Ngày 26/3, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Theo đó, website Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo điều chỉnh quy chế cấm đánh bắt cá trên biển bao gồm một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có hiệu lực từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.
Hội Nghề cá cho rằng hành động đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên biển Đông gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Hành động này đã vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
"Điều đó không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc. Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị", văn bản Hội Nghề cá nhấn mạnh.
Hội Nghề cá đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường công tác bảo vệ ngư dân trước hành động vi phạm của Trung Quốc. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ngoài ra, Hội Nghề cá đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp hữu hiệu sớm ngăn chặn để chấm dứt hành động trên của Trung Quốc; cần thường xuyên có lực lượng tàu chấp pháp trên biển để tăng cường công tác bảo vệ ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, hôm 22/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: "Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc".
Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam đã được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
"Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982", bà Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết quyết định của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, trái với thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển.
Bà Hằng khẳng định hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay.