Khoảng 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2024-2025 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học mới, cả nước gần 54.000 cơ sở giáo dục. Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động là hơn 1,6 triệu người.
Năm nay, các đơn vị tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường, gồm hai phần:
- Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước...;
- Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở tất cả khối lớp
Năm học 2024-2025 là năm mà chương trình chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai bao trùm ở tất cả các khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 12).
Bộ GD&ĐT cho biết ngành giáo dục sẽ tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Bộ cũng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Năm học 2024-2025 cũng là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi.
Dự kiến, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được ban hành vào tháng 11/2024.
Quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi rộng để đánh giá. Do đó, các Sở GD&ĐT đã sẵn sàng phương án cho công việc này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
Năm học 2024-2025, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhiều địa phương miễn học phí
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm học 2024-2025, trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí (hưởng từ ngày 1/9/2024). Trước đây, nhóm được hỗ trợ là trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có thông báo miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn.
TP Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trong 9 tháng của năm học 2024-2025. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là hơn 108 tỷ đồng.
Bà Rịa - Vũng Tàu miễn giảm toàn phần học phí cho trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo, học sinh THPT công lập và ngoài công lập, học viên đang học chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Tỉnh này cũng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập và ngoài công lập từ năm học 2022-2023 đến hết năm 2024-2025.
Tỉnh Long An giảm 50% học phí đối với trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập; miễn học phí đối với học sinh THCS đang học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Vĩnh Phúc thu học phí năm học 2024-2025 giảm 50% so với năm ngoái.
12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025
Ngày 23/8, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2236 về kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục. Bộ xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành giáo dục như sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục;
2. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;
3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
4. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo;
5. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục;
6. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học;
7. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;
8. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục;
9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành;
10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo;
11. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục;
2. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.