Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội đồng trường đại học: Làm sao để không quá tải?

Đại diện nhiều trường đại học cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để hội đồng trường không rơi vào tình trạng quá tải cả về quyền và lượng công việc.

Trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi có nhiều nội dung mới đề cập đến việc nâng cao vai trò của hội đồng trường trong trường đại học công lập.

Theo đó, bên cạnh việc thay đổi thành phần tổ chức, chức năng, phạm vi hoạt động và quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng trường dự kiến cũng có nhiều thay đổi so với trước kia.

Đại diện nhiều trường đại học cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để hội đồng trường không rơi vào tình trạng quá tải về cả quyền lực lẫn số lượng công việc phải gánh vác. 

Là tổ chức quản trị đại diện cho các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu Nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học, vì thế, trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng trường được quy định rất cụ thể.

Hoi dong truong dai hoc anh 1
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Ảnh: VOV.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, với các quyền được phân, vai trò của hội đồng trường đã được nâng cao rõ rệt theo tiêu chí tiệm cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

“Hội đồng trường theo dự luật lần này phải là một hội đồng có thực quyền. Hội đồng trường phải quyết định từ việc định hướng phát triển của trường là đại học nghiên cứu hay ứng dụng đến phát triển về các vấn đề chuyên môn, ngành học, đầu tư về cơ sở vật chất, giảng viên. Hội đồng trường cũng cần có quyền quyết định về cơ chế thu chi tài chính của trường như thế nào rồi ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trường ra sao…”, bà Phụng cho hay.

Để hội đồng trường đáp ứng được các vai trò quan trọng kể trên, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã bổ sung nhiều nội dung liên quan cơ cấu của tổ chức này. Trong đó, có việc hội đồng trường được đề nghị phải có tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường nhưng quan tâm hoặc có quyền và lợi ích liên quan đến sự phát triển của trường.

Đó là đại diện của cộng đồng xã hội như nhà lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đại diện cựu sinh viên hoặc đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ này là 20%. Ở các nước phát triển, họ áp dụng tỷ lệ này lên đến 50%-60% với mong muốn tạo môi trường hoạt động minh bạch nhất trong trường đại học.

Đánh giá cao những thay đổi lần này liên quan việc quy định chức năng và quyền hạn của hội đồng trường, nhưng đại diện nhiều trường đại học tại TP.HCM tỏ ra e ngại khi nghĩ đến những vấn đề phát sinh do nhập nhằng quyền hạn giữa ban giám hiệu với hội đồng trường, giữa hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng.

Không ít người cho rằng cần có thêm các điều luật cụ thể để hội đồng trường căn cứ vào đó cộng với điều kiện cụ thể của trường và đưa ra định hướng. 

Còn theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, tốt nhất phải tách bạch quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng trường với ban giám hiệu thông qua việc quy định thành phần cấu tạo tổ chức này.

“Tuy không phải là bộ chủ quản nhỏ, hội đồng trường cũng có đối trọng với việc điều hành nhà trường của ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng. Do đó, tôi nghĩ rằng hiệu trưởng không nên là thành viên trong hội đồng trường”, ông Dũng nêu quan điểm.

Vấn đề độ tuổi, thời gian công tác của người đứng đầu hội đồng trường cũng khiến nhiều người quan tâm.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM tỏ ra băn khoăn vì chưa tìm thấy hướng giải quyết đối với sự chồng chéo đang tồn tại trong quy định độ tuổi đối với chức danh chủ tịch hội đồng trường đại học.

Hoi dong truong dai hoc anh 2
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: VOV.

“Về phía Luật Giáo dục Đại học, dự thảo lần này đã tháo gỡ vấn đề bằng cách không quy định độ tuổi của chủ tịch hội đồng trường đại học. Thế nhưng, về quy định của Đảng đối với độ tuổi để một cá nhân ứng cử vào các tổ chức cấp ủy có thay đổi được không?”, GS.TS Mai Hồng Quỳ nói.

Theo phân tích của Giáo sư Mai Hồng Quỳ, nếu Bộ GD&ĐT không sớm đề xuất hướng tháo gỡ vấn đề này, rất dễ xảy ra tình trạng người đạt chuẩn theo quy định này lại vướng vào quy định khác. Vì Nghị quyết 19 quy định chủ tịch hội đồng trường đại học phải là bí thư đảng ủy. Trong khi đó, nhân sự để bầu bí thư đảng ủy vẫn theo quy định của đảng về độ tuổi, tức là không quá 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam.

Làm sao để cân bằng tốt giữa quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng trường là yêu cầu được các trường đặt ra đối với những thay đổi lần này.

PGS.TS Nguyễn Tất Phát, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, cho rằng giao nhiều quyền và trách nhiệm cho hội đồng một trường đại học là đúng nhưng phải tính toán kỹ, bằng không sẽ kém hiệu quả.

“Tôi thấy lần này chúng ta giao cho hội đồng trường đại học quá nhiều nhiệm vụ như giám sát, kiểm soát, báo cáo kết quả trước hội nghị của trường, 3 tháng họp một lần… Tôi sợ rằng thời gian vật chất của các hội đồng trường không đủ làm nổi các nhiệm vụ này. Chúng ta muốn tăng cường vai trò của hội đồng trường lên nhưng đôi khi lại làm hạn chế quyền tự chủ của các trường”, ông Phát phân tích.

Các trường đại học đang mong chờ bước thay đổi ngoạn mục đối với thiết chế quyền lực mang tên hội đồng trường. Không cần quá nhiều đổi mới mang tính hình thức, áp dụng rập khuôn từ các quốc gia tiên tiến, điều mỗi trường đại học cần là hội đồng trường đủ nhạy bén để đưa ra những chính sách, chiến lược hoạt động hiệu quả, đủ uy tín để tập hợp các nguồn lực và đủ minh bạch để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người học.

'Nhiều giáo viên giàu nhưng không tiến bộ về chuyên môn'

Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương, tăng lương cho giáo viên không đồng nhất với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoi-dong-truong-dai-hoc-lam-sao-de-khong-qua-tai-715145.vov

Theo Mỹ Dung / VOV

Bạn có thể quan tâm