Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị của Bộ Văn hóa 'nóng' vì chuyện tác quyền

Câu chuyện tác quyền âm nhạc một lần nữa được "làm nóng" sau khi Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ban hành thông tư 01/2016.

Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Vương Duy Biên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị trực tuyến, phổ biến nghị định 15/2016 và thông tư 01/2016 vào ngày 20/4. Chủ trì cuộc họp ở ba đầu cầu - Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng - là Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) Nguyễn Đăng Chương. 

Tại cuộc họp, ông Chương trực tiếp giải đáp những thắc mắc về các chi tiết, điều khoản trong nghị định mới và thông tư số 01/2016. 

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tác quyền âm nhạc. Câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương và hội nhạc sĩ bức xúc những ngày qua cũng được nhắc đến ở hội nghị. 

Theo đó, điều 9 của nghị định 15/2016 quy định: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có 1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả, hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, thông tư 01/2016 ban hành sau đó lại chỉ có một mẫu đơn cam kết của phía đơn vị tổ chức. Như vậy, theo hội nhạc sĩ, văn bản này không đủ sức nặng để họ kiểm soát quyền sở hữu tác phẩm. 

Thong tu 01/2016 Bo Van hoa anh 1
Nhạc sĩ Phó Đức Phương bức xúc vì thông tư hướng dẫn của Bộ không nhắc đến chủ sở hữu quyền tác giả. 

Bàn về vấn đề này, Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương phát biểu, Nghị định 79/2012 chỉ có một cam kết, nhưng nghị định 15 đã bổ sung thêm ba loại giấy tờ. Theo ông, đây là hành lang pháp lý tương đối thông thoáng để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tác quyền. 

Lý giải cho việc tại sao thông tư hướng dẫn lại chỉ có 1 mẫu đơn cam kết, ông Chương cho biết: "Hai mẫu kia đã có trong Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, nghị định không thể đưa ra những mẫu chồng chéo lên Luật. Đây là điều chúng tôi đã bàn nát nước và báo cáo với các thành viên hội đồng thẩm định". 

Ông nhấn mạnh pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự, đồng thời đưa ra biện pháp Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phải có trách nhiệm phát hiện những tổ chức, cá nhân không nộp tiền tác quyền và gửi văn bản kiến nghị lên cơ quan nhà nước - các Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch. 

"Cơ quan quản lý nhà nước sẽ từ chối những đơn vị chưa thực hiện tác quyền ở những lần xin cấp phép sau. Điều đó xử lý rất đơn giản, chứ chúng ta không thể hành chính hóa các quan hệ dân sự" - ông Chương nói. 

Cục trưởng Cục NTBD cũng cho rằng khúc mắc tác quyền ở đây không phải là các tổ chức, cá nhân không đóng tiền bản quyền. Vấn đề nằm ở chỗ không thống nhất được mức thu giữa người sử dụng và chủ tác quyền. 

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, đồng tình rằng VCPMC nên kiến nghị lên Sở những đơn vị vi phạm để không cấp phép cho những lần sau.

"Mấy ngày nay, tôi đọc báo và xem truyền hình, đã chứng kiến phản ứng dữ dội của công chúng với thông tư 01/2016. Từ lâu, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả rất muốn cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ quyền được cấp phép, coi như một giấy phép con. Tôi cho rằng thông tư hiện nay cộng với đơn cam kết là quá đầy đủ" - NSND Trần Bình nêu quan điểm. 

Trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật rất tốt

Một vấn đề khác được đưa ra trong hội nghị liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung ở Điều 7 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu. 

Quy định ở mục g viết: Biên tập các tiết mục biểu diễn phù hợp với lứa tuổi, giới tính khi tổ chức cho trẻ em biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phải được sự đồng ý của người giám hộ theo đúng quy định pháp luật. 

Thong tu 01/2016 Bo Van hoa anh 2
Ông Nguyễn Đăng Chương (ảnh giữa) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Đ

Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương nhận định, trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật rất tốt, giúp các em trau dồi kiến thức để sau này trở thành ca sĩ, nhạc sĩ. Thông qua đó, các em cũng hiểu được những giá trị chân - thiện - mỹ. Theo ông, đây là hoạt động phù hợp với xu thế phát triển trong quá trình hội nhập ngày nay. Tuy nhiên vì các em còn nhỏ nên phải có sự đồng ý của người giám hộ - có thể là bố mẹ hoặc anh chị. 

Trước câu hỏi tại sao không đưa thỏa thuận giữa người giám hộ và đơn vị tổ chức thành một mẫu văn bản, ông Chương cho biết đây là việc đã diễn ra trong nhiều năm và chưa từng xảy ra trường hợp kiện cáo. 

"Chỉ có vấn đề là đơn vị tổ chức, đơn vị cấp phép phải điều chỉnh lại hành vi của các em. Ví dụ còn nhỏ lại hát bài yêu đương, như thế là phản cảm. Ở đây, nội dung nghị định đã ghi rõ phải điều chỉnh tiết mục biểu diễn của các em sao cho phù hợp lứa tuổi, đạo đức, thuần phong mỹ tục. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em tham gia lĩnh vực này mà không ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của các em" - Cục trưởng phát biểu. 

Ông Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh, sau hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch sẽ hợp nhất nghị định 79/2012 và nghị định 15/2016 theo đúng lộ trình để thống nhất các điều khoản. 

Nghị định 15/2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 và thông tư 01/2016 có hiệu lực vào ngày 15/5. 

Minh Đức

Bạn có thể quan tâm