Trưa 1/11, tài xế Lê Tấn Duy (25 tuổi, ngụ Phú Yên) lái xe tải từ TP.HCM về miền Trung, đến quốc lộ 1D tuyến tránh ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu không may gặp nạn. Nghe tiếng nổ lách tách trên cabin, anh vội tấp xe vào lề đường thoát thân trước khi phương tiện bùng cháy dữ dội gây thiệt hại nặng 8 tấn hàng (dầu ăn, nước mắm, sữa tắm, bột giặt...) cùng chứng từ, hóa đơn.
Đáng nói hơn, khi lực lượng chữa cháy rời khỏi hiện trường thì anh Duy và phụ xe bất lực nhìn hàng chục người lao vào “hôi của”. Thậm chí phụ xe ngồi khóc, van xin nhưng vẫn không làm những người này thương xót.
Những người có hành vi “hôi của” đã vi phạm pháp luật khi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, tùy vào mức độ của hành vi, giá trị hàng hóa bị “hôi của” mà họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Phụ xe khóc lóc, van xin nhưng không làm những người "hôi của" dừng lại. Ảnh: Chụp từ clip. |
Theo điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, người tham gia “hôi của” có giá trị dưới hai triệu đồng và chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản…thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Nếu người nào “hôi của” có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 20.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp người đó chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm theo khoản 1 Điều 137 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm theo điểm b khoản 2 137 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Dân ta có câu nói, “lá lành đùm lá rách”, khi người khác gặp khó khăn, cũng là lúc họ cần sự giúp đỡ của chúng ta. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam bao đời này là thế. Tôi ví như, khi miền Trung gặp thiên tai, cả nước chung tay, giúp sức cùng đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn.
Hành vi “hôi của”, xét về mặt đạo đức là đi ngược lại truyền thống “tương thân tương ái”, hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau, rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hành động đúng là khi thấy xe tải bị nạn, người dân gần đó nếu có khả năng phải giúp đỡ để giảm thiệt hại về người, về tài sản.
Đã không thể giúp đỡ, họ lại để lòng tham lấn áp lý trí, tình cảm, để lấy tài sản người gặp nạn với tâm trạng vui vẻ. Họ quên hay cố tình quên đi đồng bào mình vừa phải đối mặt với nguy hiểm tới tính mạng. Giờ lại đối mặt với việc lấy tiền đâu để đền khi xe cháy, hàng bị lấy. Đây không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo lý làm người ở đời.
Tham lam, những người này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự như 2 người từng tham gia “hôi của” xe bia gặp nạn tại Đồng Nai năm 2013. Ngoài việc bị phạt hành chính, phạt hình sự, người tham gia “hôi của” còn đối mặt với sự gay gắt của dư luận trong thời gian tới.
Có lẽ, đó là cái giá đáng phải nhận của lòng tham, sự ích kỷ và cả sự vô tâm của những người hôi của nói trên.