Tính từ 16h ngày 23/12 đến 16h ngày 24/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 đã ghi nhận 16.142 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố (10.528 ca trong cộng đồng).
Số người dương tính với SARS-CoV-2 tại Việt Nam tiếp tục nằm trong xu hướng gia tăng kể từ khi nước ta chủ trương thích ứng, sống chung an toàn với virus. Song song với nguy cơ bùng phát dịch là sự ảnh hưởng của biến chủng Omicron đang hiện hữu ở nhiều quốc gia.
Để chủ động ứng phó với mối nguy từ biến chủng mới, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine Covid-19, đặc biệt là mũi tăng cường (mũi 3) cho những nhóm ưu tiên.
Tình hình dịch ở Hà Nội và TP.HCM
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 24/12, thành phố ghi nhận 1.834 trường hợp nhiễm nCoV. Thành phố đã liên tiếp vượt kỷ lục về số ca nhiễm nCoV trong ngày thời gian qua với ngưỡng 1.700 người, qua đó dẫn đầu cả nước.
Tuần qua, Hà Nội cũng đã vươn lên dẫn đầu cả nước về số ca mắc trung bình với khoảng hơn 1.600 người nhiễm virus mỗi ngày, vượt qua cả các tỉnh thuộc khu vực phía Nam từng có diễn biến dịch rất phức tạp.
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội. |
Mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định số ca nhiễm tăng nhanh là điều đã được dự báo. Tuy nhiên, khi tốc độ lây lan không giảm, Hà Nội có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát rất lớn, nhất là trong đợt nghỉ lễ, Tết sắp tới.
Trong bối cảnh cận kề dịp lễ tết cuối năm, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội thậm chí đã huy động Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố báo cáo Cấp ủy, Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc nhà trường chọn cử từ 200 đến 300 sinh viên tình nguyện/đơn vị tham gia "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" tư vấn cho người dân trong hoạt động phòng, chống dịch và hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại nhà.
Liên quan biến chủng mới, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa qua đã bày tỏ đặc biệt lo ngại với việc Omicron đang hoành hành ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Khả năng lây nhiễm của Omicron gấp đôi so với chủng Delta và chưa có kết luận chính xác về khả năng gây bệnh đối với người nhiễm.
Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đã chỉ đạo ngành y tế lấy mẫu đánh giá ngẫu nhiên đối với người nhập cảnh để giải trình tự gene, phát hiện ca nào nhiễm biến chủng Omicron thì Hà Nội áp dụng biện pháp tăng cường ngay.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát và lập kế hoạch tiêm vaccine mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 97,6% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.
Trái ngược với Hà Nội, TP.HCM đã trải qua 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn dưới ngưỡng 1.000 trường hợp. Tốc độ phát hiện ca mắc mới của thành phố cũng đang có xu hướng giảm liên tiếp trong 3 ngày qua.
Trung bình tuần qua, thành phố chỉ ghi nhận khoảng hơn 850 ca mắc mới và xuống vị trí thứ 4 cả nước.
10 địa phương có số lượng F0 cao nhất trong 7 ngày qua | |||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | |||||||||||
Nhãn | Hà Nội | Cà Mau | Tây Ninh | TP.HCM | Đồng Tháp | Cần Thơ | Khánh Hòa | Vĩnh Long | Vĩnh Long | Bến Tre | |
Trung bình số F0 trong 7 ngày | ca | 1603 | 1277 | 941 | 854 | 785 | 778 | 727 | 707 | 631 | 564 |
Trước diễn biến có phần tích cực của dịch, Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết các phòng chuyên môn của sở đang lấy ý kiến phụ huynh về sự đồng thuận, sẵn sàng cho trẻ đến trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Y tế TP.HCM đang làm việc với nhau để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thí điểm học trực tiếp 2 tuần qua. Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch, tuần sau, hai sở sẽ có báo cáo, đề xuất lãnh đạo TP.HCM về việc tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 3/1/2022.
Chủ tịch UBND TP.HCM mới đây cũng đã có quyết định kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh để kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhằm chỉ đạo, triển khai các giải pháp hữu hiệu phòng ngừa, ngăn chặn, khống chế, dập dịch.
Ban sẽ xem xét các đề xuất, giải pháp của tổ chuyên gia; xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp, kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội thành phố...
