Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hôn mê sâu do biến chứng của say nắng

Những ngày nóng nắng vừa qua, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội đã ghi nhận hai trường hợp bị biến chứng nặng do say nắng.

Hôn mê vì say nắng

Bệnh nhân Lê Ngọc H. (nam, 47 tuổi, địa chỉ ở Phú Yên) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu.

Trước đó, bệnh nhân có sức khỏe tốt, chưa bị bệnh gì. Khoảng 2 tuần nay, bệnh nhân cùng đồng nghiệp đi gặt lúa thuê (máy gặt) tại Ninh Bình, mỗi ngày nhóm gặt phơi người dưới cái nắng gắt khoảng 4-6 giờ (nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 39 độ C).

Khoảng 15h ngày 30/5 (lúc nắng gắt nhất), khi đang đứng đóng gói bao thóc ngoài đồng, bệnh nhân đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút thì hôn mê. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu.

Tại đây bệnh nhân được xử trí cấp cứu: đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch. Sau đó bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não nhưng không thấy tổn thương, chưa chọc dịch não tủy. Sau 12 giờ cấp cứu, tình trạng toàn thân ổn định nhưng ý thức không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai. Đến chiều 31/5, tình hình ý thức của bệnh nhân cải thiện hơn trước đó.

Trường hợp thứ hai, khoảng 11h ngày 30/5, bệnh nhân Tạ Thị Vân H. (nữ, 88 tuổi, sống ở Hai Bà Trưng - Hà Nội) đang đi chợ thì đột ngột xuất hiện mất ý thức, được người dân xung quanh sơ cứu và gọi cấp cứu 115 đưa vào khoa cấp cứu bệnh viện hữu nghị Việt Xô.

Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân hôn mê, co giật, đỏ da toàn thân, sốt cao 40 độ C, mạch nhanh 150 lần/phút, huyết áp 180/100 mmHg, đường máu mao mạch 14,1 mmol/l. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và thoái hóa khớp. Ngay lập tức bệnh nhân đã được các y bác sĩ tại khoa cấp cứu cho thở oxy, dùng thuốc chống co giật, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ sốt và truyền dịch. Sau vài giờ thì tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định hơn, không co giật nữa, ý thức có cải thiện.

Những sai lầm khi đối phó với trời nắng 40 độ C

Nắng nóng khiến chúng ta thường tìm mọi cách để hạ nhiệt như uống nước đá, tắm, sử dụng điều hòa. Những việc làm tưởng chừng đơn giản này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.

Say nắng rất nguy hiểm

Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt.

Định nghĩa y học của sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,55 độ C (1050F) với các biến chứng liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện sau tiếp xúc với nhiệt độ cao.

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, chủ diễn đàn Bác sĩ nội trú, thời tiết nóng nắng như hiện nay có tới 80% người phơi nắng ngoài đường (bất cứ vì lý do gì) đều bị say nắng, nhưng biểu hiện nhẹ nên không ai nhận ra như các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt. Khi có các triệu chứng của say nắng thì họ sẽ tự động tìm chỗ râm mát để trú hoặc uống nước hoặc nhanh chóng về nhà hoặc cơ quan để bật điều hòa... Đây là các bước sơ cứu say nắng được các bác sĩ khuyến cáo.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất lại là đối với những đối tượng vì công việc hoặc lý do nào đó mà bắt buộc phải phơi nắng nhưng không có sự dự phòng say nắng, hoặc với người già và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém với nhiệt độ cũng như không nhận thức được mối nguy hiểm và cách dự phòng say nắng... nên rất dễ bị say nắng và các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.

Bác sĩ Chính định nghĩa say nắng là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt và là một cấp cứu y học. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt bạn nên gọi cấp cứu 115 ngay lập tức và tổ chức sơ cứu nạn nhân cho tới khi nhân viên y tế tới.

Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi, nhưng nó cũng rung một hồi chuông cảnh báo đối với các thanh niên trẻ khỏe.

Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng sốc nhiệt cũng có thể tấn công/biểu hiện ngay cả khi không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt báo trước.

Dự phòng sốc nhiệt

Khi chỉ số nhiệt cao, tốt nhất là ở trong môi trường điều hòa. Nếu bạn phải đi ra ngoài, bạn có thể dự phòng sốc nhiệt theo các bước sau:

+ Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, và đội một chiếc mũ rộng vành.

+ Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (sun protection factor-SPF) trên 30.

+ Uống nhiều nước để tránh mất nước, nói chung khuyến cáo mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, nước trái cây, hoặc nước rau... Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích sử dụng/bổ sung đồ uống thể thao giầu chất điện giải trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao (trong các đợt nóng).

+ Thực hiện các biện pháp dự phòng bổ sung khi tập luyện hoặc đi bộ ngoài trời. Khuyến cáo chung là uống 710 ml nước 2 giờ trước khi tập luyện và cân nhắc bổ sung 240 ml nước hoặc đồ uống thể thao ngay trước khi tập luyện. Trong khi tập luyện, bạn cần uống 240 ml nước mỗi 20 phút, ngay cả khi bạn không cảm thấy khát.

+ Thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian thích hợp.

Bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai.

http://infonet.vn/hai-truong-hop-hon-me-sau-do-bien-chung-cua-say-nang-post165659.info

Theo Khánh Ngọc/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm