Theo Colours of Football, áo bóng đá ngày nay được thiết kế dựa trên phong cách hiện đại nhất. Các câu lạc bộ muốn đem đến những bộ quần áo mà người hâm mộ yêu thích bởi họ sẽ giúp đội bóng có tiền bằng việc bán đồ.
Trong những năm đầu đồ bóng đá xuất hiện, chất liệu vải và thiết kế khác rất nhiều so với ngày nay. Tuy nhiên, chúng đã có bước tiến vượt bậc chỉ sau khoảng thời gian ngắn.
Những bộ quần áo đầu tiên
Tiền thân của môn bóng đá bắt đầu ở Trung Quốc. Dù vậy, môn bóng đá với luật chơi cơ bản như ngày nay lại mới xuất hiện từ thế kỷ 19 ở các trường học trên khắp nước Anh.
Ban đầu, bóng đá chỉ được chơi ở một số trường công lập. Tuy nhiên, do chưa có luật lệ thống nhất, cách chơi và các thứ liên quan vẫn còn khá rối loạn. Một trong những vấn đề ở thời đó là các đội không có trang phục thống nhất.
Đồ bóng đá những ngày đầu không đồng nhất, bất tiện khi thi đấu. Ảnh: Historical Kits. |
Các cầu thủ có thể ra sân với bất cứ thứ gì họ thích. Khi đối đầu nhau, họ sẽ phân biệt bằng cách đội mũ, quàng khăn hoặc đeo thắt lưng. Đến năm 1857, câu lạc bộ Sheffield - đội bóng lâu đời nhất thế giới - ra quy định mở màn cho "cuộc chiến màu sắc" trên sân cỏ. Quy định nêu rõ: "Mỗi cầu thủ phải có một mũ flannel màu đỏ hoặc xanh đậm. Mỗi đội dùng một màu".
"Trong bóng đá, điều quan trọng nhất là các cầu thủ phải phân biệt được rõ ràng với những người ở đội kia. Cách duy nhất là mỗi bên phải có bộ đồ riêng biệt. Nếu không, nó sẽ khiến cả cầu thủ và khán giả đều rối mắt", tờ Historical Kits trích lời một phóng viên khi xem bóng đá thời xưa.
Vào những năm 1870, các bộ đồ thi đấu đầu tiên xuất hiện. Blackburn Rovers có áo trắng, được tạo điểm nhấn bởi biểu tượng thánh giá Maltese của trường Shrewsbury. Đây là nơi một số người sáng lập đội từng theo học. Reading ra sân với bộ đồ màu hồng cá hồi, pha lẫn xanh lam nhạt và màu khói. Thời gian đầu, họ vẫn còn đội cả mũ len, mũ lưỡi trai...
Trong trận chung kết cúp FA đầu tiên vào năm 1872, Wanderers đã mặc bộ đồ màu hồng, đen và xanh lá cây. Đối thủ của họ - The Royal Engineers - thi đấu trong bộ trang phục áo đỏ sẫm và xanh navy.
Dù vậy, màu áo trắng trong giai đoạn này vẫn phổ biến nhất vì nó tương đối rẻ, dễ mua. Không giống như ngày nay, cầu thủ xưa phải tự mua đồ từ thợ may của đội. Do đó, trang phục đôi khi có sự khác biệt đáng kể.
Đồ thi đấu bóng đá đã trải qua nhiều thay đổi. Ảnh: Toffs. |
Theo Football Pink, khi bóng đá trở thành môn thể thao chuyên nghiệp, câu lạc bộ buộc phải có trách nhiệm trong việc đưa ra các mẫu áo đấu. FA (Liên đoàn bóng đá Anh) yêu cầu các đội phải đăng ký trước màu áo đấu. Trong trường hợp trùng lặp, một đội phải sử dụng áo trắng.
Hiện nay, khán giả quen với việc thủ môn mặc khác màu áo cả đội. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1909. Các thủ môn phải mặc một màu khác, giới hạn trong các lựa chọn như đỏ, trắng, xanh lam, xanh lá cây. Phải tới năm 1980, các quy định về giới hạn màu mới được thay đổi.
Thời gian đầu, áo thủ môn thường làm bằng len dệt kim. Nó rất nặng khi ướt và thường xuyên bị gião vải.
Tới năm 1933, số áo mới được in sau lưng các cầu thủ tại cúp FA. Đó là trận đấu giữa Everton và Manchester City. Đội bóng vùng Merseyside chọn số từ 1-11. Đối thủ của họ chọn số từ 12-22. Tới mùa 1939-1940, số áo là bắt buộc cho mọi cầu thủ. Dù vậy, mùa giải này đã bị hoãn khi chiến tranh thế giới nổ ra.