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho cho thấy 98,42% người dân trên 18 tuổi của TP.HCM đã được bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn.
Cà Mau, Tây Ninh vẫn nằm trong “top đầu” về số ca mắc mới
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Cà Mau, trong ngày 21/12, tỉnh ghi nhận thêm 1.590 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tăng 623 trường hợp so với hôm qua.
Tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 26.954 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 16.553 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng. UBND tỉnh Cà Mau nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp.
Số ca mắc Covid-19 tại Cà Mau trong tuần qua | ||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | ||||||||
Nhãn | 18/12 | 19/12 | 20/12 | 21/12 | 22/12 | 23/12 | 24/12 | |
Số ca mắc Covid-19 | ca | 1341 | 1345 | 967 | 1590 | 1193 | 1167 | 1334 |
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, 109,54% người dân trên 18 tuổi tại Cà Mau đã được tiêm 2 mũi vaccine, gồm cả trường hợp từ địa phương khác tới. Tuy nhiên, UBND tỉnh thừa nhận vẫn còn nhiều người sống trên địa bàn Cà Mau mới tiêm một liều, thậm chí chưa được tiêm vaccine, làm tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong khi mắc Covid-19.
Để mọi người dân trong độ tuổi, đủ điều kiện, được tiêm vaccine theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương chỉ đạo, triển khai rà soát theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đảm bảo tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên, trên địa bàn quản lý, phải được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 trước ngày 31/12 (trừ trường hợp chống chỉ định tiêm, phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng vừa có công văn yêu cầu các cấp chính quyền thực hiện tốt việc tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19; Không tổ chức hoạt động tập trung đông người để giữ an toàn.
Tại Tây Ninh, 875 ca mắc Covid-19 đã được phát hiện trong vòng 24 giờ qua. Tính trong làn sóng dịch thứ 4, tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 81.676 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 14.117 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trên địa bàn.
Đến nay, Tây Ninh cũng đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine Covid-19 lên tới 97,27%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 90,23%.
Sáng 24/12, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh Tây Ninh và làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương này.
Lãnh đạo tỉnh cho biết địa phương này đang áp dụng mô hình tháp điều trị 3 tầng: Số bệnh nhân nặng điều trị tại tầng 3 là 159, số ca có triệu chứng nhẹ và trung bình điều trị tại tầng 2 là 339 ca.
Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu tới làm việc tại Tây Ninh. Ảnh: Tuấn Dũng. |
Thứ trưởng Sơn nhận định dù có nhiều khó khăn về nhân sự y tế, Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch và cơ bản thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Diễn biến dịch thời gian gần đây ở nhiều địa phương thuộc Tây Ninh cho thấy số lượng ca nhiễm của tỉnh tăng lên, số ca tử vong cũng cao hơn so với cách đây 2 tuần. Tỉnh vẫn cần thực hiện giám sát dịch tễ có trọng điểm tại những nơi tập trung đông người, các khu công nghiệp, đặc biệt đối với sự thâm nhập của chủng Omicron.
Hơn 2 triệu mũi 3 đã được tiêm
Trong ngày 23/12, Bộ Y tế thống kê 1.219.867 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số đã được tiêm là 143.520.464 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 76.679.502 liều, tiêm mũi 2 là 64.807.736 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc lại và mũi 3 của vaccine Abdala) là 2.033.226 liều.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng dịch vừa qua và cũng trở thành nơi tiên phong tiêm vaccine mũi 3 cho người dân, Sở Y tế TP.HCM mới đây cho biết sau 15 ngày thực hiện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", thành phố có 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, 24.420 người chưa tiêm vaccine (chiếm tỷ lệ 4,2%).
Cơ quan này cho biết tất cả trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vaccine ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.
Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên mới nhất của Bộ Y tế, cơ quan này chỉ quy định 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng gồm người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế vẫn phân loại người tiêm thành 4 nhóm:
- Nhóm 1: Người đủ điều kiện tiêm chủng, là trường hợp độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine.
- Nhóm 2: Người cần thận trọng tiêm chủng, gồm người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
- Nhóm 3: Người trì hoãn tiêm chủng.
- Nhóm 4: Chống chỉ định, gồm tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.