Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 100.000 cử nhân thất nghiệp và sự lãng phí tiền bạc, tuổi trẻ

Theo thống kê, hơn 100.000 người có trình độ đại học không kiếm được việc làm. Đây là sự lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc của người trẻ.

Hai năm trước, Phạm Sáng (27 tuổi) từng mở quán cà phê ngay tại quê nhà Hà Tĩnh. Duy trì quán được một năm, Sáng đóng cửa để “Nam tiến”.

“Một năm đó, tôi không chỉ chịu áp lực từ công việc kinh doanh mà còn phải đối mặt sự ngờ vực từ mọi người xung quanh. Thậm chí, tôi nghe mọi người đồn mình lô đề, nợ nần nên không tốt nghiệp nổi đại học và phải trốn nợ về quê”, anh chàng 27 tuổi kể.

Thực tế, Sáng có bằng kỹ sư ngành Công nghệ chế tạo máy. Nhưng trong hơn 4 năm qua, anh chưa từng trúng tuyển vào vị trí nào liên quan ngành học của mình.

Cử nhân đại học thất nghiệp

Phạm Sáng chỉ là một trong số hơn 100.000 cử nhân đại học thất nghiệp. Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý một năm 2019, cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó, 124.500 người có trình độ từ đại học trở lên.

Trong khi đó, quý một năm 2018, con số này lên đến 142.300 người. Thực tế, vài năm trở lại đây, số lượng người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp ngày càng giảm, nhưng mức giảm không đáng kể. Đây vẫn là nhóm trình độ có số lượng người không tìm được việc làm cao nhất.

Điều đó cũng có nghĩa hàng năm, hơn 100.000 tấm bằng đại học "bỏ không". Số lượng cử nhân, kỹ sư lãng phí 4 năm cùng số lượng lớn tiền bạc nhưng không thể áp dụng kiến thức học được vào thực tế.

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - từng nhận định tình trạng cử nhân thất nghiệp là sự lãng phí về thời gian và tuổi trẻ.

Thực tế ngày nay, hàng chục nghìn cử nhân không kiếm được việc làm, trong khi hàng chục nghìn người tốt nghiệp trường nghề, có công việc ổn định, mức lương khá. Nhưng ở nhiều địa phương, người dân vẫn còn tâm lý thích học đại học, không cần biết xin được việc hay không.

Tâm lý đó dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” diễn ra cả chục năm nay. Chưa kể đến, không ít người tốt nghiệp đại học nhưng trình độ chưa đạt mức “thầy”, không đáp ứng được công việc lao động tri thức.

cu nhan that nghiep anh 1
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng cử nhân thất nghiệp là sự lãng phí về thời gian và tuổi trẻ. Ảnh: Q.Q.

"Nếu được chọn lại"

Trong khi hàng trăm nghìn học sinh vẫn muốn vào đại học, nhiều trường vẫn tuyển sinh kiểu bất chấp, sẵn sàng hạ điểm chuẩn để vớt đủ người học. Nếu việc mở đầu vào này đi kèm siết đầu ra, các chuyên gia đã không lo lắng đến thế.

Gần nhất, trong đợt tuyển sinh năm 2019, thông tin các trường đặt điểm sàn 12 và sau này lấy điểm chuẩn 13-14, không ít chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi “trường tuyển cả thí sinh dưới trung bình thì dạy kiểu gì?”.

Một số người tin tưởng quá trình đào tạo ở đại học sẽ giúp những sinh viên vào trường với điểm dưới trung bình sẽ tiến bộ và đủ năng lực làm việc. Nhưng thực tế nhiều năm cho thấy hàng loạt người cầm bằng đại học nhưng trình độ không tương đương vì đầu ra được “mở” để phần lớn người học “vào được ra được”.

cu nhan that nghiep anh 2
Học sinh THPT cần cân nhắc lựa chọn con đường phù hợp, tránh vào đại học bằng mọi giá. Ảnh: Việt Hùng.

Ở những trường siết đầu ra, chú trọng sàng lọc, số lượng sinh viên bị đuổi lên đến hàng trăm người. Năm học 2016-2017, dư luận từng sốc trước thông tin hàng nghìn sinh viên ở Sài Gòn bị buộc thôi học. Đây cũng là lãng phí không hề nhỏ. Chưa kể đến, việc “đứt gánh giữa đường” này dễ khiến sinh viên rơi vào bế tắc, chán nản, không biết đối mặt gia đình và tương lai ra sao.

Vũ Hòa (24 tuổi) là một trường hợp như thế. Học đến năm thứ ba tại một trường đại học ở Hà Nội, Hòa phải thôi học vì nợ môn nhiều và không thể theo kịp. Một năm tiếp đó, cậu không dám về nhà, vẫn lừa bố mẹ mình đang học bình thường và dùng tiền gửi từ quê ra để sống tạm bợ ở thủ đô. Chàng trai 21 tuổi thậm chí không thèm bước chân ra khỏi phòng trọ để tìm công việc.

Đến khi bạn bè lần lượt ra trường, Hòa không thể giấu nổi mới thú nhận với gia đình. Bố mẹ thất vọng, trách mắng một thời gian rồi cũng phải bỏ qua và khuyên con làm lại từ đầu.

Hiện tại, Hòa làm công nhân cho một công ty ở Bắc Ninh, đã lập gia đình. Hơn hai năm học đại học gần như không để lại giá trị gì.

Cũng là một người lãng phí thời gian học đại học, Phạm Sáng nhiều khi chỉ ước có cơ hội chọn lại. Anh chắc chắn bỏ qua nguyện vọng của bố mẹ, tìm học ngành liên quan cà phê để mở quán như nguyện vọng mấy năm nay.

Sinh viên ngành du lịch có thể thu nhập nghìn USD/tháng

Nhiều học sinh quan tâm về việc làm trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn. Các chuyên gia cho rằng đây là ngành học đang được ưu tiên, nhu cầu nhân lực lớn.

Hoàng Bách

Bạn có thể quan tâm