Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hơn 25 triệu học sinh, giáo viên khép lại năm học lịch sử

"Cảm ơn vì chúng ta vẫn ở đây, khỏe mạnh, sau đại dịch Covid-19. Có lẽ, chúng ta sẽ không bao giờ quên năm học lịch sử của cả thầy và trò", cô Thanh Nga nói trong lễ bế giảng.

nhin lai nam hoc lich su anh 1

Chia sẻ của nữ giáo viên tại Hà Nội cũng là tâm sự của nhiều thầy cô trên cả nước trong ngày 15/7 - thời điểm kết thúc năm học.

Cầm trên tay tấm ảnh học trò lớp 12 trong ngày chia tay, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), tự nhủ sẽ cất giữ cẩn thận và ghi nhớ những gương mặt này.

Nam giáo viên nhớ lại giây phút luyến tiếc, xúc động khi chứng kiến những cô cậu học trò chia tay năm học mà mấy tháng trước thôi cả thầy và trò tưởng chừng không thể về đích đúng hạn.

Một năm học với những ngày nghỉ nối dài trong lo lắng, mệt mỏi. Thầy trò cùng làm quen, khắc phục khó khăn với phần mềm dạy học trực tuyến, để hoàn thành nhiệm vụ.

Trường học đóng băng 3 tháng vì Covid-19

Ngành giáo dục đánh giá năm học 2019-2020 đóng vai trò quan trọng, là tiền đề để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa lớp 1 đi vào thực tế. Thế nhưng, mọi việc bắt đầu trật guồng quay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Mùng 6 Tết, học sinh Hà Nội và một số tỉnh thành trở lại trường theo kế hoạch. Lác đác học sinh mang khẩu trang vào lớp.

Chiều 1/2, Thủ tướng công bố dịch, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu lùi ngày tập trung trở lại.

Chiều tối 2/2, TP.HCM quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh thêm 1 tuần. Ngay sau đó, Hà Nội và nhiều địa phương khác đồng loạt cho học sinh nghỉ. Đến ngày 3/2, 50 địa phương cho học sinh nghỉ; từ một tuần, 2 tuần rồi đề xuất nghỉ đến hết tháng 4.

Sau đó là những chuỗi ngày phụ huynh thấp thỏm, loay hoay tìm cách trông con để không ảnh hưởng công việc, trong bối cảnh những quyết định tiếp tục nghỉ hay đi học trở lại được đưa ra sát giờ G.

Các chuyên gia giáo dục tranh luận giữa sự yên tâm của phụ huynh và kế hoạch năm học, nếu các em tiếp tục nghỉ dài ngày. Chuyện đi học hay ở nhà là đề tài tranh luận dài kỳ từ các chuyên gia dịch tễ, giáo dục. Điều này khiến nhiều địa phương phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và dư luận.

Có thời điểm, Bộ GD&ĐT không thể đưa ra quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ hay đi học. Trọng trách này được giao lại cho mỗi địa phương.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, từng tâm sự có những đêm trước khi họp, tham mưu cho UBND tỉnh về thời gian trở lại trường, ông thường khó ngủ. Bởi, đây không chỉ là quyết định cho học sinh nghỉ hay trở lại trường, mà còn là vấn đề sức khỏe, tính mạng con người và cả cộng đồng.

“Có những thời điểm Nghệ An cho học sinh nghỉ trễ hơn, hoặc đi học lại trong khi các địa phương khác vẫn nghỉ, tôi chịu áp lực rất lớn. Có phụ huynh gọi điện, chất vấn tôi rằng nếu con họ có mệnh hệ gì, ai chịu trách nhiệm? Tôi có dám chịu trách nhiệm không? Tôi thẳng thắn trả lời, mình chịu trách nhiệm. Dù nói vậy, tôi rất lo lắng, căng thẳng”, ông Thành nhớ lại.

Dịch Covid-19 khiến Bộ GD&ĐT phải 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch năm học. Thay vì kết thúc năm học vào ngày 31/5 như thông lệ, "năm lịch sử" này kéo dài đến ngày 15/7.

"Cảm ơn vì chúng ta vẫn ở đây, khỏe mạnh, sau đại dịch Covid-19. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ quên năm học lịch sử của cả thầy và trò", cô Thanh Nga, giáo viên một trường mầm non - tiểu học ở Hà Nội, nói như vậy trong lễ bế giảng. Tâm sự của nữ giáo viên cũng là nỗi niềm của biết bao cha mẹ, giáo viên, khi năm học kết thúc.

nhin lai nam hoc lich su anh 2

Học sinh Hà Nội đeo khẩu trang trong ngày đầu trở lại trường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Việt Linh.

Dạy học online và nhiều vấn đề phát sinh

Trường học đóng cửa, người thầy tìm mọi cách đưa kiến thức đến học trò, không để việc học bị gián đoạn. Các địa phương triển khai dạy học qua truyền hình, trực tuyến.

Trong tình thế không có sự chuẩn bị cả về vật chất lẫn tâm thế, thầy trò và phụ huynh phải vượt qua nhiều khó khăn để đồng hành với nhau trong các lớp học online. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tình thế, chưa thể thay thế lớp học truyền thống.

Chính điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa phụ huynh và một số trường tư thục, quốc tế tại TP.HCM và Hà Nội về học phí trong giai đoạn này.

Với lập luận chất lượng học tập không đạt, phải bỏ nhiều thời gian, chi phí cùng con học online, trong khi nhà trường không vận hành vì dịch, phụ huynh cho rằng trường không thể thu đủ 100% học phí.

