Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội Nhạc sĩ: ‘Con đường xưa em đi’ không có vấn đề về nội dung

Hội nhạc sĩ Việt Nam vừa có công văn gửi đến Hội đồng lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương bày tỏ quan điểm về 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị cấm.

Hội nhạc sĩ Việt Nam đồng ý rằng 5 ca khúc Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng chú nằm trong danh mục bài hát sáng tác trước năm 1975.

Tuy nhiên, đối chiếu với Điều 3 của Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT: Các hành vi bị nghiêm cấm và Điều 6 của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP: Những quy định cấm, 5 tác phẩm kể trên không vi phạm những quy định mà Nhà nước đã đề ra và thực tế cả 5 bài hát đã được cấp phép biểu diễn.

Sau khi thẩm định bản nhạc gốc của bốn tác giả (trừ Chuyện buồn ngày xuân của Lam Phương chỉ có lời ca, không có bản nhạc), hội nhạc sĩ Việt nam nhận thấy nội dung các bài hát không có vấn đề gì, âm nhạc và ca từ đều theo dòng nhạc phổ biến lúc bấy giờ tại các đô thị miền Nam, dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc.

Từ đó, hội nhạc sĩ Việt Nam khẳng định việc xác định bản gốc cũng như tác giả của các bài hát trước 1975 là cần thiết. Tuy vậy theo họ cơ quan quản lý cần phối hợp với trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc của hội để có cơ sở đối chiếu. Bên cạnh đó, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng có thể tham khảo ý kiến của tác giả hoặc đại diện gia đình tác giả.

Hội nhạc sĩ cũng cho rằng Cục nên để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành tự chịu trách nhiệm thẩm định ca khúc, rồi gửi lên để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo hội, với những vi phạm về quyền tác giả và các quyền liên quan, cụ thể là việc mỗi bài hát bị chỉnh sửa từ một đến ba câu mà không xin phép tác giả, cơ quan chức năng nên xử lý đối tượng vi phạm cụ thể.

“Trong tình hình hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa cần cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc thẩm định trước khi ra những quyết định trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tránh những sự hiểu lầm, những suy diễn không có lợi trong đời sống văn nghệ, nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước đề ra”, công văn của Hội nhạc sĩ Việt Nam nêu rõ.

Con duong xua em di anh 1
Con đường xưa em đi là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ Hồ Đình Phương. Dị bản của ca khúc này vừa bị Cục NTBD cấm lưu hành. Ảnh: Tư liệu.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng Cục NTBD nhắc lại việc ngày 22/3, Cục có quyết định gửi các Sở Văn hóa địa phương về việc thu hồi 10 bài hát sáng tác trước năm 1975 (chứ không chỉ năm bài như báo chí nêu) vì lý do vi phạm bản quyền.

“Chúng tôi tạm dừng lưu hành các ca khúc này chứ không phải cấm. Việc làm này nhằm mục đích bảo vệ quyền tác giả vì đây là các dị bản, không đúng ca từ với bản gốc, thậm chí có bài còn sai tên tác giả. Cục trưởng cũng đã trả lời về việc này”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Trước đó, đề xuất của các chuyên gia về việc tại sao không công bố danh mục các ca khúc cấm. Khi đó, những sáng tác không nằm trong danh sách này có thể được thoải mái biểu diễn mà không có chuyện cá nhân, đơn vị phải vất vả đi xin cấp phép.

Phó Cục trưởng Cục NTBD trả lời: “Chúng tôi không thể tìm hết các ca khúc trước năm 1975 để xem ca khúc nào không phù hợp và cấm. Hoạt động quản lý phải dựa trên việc đơn vị nào đó xin cấp phép và thông qua quá trình đó, chúng tôi thấy ca khúc nào không phù hợp thì sẽ không cho lưu hành".

‘Con đường xưa em đi’: Đã cấp phép rồi lại cấm sẽ gây tác dụng ngược

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định việc đã phổ biến những ca khúc như "Con đường xưa em đi" suốt một thời gian dài rồi lại quyết định cấm sẽ dẫn tới những "tác dụng ngược".

Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm