Chính sách hỗ trợ cho các cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang làm việc ở các vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ban hành từ năm 2010 (Nghị định 116/2010, có hiệu lực từ tháng 3/2011).
Thế nhưng ở Hậu Giang, từ khi Nghị định 116/2010 có hiệu lực cho đến hết tháng 3 năm nay, có gần 21.600 lượt người thuộc diện được thụ hưởng vẫn không nhận được một đồng trợ cấp nào.
Mòn mỏi chờ rồi… thất vọng
Theo tính toán của UBND tỉnh Hậu Giang, trong các năm 2011-2013 có gần 21.600 người được hưởng trợ cấp hơn 100 tỉ đồng theo Nghị định 116/2010. Số này vượt ngoài dự toán ngân sách được cấp nên tỉnh đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung nhưng sau khi thẩm định, tháng 10/2014, Bộ Tài chính chỉ đồng ý bổ sung gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng 4, Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang mới thông báo cấp kinh phí và chỉ giải quyết được cho khoảng 1.045 lượt cán bộ, công chức. Còn hơn 20.500 người vẫn tiếp tục chờ đợi trong bức xúc.
Thầy giáo PCL bức xúc trình bày được hướng dẫn khai hưởng trợ cấp nhiều lần nhưng lại bị lọt khỏi danh sách chi trả. Ảnh: Gia Tuệ. |
Thầy giáo PCL - trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (cùng ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A với một trường mẫu giáo được hỗ trợ) cho biết ông và nhiều đồng nghiệp được hưởng trợ cấp, đã kê khai hồ sơ theo hướng dẫn của nhà trường và Phòng GD&ĐT hướng dẫn khai hồ sơ.
Mọi người hy vọng sớm được chi trả nhưng đến nay mọi người rất bất ngờ vì không có trong danh sách hưởng trợ cấp. Nếu được trợ cấp tổng cộng 34 tháng, tôi nhận được gần 100 triệu đồng. Số tiền này sẽ giúp giải quyết nhiều khó khăn do đồng lương ít ỏi nhưng nhiều người chờ đợi rồi thất vọng”.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Đức, Phó phòng GD&ĐT huyện Châu Thành A, ở huyện có tám trường học với trên 300 giáo viên được hưởng trợ cấp nhưng đợt này chỉ 595 triệu đồng cho giáo viên của hai trường. “Nhiều giáo viên các trường còn lại bức xúc nên đã kiến nghị để xem xét cấp bổ sung vào đợt sau” - ông Đức nói.
Rút kinh nghiệm vì trả chậm
Lý giải việc “ngâm” hơn 46 tỷ đồng chi trả, ông Đặng Cao Trí - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang cho biết sau khi nhận được thẩm định của trung ương, Sở đã đề nghị các địa phương rà soát lại. “Từ kết quả này, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị được bổ sung thêm kinh phí để có đủ tiền cấp một lần nhằm tránh sự so bì. Tuy nhiên, quá trình thẩm định kéo dài nên tỉnh phải phân bổ phần kinh phí đã được duyệt chi. Việc chậm phát kinh phí so với yêu cầu là vì vậy” - ông Trí nói.
Trong khi đó, ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết Bộ Tài chính chỉ đồng ý chi gần 46 tỷ đồng là có chênh lệch quá lớn với con số được tỉnh đề nghị. Sở Tài chính lo ngại có phản ứng nên đề nghị cấp bổ sung nhưng Bộ Tài chính chưa trả lời nên phải đợi. Số tiền gần 46 tỷ đồng chờ chi trả lâu nay nằm trong kho bạc. Tháng 3 năm nay, tỉnh chỉ đạo thực hiện với yêu cầu chi trả dứt điểm trong tháng 4. “Sắp tới UBND tỉnh sẽ họp với các sở, ngành và địa phương để rút kinh nghiệm trong việc triển khai chi trả trợ cấp” - ông Thanh nói.
Theo ông Đặng Cao Trí - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang, tỉnh đề nghị trung ương cấp ngân sách hơn 100 tỷ đồng nhưng chỉ được duyệt gần 46 tỷ đồng. Việc cấp phát đang được thực hiện nhưng tỉnh có thuyết minh thêm phần bị cắt giảm và đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cấp bổ sung kinh phí đợt 2 để chi trả cho hơn 20.500 lượt cán bộ còn lại.