Chính quyền Hong Kong vừa ra tuyên bố họ sẽ hành động để buộc các chuyên gia như giáo viên, nhân viên xã hội báo cáo các trường hợp nghi ngờ lạm dụng trẻ em.
Lãnh đạo khu vực này đang tăng cường xây dựng luật pháp sau khi một loạt các vụ án liên quan đến trẻ em gây chấn động dư luận gần đây.
Có 1.367 trường hợp xâm hại, bạo hành trẻ em được ghi nhận vào năm 2021 - tăng gần 50% so với năm 2020. 43% các trường hợp liên quan đến “xâm hại hoặc lạm dụng thể chất", 32% khác liên quan đến lạm dụng tình dục.
Chính phủ Hong Kong thông báo họ sẽ thắt chặt các quy tắc báo cáo nghi ngờ lạm dụng trẻ em trong thời gian tới. Ảnh: Shutterstock. |
Những năm gần đây, Hong Kong xảy ra hàng loạt vụ xâm hại trẻ em kinh hoàng trong gia đình và bên ngoài xã hội.
Một cặp vợ chồng tại đất nước này đã bị kết án tù chung thân vào tháng 4/2021 vì tội giết con gái 5 tuổi của họ. Đây là một trong những vụ án nghiêm trọng nhất Hong Kong trong những thập kỷ gần đây.
Cặp đôi này đã ngược đãi con gái từ năm 2017 cho đến khi cô bé được đưa đến bệnh viện địa phương vào năm 2018. Bác sĩ bàng hoàng khi thấy nạn nhân trong tình trạng bất tỉnh với hơn 130 vết thương khắp cơ thể.
Cha của cô bé 29 tuổi và người mẹ kế 30 tuổi thừa nhận những hành vi đối xử tệ bạc của họ với con gái, nhưng phủ nhận việc giết người.
Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các giáo viên đã biết về những vết thương của cô bé. Tình trạng nạn nhân thường xuyên nghỉ học cũng rất đáng ngờ. Tuy nhiên, các nhân viên trường học không báo cáo mối quan tâm của họ với cấp cao và những trung tâm phúc lợi xã hội.
Những giáo viên này thừa nhận họ đã im lặng chỉ vì 2 kẻ thủ ác hứa sẽ ngừng sử dụng nhục hình với nạn nhân.
Kể từ tháng 12/2021, cảnh sát Hong Kong cũng đã bắt giữ 34 nhân viên liên quan đến cáo buộc lạm dụng 40 trẻ vị thành niên. Ít nhất 3 trong số 4 nhân viên của Hiệp hội Bảo vệ Trẻ em Hong Kong đã bị bỏ tù từ 4-6 tháng.
Cục Giáo dục Hong Kong sau đó đã buộc phải sửa đổi hướng dẫn của mình sau vụ án cô bé 5 tuổi bị giết hại. Trong đó yêu cầu các trường học cần báo cáo cơ quan quản lý cấp cao nếu học sinh vắng mặt trong 7 ngày không có lý do chính đáng hoặc những trường hợp đáng nghi ngờ.
Nhân viên trường học, giáo viên cũng phải báo cáo các thương tích đáng nghi ngờ trên người trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, lạm dụng.
Theo sắc lệnh về tội chống lại quyền con người tại Hong Kong, bất kỳ ai hành hung, đối xử tệ bạc hoặc bỏ mặc đứa trẻ do họ chăm sóc đều phải đối mặt với mức án 10 năm tù. Các thành viên trong gia đình cũng có thể bị buộc tội nếu không giúp đỡ nạn nhân, bao che cho hung thủ.
Ông Chris Sun Yuk-han, thư ký phụ trách lao động và phúc lợi, tiết lộ các quan chức chính phủ đang xem xét hệ thống ba cấp.
- Cấp 1: Khẩn cấp. Đó là khi phát hiện, nhận thấy những tổn hại nghiêm trọng đang xảy ra. Những tình huống này phải được các chuyên gia, bao gồm giáo viên, nhân viên xã hội, bác sĩ, y tá can thiệp. Nếu không họ sẽ đối mặt với mức phạt 3 tháng tù và đóng 50.000 USD.
- Cấp 2: Liên quan đến việc trẻ em có nguy cơ bị tổn hại. Khi đó nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc miễn cưỡng hợp tác, nhân viên xã hội, giáo viên… sẽ được khuyến khích báo cáo vụ việc. Nhưng không hoàn toàn bắt buộc.
- Cấp 3: Bao gồm các trường hợp chưa xác định được, hoặc tổn hại do quá trình điều trị bệnh, cần sự theo dõi của gia đình. Những trường hợp này được chuyển đến phòng Phúc lợi và Xã hội.
Danh tính của những người tố cáo để bảo vệ nạn nhân lạm dụng đều được giữ bí mật.
Các quan chức Hong Kong đề xuất hệ thống ba cấp đối với những vụ việc liên quan đến trẻ em nhưng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: SCMP. |
Ông Chris Sun Yuk-han cũng hy vọng quá trình tham vấn sẽ hoàn thành sau 1-2 tháng. Các dự luật cũng có thể sửa đổi để trình lên cơ quan lập pháp trong nửa đầu năm 2023.
Đối với dự luật này, Lui Tsang Sun-kai, thành viên Ủy ban Trẻ em cho rằng các chuyên gia buộc phải báo cáo trường hợp ở cấp thứ 2. Đây là nơi trẻ em có thể đã có nguy cơ bị tổn hại cao.
“Các vụ lạm dụng trẻ em thường phát triển từ mức độ nhẹ đến mức độ nghiêm trọng. Thậm chí đã có những trường hợp tử vong. Các biện pháp phòng ngừa nên được ưu tiên hơn việc khắc phục hậu quả", bà nói với SCMP.
Giáo sư Lam Ching-man, chủ tịch Hiệp hội Công nhân Xã hội Hong Kong, nói rằng một số người lo ngại về việc liệu họ có vô tình vi phạm luật hay không. Theo ông, những cụm từ như “nguy cơ gây tổn hại" chưa được làm rõ.
Các nhà phê bình cũng cho rằng các dự luật này đang quá mơ hồ khi yêu cầu các trường hợp bạo hành phải được báo cáo trong một “thời gian hợp lý".
Lui đề xuất thay vì tạo các cấp độ khác nhau, Hong Kong nên học hỏi các quốc gia khác. Tại đây, họ được khuyến khích báo cáo tất cả những nghi ngờ lạm dụng trẻ em, bất kể mức độ nghiêm trọng của nó.
“Mỹ và Australia đã thiết lập các hệ thống báo cáo bắt buộc về tất cả các vụ xâm hại trẻ em. Sau đó, họ phân bổ nguồn lực để xử lý vụ việc", bà nói thêm.
Lui nhấn mạnh rằng hơn 60 quốc gia và khu vực trên thế giới đã đưa tội hành hạ trẻ em vào khung hình sự rất cao, và Hong Kong cũng nên như vậy.