Hội thảo Xây dựng các đơn vị năng lực cơ bản của người lao động trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức ngày 5/12.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đại biện các bộ, ngành, các chuyên gia; bàn về các chuẩn hóa các nhóm năng lực cho người lao động (nhóm năng lực cơ bản, nhóm năng lực chung và nhóm năng lực chuyên môn), qua đó, góp phần xây dựng được bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, trong đó có năng lực cơ bản.
Từ đó, nó tạo cơ sở cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, sử dụng và trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa vào kỹ năng nghề.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp. Ảnh: VietNamNet. |
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp), nhắc đến nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài: Chúng ta dọn chỗ đón “đại bàng” nhưng họ đến đây lại không làm được việc và nói rằng chúng ta dựa chủ yếu vào bằng cấp đào tạo. Trong khi các nhà đầu tư đến đây cần nguồn lao động có năng lực hành nghề. Do đó, đây là đòi hỏi thực tế của xu thế đầu tư mới đối với nước ta.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý II/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%).
Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65%; sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động).
Như vậy, còn đến 77,63% số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo).
Ông Trường cho hay năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với thế giới, kể cả với khu vực ASEAN.
“Chúng ta đang bị cả Lào vượt qua, và Campuchia đuổi sát”, ông Trường nói và cho rằng do đó cần có các giải pháp, công cụ hữu hiệu để nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VietNamNet. |
Ông Trường cũng cho hay công tác chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang phải đối mặt với những thách thức có thể nói “chưa từng có”.
Thứ nhất, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho người lao động ở những việc làm chưa từng có trong hiện tại. Ví dụ như sản suất máy thở, nghề khám chữa bệnh từ xa,... phát sinh khi dịch Covid-19 đang diễn ra.
Thứ hai, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho người lao động ở những việc làm ứng dụng công nghệ chưa từng được phát minh (như phát minh mới động cơ lượng tử, băng thông 5G, chuyển đổi số,… và tác động của nó).
Ngoài ra, việc chậm thay đổi nhận thức và thói quen (tư duy bằng cấp và tuyển dụng chủ yếu dựa vào bằng cấp…) cũng là thách thức với công tác chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý về 6 nhóm năng lực cơ bản: Ứng xử nghề nghiệp, Thích nghi nghề nghiệp, Ứng dụng công nghệ thông tin, An toàn lao động, Rèn luyện thân thể, Đạo đức nghề nghiệp.
TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: VietNamNet. |
TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng cần quan tâm, lưu ý đến khối kiến thức và kỹ năng đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số về yêu cầu công nghệ thông tin.
“Bởi, đây là lĩnh vực có thể giúp người lao động giải quyết hiệu quả và thuận tiện trong nhiều công việc. Tức không chỉ giải quyết các bài toán cụ thể mà ngay cả với những bài toán, yêu cầu bất kỳ”, ông Tuyên nói.
TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, cho hay xã hội 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mới, nhưng có một số vấn đề căn bản.
Thứ nhất, người lao động phải có năng lực làm việc trong môi trường áp lực. Thứ hai là năng lực hợp tác và làm việc nhóm.
Thứ ba là thái độ và tác phong chuyên nghiệp. “Điều này công nhân của chúng ta còn rất yếu. Khi chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp thì họ rất kêu ca về công nhân Việt Nam”, ông Học nói.
Thứ tư là năng lực quản lý mục tiêu. Thứ năm là năng lực thích ứng sự thay đổi.
Ngoài ra, ông Học cho rằng người lao động cần có kỹ năng đảm bảo an toàn lao động (môi trường làm việc, sức khỏe và tâm lý bản thân); năng lực làm việc được trong điều kiện áp lực, quản lý stress; ứng xử, giao tiếp mang tính nghề nghiệp; thích ứng.
“Một trong những chỉ số đánh giá sự thành công của con người không phải chỉ ở IQ mà còn bởi sự vượt khó và chỉ số thích ứng của con người. Như vậy ai có khả năng thích nghi tốt thì có thể phát triển. Kỹ năng tự học, tự hoàn thiện và đạo đức nghề nghiệp cũng là những yếu tố quan trọng”, ông Học nói.