Tại điểm thi ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) với hơn 700 thí sinh dự thi đã có mặt từ khá sớm để chuẩn bị bước vào phòng thi. Đợt một của kỳ thi, nhiều thí sinh xem đây là cơ hội tập dượt cho mùa tuyển sinh 2019.
Đợt một của kỳ thi có 37.000 thí sinh đăng ký tham gia, được phân ra 20 điểm thi tại TP.HCM và tỉnh Bến Tre. Trong đó, 6 điểm thi tại nội thành TP.HCM gồm ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, CĐ Cao Thắng, THPT Gia Định, trường Phổ thông năng khiếu. Ngoài ra, 9 điểm thi tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM và 5 điểm thi tại tỉnh Bến Tre.
Giám thị gọi tên và nhắc nhở các thí sinh về các thiết bị, đồ dùng không được đem vào phòng thi. Ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM. |
Thanh Hậu, thí sinh đến từ tỉnh Quãng Ngãi, cho biết: "Đây là đợt một nên em đi thi chủ yếu để thử sức chứ cũng chưa ôn hết kiến thức. Vẫn còn những đợt thi sau nên em không cảm thấy áp lực lắm nhưng vẫn hơi hồi hộp. Thi xong chiều nay em sẽ về quê để kịp đi học".
Ngược lại, thí sinh Mỹ Hằng (TP.HCM) chia sẻ: "Em cố gắng trong lần thi đầu tiên có kết quả tốt để không phải áp lực trong những kỳ thi sau. Nếu lần này đậu thì thời gian cuối năm lớp 12 sẽ nhẹ nhàng, dễ thở".
Năm nay, 26 trường trong và ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tình nguyện viên hướng dẫn phòng thi cho các bạn thí sinh tại điểm thi ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: M.N. |
Riêng các trường trong ĐH Quốc gia TP.HCM dành tối đa 40% chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức thi đánh giá năng lực. Đây là cơ hội tăng thêm cho thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM cũng như các trường có sử dụng kết quả của kỳ thi này.
Kết quả của đợt thi này sẽ được thông báo vào ngày 10/4 và sử dụng để xét tuyển đại học từ ngày 15/4. Điểm thi đánh giá năng lực được công nhận trong vòng 12 tháng kể từ ngày tổ chức thi. Đợt 2 của kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 7/7.
Từ 8h30 thí sinh bắt đầu làm bài thi trong vòng 150 phút. Ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM. |
Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm cho 3 phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu, giải quyết vấn đề, thời gian làm bài 150 phút.
Bài thi được xây dựng theo cùng cách tiếp cận bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Kết quả thi đánh giá năng lực được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi (Item Response Theory - IRT).
Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau. Điểm số tối đa là 1.200, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.