Tại hội thảo Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu do Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam (VCA) vừa tổ chức trong khuôn khổ Telefilm 2017, nạn vi phạm bản quyền trực tuyến đã được nhận diện rõ nét về mức độ nguy hại diện rộng trong khu vực Châu Á, Đông Nam Á và nhất là tại Việt Nam.
Vi phạm bản quyền thông qua hình thức quảng cáo trực tuyến
Quảng cáo trực tuyến là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn cho các trang web lậu. Hầu hết các trang web lậu đều hoạt động nhằm thu lợi nhuận chủ yếu từ dịch vụ quảng cáo.
Theo nghiên cứu của công ty công nghệ Incopro thì quảng cáo là nguồn thu duy nhất cho 88% các trang web chuyên đánh cắp nội dung lớn nhất ở châu Á. Nghiên cứu của Verisite cũng xác nhận rằng những trang web lậu phổ biến ở Việt Nam đều phụ thuộc vào hoạt động quảng cáo như một nguồn thu bất hợp pháp của mình.
Theo ông Bharat Kapoor - Giám đốc điều hành Verisite - đơn vị này đã tiến hành phân tích 50 trang web lậu thuộc hàng lớn nhất ở Việt Nam, theo xếp hạng của Alexa.
Hội thảo bảo vệ bản quyền phim điện ảnh do Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam (VCA) tổ chức trong khuôn khổ Telefilm 2017. Ảnh: BTC. |
Các trang web tải trực tiếp nội dung và trang web trình chiếu nội dung là những trang web lậu phổ biến nhất ở Việt Nam, với lượt truy cập lần lượt là 5,89 triệu và 1,48 triệu. Đáng chú ý là tất cả các trang tải trực tiếp đều cung cấp hoạt động trình chiếu video.
Trên thực tế, các thương hiệu chính thống là những nạn nhân trong toàn bộ hệ thống các trang web lậu này. Họ phải chịu sự tổn thất về danh tiếng khi thương hiệu của họ bị các công ty quảng cáo đặt cùng với phần mềm độc hại hoặc các mục quảng cáo khiêu dâm mà khi ký kết hợp đồng quảng cáo họ không biết đối tác quảng cáo là ai.
Theo khảo sát của Verisite tại Việt Nam, với 113 mục quảng cáo được tìm thấy trên 47 trang web lậu (chỉ có 3 trang web lậu là không có quảng cáo) thì 55% trong tổng số 113 mục quảng cáo trên các trang web lậu này đều là những quảng cáo của các thương hiệu có tiếng, và được xếp vào “thương hiệu chính thống”.
Còn lại 45% là các quảng cáo độc hại và có liên quan đến phần mềm độc hại, các trang web hẹn hò và khiêu dâm cùng với các sản phẩm phi pháp khác. Các quảng cáo này đều chạy trên 47 trang web lậu của 49 mạng lưới quảng cáo trực tuyến, 13 đại lý công ty quảng cáo và 10 đơn vị trao đổi quảng cáo.
Trong năm 2017, doanh thu quảng cáo trực tuyến ước tính sẽ vượt 2 tỷ USD trên khắp các thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Vi phạm bản quyền trực tuyến phim ảnh Việt đến mức báo động
Trong lĩnh vực phát hành phim, hiện tại các nhà sản xuất và những người làm phim tại Việt Nam cũng đang từng ngày phải đối mặt với rủi ro bị vi phạm bản quyền ngay khi phim vừa chính thức khởi chiếu ngoài rạp.
Nhất là với các ứng dụng tiện ích luôn được cập nhật đa dạng hóa của mạng xã hội Facebook rất phổ biến tại Việt Nam, chẳng hạn những hình thức kỹ thuật mới như livestream lại càng có nguy cơ trở thành phương tiện hữu hiệu của người dùng vô ý thức, sử dụng ngoài tầm kiểm soát để vô tình trở thành những người vi phạm pháp luật về bản quyền thương hiệu và sản phẩm.
Hồng Ánh là đạo diễn Việt đầu tiên tham gia bảo vệ bản quyền phim điện ảnh Việt tại một hội thảo quốc tế. Ảnh: BTC. |
Trong thực tế tại Việt Nam đã từng có khá nhiều vụ việc người dùng - khán giả khi vào rạp xem phim Việt đã hồn nhiên sử dụng chức năng livestream của Facebook để cho bạn bè người thân ở nhà cùng xem, chỉ đến khi bị bắt phạt theo quy định của các rạp chiếu và luật pháp hiện hành thì khán giả mới biết họ đã vi phạm pháp luật.
Với thực trạng hiện có về vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan tại Việt Nam, từ cấp độ cố ý cho đến vô thức, nữ đạo diễn Hồng Ánh đã chủ động tìm đến hội thảo Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu của VCA tổ chức trong khuôn khổ Telefilm 2017, cùng chia sẻ và tìm kiếm giải pháp bảo vệ bản quyền trực tuyến cho “đứa con" đầu tay của mình là phim Đảo của dân ngụ cư, khi phim vừa chính thức trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Hồng Ánh là đạo diễn Việt đầu tiên đã chính thức lên tiếng phát biểu, chia sẻ thực trạng làm nghề và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ bảo vệ bản quyền phim Việt với các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước.
"Tôi đang có nỗi lo sợ thường trực và ám ảnh vì sợ Đảo của dân ngụ cư bị ăn cắp bản quyền khi vừa ra rạp. Vì thế bằng tất cả ý thức chung tôi muốn bảo vệ sản phẩm của mình. Dĩ nhiên, một mình chúng tôi không thể làm nổi mà rất cần sự chung tay góp sức của các đơn vị khác", Hồng Ánh phát biểu trong hội thảo.
Hồng Ánh lo sợ Đảo của dân ngụ cư bị ăn cắp bản quyền khi ra rạp. Ảnh: ĐPCC. |
Chiến dịch hành động tại Việt Nam
Ông Oliver Walsh trực thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền trực tuyền. Ở Anh, lực lượng cảnh sát chống tội phạm về Sở hữu Trí tuệ (PIPCU) sẽ phối hợp với ngành công nghiệp nội dung và quảng cáo, phát động chiến dịch có tên là Hoạt động Sáng tạo.
Tại Việt Nam, Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam (Vietnam Content Alliance/ VCA) là một tập hợp của các nhà sản xuất và cung cấp nội dung Việt Nam và quốc tế bao gồm: Đài truyền hình Việt Nam (VTV); công ty BHD; Truyền hình K+; Hiệp hội truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương (CASBAA); Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (Motion Picture Association); Hãng phim 21st Century Fox; Ủy ban bản quyền Hàn quốc (Korea Copyright Commission) đã nhanh chóng được thành lập và nhập cuộc ngăn chặn những vi phạm đang tràn lan.
Trong 18 tháng qua, VCA đã tổ chức nhiều hội thảo mang tầm khu vực, với các diễn giả quốc tế liên quan bản quyền trực tuyến, tạo điều kiện cho truyền thông và công chúng có thêm thông tin tiếp cận vấn đề nóng này ở cấp độ tổng quan từ trong nước đến ngoài nước.