Theo phản ánh của gia đình chị Lê (41 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), gia đình được một công ty cấp nước ở Hà Nội thực hiện hợp đồng áp giá nước sạch cho căn hộ. Điều khiến chị Lê ngỡ ngàng chính là những quy định rắc rối của bản hợp đồng này.
Hợp đồng yêu cầu bản kê khai nhân khẩu dùng cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, điều đó có nghĩa tất cả mọi người trong gia đình đều phải điền vào bản khai. Công ty trên còn yêu cầu chị phải chứng minh tình trạng kết hôn, tình trạng cư trú do công an xác nhận.
Bản kê khai nhân khẩu áp giá nước sạch với những điểm lạ lùng. |
Ngoài ra, chị Lê và những người thân còn phải khai trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tóm tắt tiểu sử về bản thân...
Câu chuyện của gia đình chị Lê được nêu ra tại buổi họp báo công tác tư pháp quý III/2014 của Bộ Tư pháp khiến tất cả những người tham gia ngạc nhiên.
Trước phản ánh trên, đại diện Bộ Tư pháp lập tức phản hồi. Theo vị cán bộ, trường hợp này, hợp đồng nước sạch cần được cung cấp cho Cục kiểm soát thủ tục hành chính. Nếu hợp đồng dân sự giữa công ty nước ở quận Đống Đa với người dân có vấn đề, Bộ sẽ có khuyến nghị góp ý, trao đổi. Trong trường hợp xác định là bất hợp lý, Bộ sẽ yêu cầu sửa đổi.
Một vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận tại buổi họp báo đó là dự thảo Luật Căn cước công dân do Bộ Công an đề xuất. Đại diện Bộ Tư pháp thông tin, Chính phủ đã có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện quan điểm tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên, việc cấp Thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Bởi lẽ, việc bỏ cấp giấy khai sinh, thay thế bằng Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết thêm về việc cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp chủ trương duy trì giữ lại giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. Các loại giấy tờ khác như giấy khai tử, hộ khẩu… có thể giảm tối đa, không có mẫu mã và sẽ được lưu trữ trong hồ sơ dữ liệu, người dân có thể trích lục xác nhận.
Ông Khanh lý giải, giấy khai sinh được áp dụng ở Việt Nam từ rất lâu, trở thành thói quen đi vào cuộc sống của người dân. Khi cắt giảm giấy tờ công dân thì cần xác định giấy tờ nào phải cắt, giấy tờ nào không thể cắt? Thực tiễn ở nhiều nơi, đa số các nước đều cấp giấy khai sinh. Trường hợp ở Ấn Độ cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, nhưng khi người dân yêu cần vẫn cấp giấy khai sinh.