Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô cho biết hiện Cô Tô có khoảng 1.500 khách du lịch đang lưu trú trên đảo do tình hình thời tiết xấu, các phương tiện bị cấm hoạt động do đó chưa trở về đất liền được.
Tàu thuyền của ngư dân và tránh trú bão tại huyện đảo Cô Tô. Ảnh: Thu Hằng - Thu Báu/TTXVN. |
Để đảm bảo an toàn cho khách, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức các tổ công tác đi nắm tình hình, động viên du khách, kêu gọi, vận động các nhà nghỉ, cơ sở lưu trú du lịch giảm giá phòng cho khách từ 30-50%, hỗ trợ các điều kiện khác cho khách; đồng thời tuyên truyền cho nhân dân, chủ nhà nghỉ và du khách tuyệt đối không đi ra ngoài trong điều kiện thời tiết đang diễn biến phức tạp để đảm bảo an toàn tính mạng.
Tại khu du lịch Cát Vân Hải thuộc Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, cũng có khoảng 100 khách lưu trú từ những ngày cuối tuần trước. Mưa to, gió lớn, biển động nên số khách này không thể vào bờ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật như dự kiến.
Ông Hoàng Đức Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải, cho biết công ty đã chủ động giảm giá phòng tới 50% cho những ngày lưu trú phát sinh của khách, đồng thời giá thực phẩm lấy giá gốc, không lấy công dịch vụ để khách du lịch yên tâm nghỉ lại trong những ngày mưa lớn.
Đến chiều 27/7, địa bàn huyện Cô Tô và đảo Quan Lạn vẫn có mưa lớn, gió cấp 5, cấp 6. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Hoàng Bá Nam cho hay khách du lịch sẽ phải ở lại đến hết ngày 27/7. Dự kiến nếu ngày 28/7 mưa tạnh, gió giảm thì huyện sẽ bố trí phương tiện tàu đưa số khách du lịch mắc kẹt vào bờ.
Cũng tại xã đảo Quan Lạn, đến 15 giờ 30 phút ngày 27/7, tại hồ Lòng Dinh ở thôn Tân Lập, Quan Lạn (huyện Vân Đồn) mực nước đã dâng cao, nguy cơ vỡ đập lòng hồ rất lớn. Hiện mưa ở đảo Quan Lạn vẫn lớn, lượng nước đổ về hồ Lòng Dinh ngày một nhiều.
Ông Mạc Thanh Luân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Đồn, cho biết huyện Vân Đồn đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ phá đập tràn để cho nước hồ thoát, tránh nguy cơ vỡ đập. Hiện công tác xử lý hồ Lòng Dinh hết sức khẩn cấp.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Hoàng Bá Nam cho hay mưa lớn khiến tuyến đường bêtông từ Hải Tiến đi Nam Hà sạt lở khoảng 20m (hiện chỉ xe máy đi được), đường xuyên đảo sạt lở hai vị trí; khu vực từ Cống đổ thuộc xã Đồng Tiến đi thị trấn Cô Tô chiều dài khoảng 150m, toàn bộ nhà dân ngập 0,3-0,5m.
Trạm xử lý nước sinh hoạt Hồ Trường Xuân tạm ngừng hoạt động do sạt lở đất, cây cối vùi lấp. Theo ông Nam, hiện tại không có trang thiết bị khắc phục ngay, chờ khi thời tiết trở lại bình thường mới tiến hành sửa chữa được. Huyện đang cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân qua hệ thống cấp nước hồ C4. Ước tính thiệt hại về tài sản tại đảo Cô Tô khoảng 3,5 tỷ đồng.