Hơn 800 hộ ở Hà Nội vẫn bị cô lập trong nước lũ, dân bơi trước cửa nhà
Thứ tư, 25/7/2018 07:37 (GMT+7)
07:37 25/7/2018
Hơn 800 hộ ở ba xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ vẫn ngập sâu sau một tuần bị nước tràn qua đê sông Bùi ập tới. Chiều 24/7, nhiều người vẫn phải bơi lội ở cửa nhà.
Xã Nam Phương Tiến chiều 24/7 vẫn chìm trong biển nước do ảnh hưởng của đợt mưa lũ nhiều ngày qua. Phó Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Chiến Thắng cho biết từ ngày 17 - 21/7, nước sông Bùi lên cao nhấn chìm các ngôi làng tại đây.
Hiện nước rút vẫn rất chậm. Năm nay đê không bị vỡ những do mực nước lên quá cao đã tràn 3,9 km đê thuộc địa phận 3 xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ. Nơi bị ngập sâu nhất trên 2 m.
Người dân phải di chuyển bằng công nông do xã huy động hoặc bằng thuyền cá nhân.
Đời sống quá khổ cực nhưng không phải là lần đầu nên nhiều người đã cảm thấy quen thuộc. "Vẫn phải cười chứ khóc giờ ích gì", một phụ nữ chia sẻ.
“Nhà tôi ngập đến mét rưỡi, đồ đạc trong nhà còn chưa chuyển đi hết. Ai nghĩ ngập nhanh như thế này.”, ông Cường, người ở thôn Nam Hài nói.
Nhà ông Trịnh Văn Năm chỉ ngập đến đầu gối nhưng lại mất 4 con lợn và một mẫu ruộng.
Ông Năm phải đục tường thông sang nhà bên cạnh vì cổng chính của gia đình ông đã ngập qua đầu người.
Chú chó nằm cả ngày trên chậu cây cảnh.
Nhà của bé Khôi bị ngập sâu.
Sân trước cửa mấy ngày nay là bể bơi của em.
Sau nhiều ngày lội nước, nhiều người dân đã mắc phải một số căn bệnh như: lở loét, nước ăn chân, ghẻ…
Xã Nam Phương Tiến (khoanh đỏ) cùng 2 xã lân cận ở huyện Chương Mỹ còn ngập sâu một tuần sau khi nước tràn qua đê sông Bùi. Khu vực này cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km. Ảnh: Google Maps.
Toàn xã Nam Phương Tiến có tổng số 831 hộ bị cô lập với hơn 4.000 nhân khẩu trong đó có 637 hộ bị ngập nặng. Thiệt hại ban đầu ước tính; lúa 235 ha, hoa màu 115 ha, cây ăn quả 78 ha, thủy sản 85 ha, 118 trang trại, 116.000 con gia cầm bị ảnh hưởng, trên 1 tạ gia cầm bị chết, trên 1.000 con lợn chết.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của xã Nam Phương Tiến tiếp tục triển khai các phương án để bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân, đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân: nước uống, mì tôm và nến. Chính quyền xã cũng rà soát tất cả các khu vực ngoài đồng, không để cho người dân nào ở ngoài trang trại, tăng cường dân quân trợ giúp di chuyển người già, trẻ em, người tàn tật.
Chiều 4/8, mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến tình trạng ngập úng, xe chết máy diễn ra tại nhiều nơi trên Hà nội, đặc biệt trên các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc.
Ngày 20/8, Hà Nội ngày nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trên 34 độ C, có lúc mưa rào. Cùng lúc, Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ mưa lớn và dông kèm gió mạnh, lốc xoáy và sấm sét cả ngày.
Sáng 21/7, trời mưa lớn, nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội ngập lụt khiến cá từ ao, hồ tràn ra. Nhiều người dân trên phố Triều Khúc đã mang rổ, rá ra đường vợt, úp cá.