Nhà trường, với lý do trả lương cho giáo viên, duy trì dạy học online, nên không thể giảm hoặc hoàn trả học phí trong mùa dịch.

Bắt nguồn từ trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, như hiệu ứng domino, phụ huynh hàng loạt trường quốc tế, tư thục khác đến cổng trường căng băng rôn, biểu ngữ, gây sức ép để trường đối thoại, thỏa thuận theo hướng giảm học phí. Đến nay, những mâu thuẫn này vẫn âm ỉ, chưa được giải quyết dứt điểm.

Ở một góc nhìn khác, trong mùa dịch với nhiều khó khăn, thử thách, nhiều điểm sáng nổi lên như tấm gương hiếu học của học trò vùng cao, sự tận tâm của người thầy không quản khó khăn, bằng mọi cách gửi bài, tài liệu về cho học trò.

Hình ảnh học sinh "cơm đùm cơm nắm", dựng lán giữa rừng núi, sương giá rét buốt, để bắt sóng học, thi online, khiến nhiều người xúc động.

Thời điểm dịch bệnh được kiểm soát - đầu tháng 5 - học sinh, sinh viên cả nước đồng loạt đến trường trở lại, cũng là lúc hoa phượng đã bắt đầu rực đỏ.

nhin lai nam hoc lich su anh 3

Phụ huynh tập trung phản đối chính sách học phí mùa dịch của trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, TP.HCM. Ảnh: H.L.

Thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm học kéo dài, chất lượng dạy học online còn nhiều vấn đề cần cải thiện, học sinh lớp 12 và phụ huynh như đứng ngồi trên đống lửa, khi kỳ thi THPT quốc gia cận kề.

Giữa những ý kiến đề nghị xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT ra thông báo khẳng định vẫn tổ chức kỳ thi nhưng giảm số môn và giảm tải nội dung.

Chỉ một tuần sau, thông tin từ Chính phủ đồng ý với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, thay vì kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm.

Trước một số thay đổi, học sinh mong Bộ GD&ĐT giữ nguyên 3 đầu điểm trong bài thi tổ hợp để dễ có điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng bằng những tổ hợp quen thuộc.

Đồng thời, sĩ tử lo lắng về viễn cảnh phải tham gia nhiều kỳ thi để vào các trường đại học khi lần lượt ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương thông báo khả năng tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT trấn an và khẳng định các trường đại học, cao đẳng sẽ có những điều chỉnh hợp lý về phương án tuyển sinh theo những thay đổi của kỳ thi.

Một tuần sau, Bộ GD&ĐT thông báo giữ nguyên 3 đầu điểm trong bài thi tổ hợp. Thí sinh thở phào nhẹ nhõm nhưng không ít trường đại học bị “hố” vì đã trót thông báo đến thí sinh kế hoạch tuyển sinh với nhiều điều chỉnh theo kỳ thi tốt nghiệp THPT.

nhin lai nam hoc lich su anh 4

Thay vì thi THPT quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào tháng 8. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Trở lại mạnh mẽ hơn sau khó khăn

Trong khi bạn bè thấp thỏm với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số ít học sinh có định hướng du học cũng không kém phần hoang mang.

Dịch bệnh, các nước đóng cửa biên giới, dịch vụ hàng không đóng băng, các kỳ thi lấy chứng chỉ SAT, ACT bị hủy bỏ, khiến kế hoạch du học của nhiều bạn trẻ trở nên dang dở. Nếu không chọn du học tại chỗ, đa số học sinh phải chờ đến khi dịch Covid-19 giảm nhiệt mới có thể tiếp tục kế hoạch ban đầu.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kế hoạch của ngành giáo dục nhưng đây cũng là cơ hội để những vấn đề của ngành được đẩy nhanh, mạnh. Trong số đó phải kể đến việc trường học, giáo viên nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học online. Nhiều trường kết thúc năm học sớm, kéo dài thời gian tựu trường với mong muốn trẻ có một mùa hè đúng nghĩa.

Dịch bệnh cũng khiến bức tranh giáo dục có nhiều thay đổi, thay vì du học ở nước ngoài, nhiều sinh viên giỏi, trường chuyên lựa chọn du học trong nước.

Bà Tô Thị Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, nhận định không nhiều học sinh, giáo viên cảm nhận và biết rằng mình đang trải nghiệm những biến động lớn trên toàn cầu.

“Thách thức có thể là khó khăn nhưng cũng là cơ hội. Trước đây, chúng ta mong muốn hai chữ ổn định để phát triển. Giờ đây, chúng ta lại cần hai chữ linh hoạt để thích ứng. Chỉ những ai có điều này mới tồn tại và từ đó mới phát triển.

Chúc mừng chúng ta kết thúc một năm học sóng gió. Kỳ vọng từ năm học sau, chúng ta đã có kinh nghiệm đối phó mọi bất ổn, để khó khăn chỉ làm cho ta trở nên mạnh mẽ hơn”, bà Tô Thị Diễm Quyên nhắn nhủ.

Học sinh lớp 12 bật khóc ngày chia tay tuổi học trò

Do ảnh hưởng của Covid-19, các trường học tổ chức lễ bế giảng muộn hơn khoảng một tháng so với các năm trước. Buổi lễ tại trường THPT Chu Văn An tràn ngập khoảnh khắc xúc động.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm