Hơn một triệu người Mỹ diễu hành yêu cầu kiểm soát súng
Chủ nhật, 25/3/2018 07:06 (GMT+7)
07:06 25/3/2018
Hơn 1 triệu người trên khắp nước Mỹ xuống đường tuần hành yêu cầu thắt chặt quy định về quản lý súng đạn sau hàng loạt vụ xả súng với mức độ thương vong ngày càng trầm trọng.
Người biểu tình cùng những biểu ngữ yêu cầu thắt chặt quy định về quản lý súng đạn tại New York. Hôm 24/3, hơn 1 triệu người trên khắp nước Mỹ đồng loạt xuống đường trong phong trào "March for our lives" (Tuần hành vì sự sống) phản đối thất bại của chính phủ trong việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về quản lý việc sử dụng vũ khí.
Tại Washington, đám đông hơn 800.000 người đổ tới khuôn viêc quanh trụ sở quốc hội Mỹ. "Chỉ trong 6 phút 20 giây, mạng sống của 17 bạn bè và người thân của chúng ta đã vĩnh viễn bị tước đoạt. Một nỗi đau vĩnh viễn không thể phai mờ", Emma Gonzalez, một trong những người sống sót sau vụ xả súng ở Parkland, Florida, nhắc lại vụ xả súng kinh hoàng hôm 14/2.
Một giáo viên giơ cao biểu ngữ "Sinh viên của tôi quan trọng hơn súng của các người". "Ông nội của tôi có một giấc mơ rằng con cháu của ông sẽ không bị phán xét bởi màu da. Nay, tôi cũng có một giấc mơ, đó là thế giới nơi súng không được sử dụng bừa bãi", Yolanda Ranee King, cháu gái của Nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc lừng danh Martin Luther King, nói với AFP.
Một thiếu niên tại Pennsylvania với biểu ngữ "Máu người vô tội ở trên tay các người". Các cuộc tuần hành nổ ra ở nhiều thành phố như Washington D.C, New York, Houston, Chicago, Boston, Maryland hay thậm chí bên ngoài nước Mỹ như London và Paris.
Người biểu tình mang theo biểu ngữ chỉ trích các nhà lập pháp không ủng hộ thắt chặt quản lý súng đạn, cũng như công kích Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA), một tổ chức đầy quyền lực trên chính trường Mỹ.
Những người tham gia cuộc tuần hành hôm 24/2 bao gồm nhiều nạn nhân hoặc người thân của các nạn nhân của bạo lực súng đạn cùng những người phẫn nộ trước tình trạng bạo lực súng đạn trầm trọng. Với sự ủng hộ của đông đảo giới trẻ Mỹ, phong trào Tuần hành vì sự sống cho biết sẽ sử dụng lá phiếu của họ để gây áp lực lên các chính trị gia.
Thị trưởng Houston Sylvester Turner
(ngoài cùng bên phải) và Cảnh sát trưởng Art Acevedo (giữa) đồng hành cùng người biểu tình trong phong trào Tuần hành vì sự sống. "Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này tới mọi cuộc bầu cử, mọi bang, mọi thành phố", AFP dẫn lời David Hogg, một thủ lĩnh phong trào phản đối súng đạn ở Florida.
Edna Chavez
khóc trong lúc đọc bài phát biểu trước đám đông ở Washington D.C. Chavez mất người anh trai trong vụ xả súng đẫm máu hồi tháng 1 tại Los Angeles.
Người biểu tình đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực súng đạn ở Washington. Trong một thông báo hôm 24/3, Nhà Trắng cho biết hoan nghênh "những người Mỹ trẻ can đảm đã thực hiện quyền hiến định tại Tu chính án thứ nhất" (quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp được quy định tại Tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ). Nhà Trắng cho biết sẽ áp dụng một số biện pháp nhằm đối phó với bạo lực súng đạn như tăng cường an ninh tại các trường học, tăng cường đào tạo cho giáo viên, học sinh và lực lượng chấp pháp, cũng như siết chặt quản lý nhân thân với những người mua súng.
Quyền tự do sở hữu súng tại Mỹ vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Những người phản đối siết chặt sở hữu vũ khí cho rằng việc trang bị vũ khí cho dân thường là quyền hiến định, giúp những công dân lương thiện có công cụ để bảo vệ mạng sống, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trước những kẻ tội phạm cũng như trước bất kỳ sự đàn áp nào.
Ngày 20/3, một vụ xả súng xảy ra tại trường trung học Great Mills, thuộc bang Maryland. Đây là vụ xả súng tại trường học thứ 16 từ đầu năm đến nay tại Mỹ.
Các nghị sĩ Mỹ đang cố gắng đạt thoả thuận về dự luật ngân sách trị giá 1,3 nghìn tỷ USD trong tuần này để tránh tình trạng chính phủ lại ngưng hoạt động.