Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng 4 và 98,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc không mở cửa du lịch khiến khách quốc tế tới Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế tới Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 48,8% so với cùng kỳ. Các thị trường khách chính đều có mức giảm sâu.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ. Ảnh: Anh Tú. |
Trong 5 tháng đầu năm, khách châu Á đạt khoảng 2.700 lượt, chiếm 72,9% tổng số khách và giảm 51,4% so với cùng kỳ. Lượng khách Trung Quốc đạt 913.000 lượt, giảm 57,2% so với cùng kỳ. Các thị trường lớn khác có thể kể đến như Hàn Quốc (821.000 lượt), giảm 53,4%; Nhật Bản (201.000 lượt), giảm 48,2%...
Thị trường khách hiếm hoi có dấu hiệu tích cực trong 5 tháng đầu năm là Campuchia (120.000 lượt), tăng 118,3%.
Khách châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và châu Phi trong 5 tháng đầu năm cũng đều giảm mạnh. Trong đó, khách châu Âu đạt 665.000 lượt, giảm 35,7% so với cùng kỳ. Khách châu Mỹ đạt 234.000 lượt, giảm 46,9%. Con số này với khách châu Úc là 102.000 lượt, giảm 47,9%. Khách châu Phi đạt 12.000 lượt, giảm 38,8%.
Khách du lịch giảm sâu trong tháng 5 vì vấn đề bệnh dịch. Ảnh: iStock. |
Việc sụt giảm khách quốc tế buộc ngành Du lịch Việt Nam phải tập trung hoàn toàn vào khách nội địa. Sau đợt giãn cách xã hội, khách nội địa đang có xu hướng du lịch nhiều hơn trong hè năm nay. Theo một cuộc khảo sát từ 13-19/5 của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), hơn 50% người được hỏi cho biết đã sẵn sàng đi du lịch trong hè.
Tuy nhiên, lệnh giãn cách xã hội và bệnh dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen du lịch của thị trường khách nội. Điều này buộc các địa phương, đơn vị trong ngành Du lịch cần thay đổi để thích nghi. Theo đó, khách du lịch nội hiện quan tâm nhiều đến vấn đề an ninh, an toàn dịch bệnh hơn những chương trình giảm giá. Ngoài ra, khách du lịch đang có xu hướng giao dịch ít chạm (đặt phòng, giao dịch trực tuyến) và thích đi chơi cùng gia đình, bạn bè hơn.
Để phục hồi ngành Du lịch, TAB cho biết cần chú trọng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các địa phương cần xây dựng những chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần (1-2 tháng đầu miễn phí, sau đó giảm 50% tới hết năm).
Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn tại các điểm du lịch cũng cần đặt lên hàng đầu. TAB cũng gợi ý các Sở Du lịch cần tập trung, xúc tiến quảng cáo thông qua kênh truyền thông, người nổi tiếng...