Cuộc chiến tài trợ
Sau thời gian dài, người ta bắt đầu nhận ra bộ đồ thi đấu không đơn thuần chỉ dùng để phân biệt 2 đội. Nó còn có thể đem đến những khoản lợi nhuận kếch xù cho các đội bóng từ hợp đồng tài trợ. Tuy nhiên, ý tưởng này không được chấp nhận một cách dễ dàng.
Hibs và Liverpool là những đội bóng đầu tiên mặc áo có tên nhà tài trợ. Điều này khiến các câu lạc bộ khác cũng muốn học theo và khai thác doanh thu tiềm năng từ việc bán áo. Tuy nhiên, BBC, ITV và nhiều đài truyền hình khác tuyên bố họ sẽ không phát sóng các trận có áo đấu in logo nhà tài trợ.
Conventry City từng phải chấp nhận bỏ áo đấu có logo một hãng ôtô để được lên sóng truyền hình.
Các nhà tài trợ từng bị nhiều đài truyền hình làm khó. Ảnh: Vox. |
Đến năm 1983, các nhà đài chịu nhún nhường trước việc áo đấu in logo nhà tài trợ. FA quy định kích thước tối đa của các logo không quá 81 cm2. Trong các trận đấu lên sóng truyền hình, giới hạn kích thước còn bị giảm thêm một nửa.
Ban đầu, Bukta và Umbro - 2 hãng thời trang thể thao ở Anh - gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường áo đấu. Tuy nhiên, adidas - ông lớn thể thao nước Đức - đã len lỏi vào thị trường béo bở ở Anh. Công ty này giành được hợp đồng với Manchester United vào năm 1980 và Liverpool chỉ sau đó 5 năm. adidas thậm chí còn thâu tóm luôn hợp đồng với một số đội nhỏ.
Việc các nhà tài trợ lao vào cuộc chiến áo đấu đã tạo thay đổi lớn trong những mẫu thiết kế. Vải polyester nhân tạo được đưa vào. Nó rẻ, nhẹ và hút ẩm tốt hơn. Với loại vải này, việc thiết kế cũng trở nên đơn giản.
Áo đấu trở thành thị trường béo bở cho nhiều hãng thời trang thể thao. Ảnh: Sky Sports. |
Suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, áo bóng đá đã trở thành thị trường béo bở cho nhiều bên. Nhiều người hâm mộ chỉ trích câu lạc bộ vì thay đổi áo đấu quá nhiều. Dưới áp lực này, một số đội phải ký thỏa thuận giữ nguyên áo đấu trong 2 mùa. Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ này, việc giới thiệu liên tục các mẫu áo theo mùa đã diễn ra sôi nổi không kém ngày nay.
Thời trang áo đấu hiện đại
Hiện nay, áo đấu ngày càng trở nên đơn giản hơn. Các thiết kế cầu kỳ, lòe loẹt đang dần bị khai trừ. Dù vậy, về cơ bản, chúng thay đổi khá ít so với các bộ đồ truyền thống. Ví dụ, áo đấu Manchester United luôn giữ màu đỏ chủ đạo. Trong khi đó, áo của Arsenal là đỏ - trắng, còn Chelsea mang sắc xanh...
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất nằm ở công nghệ chế tạo áo. Giữa năm nay, adidas ra thông báo sẽ sử dụng vải làm từ chất thải nhựa polyester và nhựa tái chế. Đây là cách "gã khổng lồ" Đức góp phần bảo vệ đại dương.
adidas và nhiều hãng thể thao đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ làm áo. Ảnh: adidas. |
Đại diện hãng nói muốn tái chế một nửa lượng chất thải polyester vào năm nay. Đến năm 2024, con số này có thể là 100%. Hãng cũng chủ động giảm giá để người dùng dễ tiếp cận với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực tế, áo đấu làm bằng vải từ nhựa polyester tái chế phải có giá cao hơn chất liệu nguyên chất.
Trong khi đó, Nike cũng tự hào với công nghệ Vaporknit, giúp làm mát và khô thoáng suốt quá trình thi đấu.
Ý tưởng thiết kế đồ thi đấu bóng đá ngày càng độc đáo hơn. Ảnh: Uni Sports. |
Các ý tưởng thiết kế mang nhiều tầng nghĩa cũng là điểm mạnh của ông lớn nước Mỹ. Mùa giải 2019-2020, Nike đem đến mẫu áo đấu sân nhà của Chelsea với nhiều họa tiết rối mắt. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy đó chính là hình ảnh Stamford Bridge - sân nhà của The Blues.
Puma - nhà tài trợ áo đấu của Manchester City - cũng khiến nhiều fan bất ngờ với mẫu áo thứ 3 kỳ lạ trong mùa 2020-2021. Theo nhà sản xuất, họ tìm kiếm cảm hứng cho chiếc áo từ chính văn hóa âm nhạc của thành phố Manchester. Các hoa văn paisley khiến chiếc áo thực sự trở thành sản phẩm thời trang thời thượng.