó không những ảnh hưởng xấu tới an toàn giao thông mà còn có thể nguy hiểm tới tính mạng của họ.
Nghiêm trọng hơn, hành vi của số người nói trên đã phạm tội hình sự, cụ thể là tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt căn cứ vào điều 137 Bộ luật hình sự, tùy vào mức độ phạm tội mà có mức hình phạt phù hợp. Nếu tài sản hôi của nhỏ hơn 2 triệu đồng thì bị phạt hành chính từ 1–2 triệu đồng và phải bồi thường tài sản thiệt hại mà hành vi vi phạm gây ra. Đặc biệt, nếu tài sản hôi của lớn hơn 2 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác từ 500.000-50 triệu đồng nhưng tái phạm nhiều lần hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng thì bị xử phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam. Chiếm đoạt từ 50 đến dưới 200 triệu đồng hoặc tái phạm nghiêm trọng, hành hung để tẩu thoát, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Chiếm đoạt từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị xử phạt từ 7 đến 15 năm tù. Chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử phạt 12 năm, 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng.
Luật sư Hiệp cho biết thêm, với hành vi hôi của có tổ chức, có phương tiện hỗ trợ, công nhiên chiếm đoạt tài sản bất chấp sự ngăn cản của người khác thì có thể bị xem xét truy tố ở tội Cướp giật tài sản với mức hình phạt cao hơn.