Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hỏng chuyện chăn gối chỉ vì... kém vệ sinh

Chuyện chăn gối có nhiều kẻ thù, nội công ngoại kích đều có, to như núi có mà nhỏ cỡ việc… kém vệ sinh cũng có.

Nghe có vẻ lạ nhưng việc ở bẩn không chỉ phá hỏng vài cuộc gối chăn mà lâu dài nó còn có thể đưa người trong cuộc đi xa hơn đến chỗ “cơm không lành, canh không ngọt”, thậm chí cơm canh cũng không còn.

Có nhiều kiểu kém vệ sinh trong tình dục. Trước tiên là vệ sinh thân thể, răng miệng. Với bà khó mong chăn gối ra ngô ra khoai nếu ông xông lên giường với mùi mồ hôi “nguyên bản” hoặc với hàm răng ám khói và hơi thở nồng nặc mùi thuốc lá, hành, tỏi…

Cũng vậy, với ông nếu bà vào cuộc với nhân dạng tương tự. Vấn đề là không phải lúc nào nạn nhân, thường là các bà các cô, cũng đủ mạnh dạn bảo cây tùng cây bách của mình “hôi” và giục ông đi tắm hoặc đánh răng mới mong vào cuộc. Phụ nữ có khiếu liên tưởng, chẳng hạn từ cọng ngò còn vắt kẻ răng, họ có thể phóng xa đến lắm bê bối khác của người đàn ông, kể cả chuyện phòng the.

Chăn, gối, giường, nệm không sạch cũng là thủ phạm. Rõ ràng phải yêu trên một “địa bàn” thiếu giặt giũ, ngã màu, bốc mùi thì khó mong chuyện ấy đạt kết quả xứng với hết tiềm năng. Nhiều cặp vợ chồng lười chăm sóc phòng the của mình, vì không tin những vật vô tri lại có khả năng đầu độc chăn gối.

Tắm giặt, đánh răng xong, việc vẫn có thể hỏng nếu bạn lơ là giữ vệ sinh cho những vị trí trực tiếp tham gia chăn gối. Tạo hóa có cái “dở” là xếp chỗ bài tiết với nơi vui vẻ vào cùng một chỗ. Do vậy, nếu ông hoặc bà không cẩn thận thì chỗ ấy có thể mang nguyên cái mùi lúc bài tiết sang lúc yến oanh thì không hay. Với cơ quan sinh dục, cách mà chúng “phản chủ” không hẳn chỉ do vấn đề vệ sinh mà có phần của các chất tiết sinh dục. Về sinh lý, những chất này có vai trò thu hút nhưng lại không thân thiện lắm với khứu giác.

Đặc biệt, những phương tiện trên còn có khả năng tiếp cận gần với giác quan của người chung chăn gối, chẳng hạn trong “khúc dạo đầu”. Không khó hình dung sự khổ sở của nạn nhân khi phải tiếp nhận một đối tượng tương tác kém vệ sinh và hiển nhiên cảm giác khó chịu này sẽ dập tắt mọi suy nghĩ tình dục phóng khoáng nhất từ họ.

Nghe vô lý nhưng không ít đôi uyên ương vẫn thường mắc phải lỗi, thường là vô ý. Chẳng hạn, nhiều ông hay bà có thói quen vào nhà vệ sinh ngay trước “giờ G” làm trống kho bài tiết để toàn tâm toàn ý cho chuyện ấy, chỉ có điều khi xong họ lại làm qua quýt hay quên hẳn việc vệ sinh kỹ “phương tiện”.

Cả khi chu đáo nhất thì người từ WC bước ra vẫn có thể gieo một ấn tượng không hay về vấn đề sạch sẽ trong mắt người chung chăn gối. Hiển nhiên với những “công cụ” đang là con bệnh của viêm nhiễm tiết niệu, bệnh phụ khoa hay kinh nguyệt, càng phải dụng công nhiều hơn trong khâu thanh trùng, khử mùi.

Bỏ qua việc quản lý “vùng tối” phía trên cơ quan đích cũng có thể khiến nhiều người hối tiếc. Theo hoạch định của tự nhiên, hệ lông vùng sinh dục ngoài chức năng thu hút còn có tác dụng giữ mùi từ các tuyến sinh dục tiết ra. Ngoài ra, về nhãn quan thì không phải ai, nhất là các ông, cũng chấp nhận sự có mặt của chúng, nên giải quyết bài toán “tồn tại hay không tồn tại” cũng là việc cần tính đến của các bà, các cô.

Thật ra, trừ những trường hợp ở bẩn bẩm sinh, chẳng ai cố tình “dơ” khi gối chăn cả mà đa phần do chủ quan, khinh suất, trở tay không kịp. Có người dù biết nhưng vẫn tặc lưỡi cho qua vì nghĩ “chẳng chết thằng Tây nào”, có làm khó mắt mũi của người chung chăn gối chút đỉnh chắc cũng được niệm tình cho qua. Sự niệm tình này chỉ đúng ở số ít, còn đã thành… hệ thống thì không chừng cả hạnh phúc gia đình cũng chao đảo nữa là.

http://suckhoedoisong.vn/tinh-yeu-va-gioi-tinh/hong-chuyen-chan-goi-chi-vi-kem-ve-sinh-2015091116114781.htm

Theo BS Đỗ Minh Tuấn/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm