14 năm trước, “chiếc hộp trẻ em” được nhà thờ cộng đồng Joosarang giới thiệu với người dân Hàn Quốc, với mục đích giúp đỡ những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đến nay, nó vẫn là vấn đề gây tranh cãi về đạo đức ở nước này, KoreaBizwire đưa tin.
Theo đó, những bậc cha mẹ không có khả năng hoặc từ chối nuôi dưỡng đứa trẻ sẽ đặt con mình vào bên trong chiếc thùng có ghi dòng chữ "Baby box". Năm 2009, chiếc hộp đầu tiên được đặt tại quận Gwanak ở thủ đô Seoul.
Tới nay, “hộp em bé” được đặt gần các bệnh viện, nhà thờ, hay trung tâm bảo trợ xã hội. Chiếc hộp cung cấp một không gian với nhiệt độ đủ giữ ấm cho trẻ sơ sinh, bên ngoài có gắn chuông để các bà mẹ rung lên sau khi họ đặt con vào bên trong.
Chiếc hộp trẻ em đầu tiên ở Hàn Quốc, nằm tại phía nam Seoul. Ảnh: KBW. |
Những đứa trẻ sinh ra từ các gia đình ly hôn, quan hệ ngoài hôn nhân và người nước ngoài không có giấy tờ cũng được đưa đến hộp trẻ em.
Trước khi có chiếc hộp này, nhiều phụ nữ trẻ ở xứ kim chi có con ngoài ý muốn hay sinh con ra bị khuyết tật thường bỏ rơi đứa trẻ trực tiếp trên lề đường, trường hợp xấu hơn là nhét vào tủ đựng đồ công cộng.
Điều này dẫn đến câu chuyện đau lòng là tới khi người khác phát hiện, trẻ nhỏ đã chết vì lạnh hoặc ngạt thở.
Tính đến đầu tháng 5, những người thực hiện dự án này đã đón tổng cộng 2.076 trẻ nhỏ bị cha mẹ bỏ lại. Trong số đó, 84,4% là bà mẹ đơn thân. Xếp theo độ tuổi, 51,9% người dùng đến cách thức này ở độ tuổi 20, với 9,4% là thanh, thiếu niên.
Ở phía những người ủng hộ, họ coi đây là giải pháp cuối cùng cho những bậc phụ huynh bế tắc, rơi vào cảnh tuyệt vọng.
Mục sư Lee Jong-rak của nhà thờ Joosarang giải thích: “Trước khi một đứa trẻ được đưa đến chiếc hộp, một cố vấn sẽ đến gặp người gửi, lắng nghe họ và đưa ra lời khuyên tư vấn”.
Khi một đứa bé được đặt vào trong hộp, chuông báo sẽ rung lên để nhân viên của trung tâm phúc lợi đến đón đứa trẻ. Ảnh: Korea Times. |
“Thông qua đó, chúng tôi cố gắng thuyết phục phụ huynh nuôi con. Nếu cha mẹ vẫn từ chối, chúng tôi khuyên họ nên gửi con cho một gia đình nhận nuôi để chúng được nuôi dạy trong môi trường gia đình", ông nói thêm.
Về phía những người phản đối, lập luận của họ là dự án kiểu này dễ khuyến khích hành vi bỏ rơi trẻ sơ sinh.
Nói cách khác, nó giúp "lựa chọn bỏ đi" của những ông bố, bà mẹ dễ dàng hơn, trong khi chính phủ hoặc các tổ chức xã hội vẫn có các chương trình an sinh xã hội để giúp đỡ trẻ em gặp khó khăn.
“Cây còn rễ mới thì sống lâu bền được. Một cái cây thiếu đi bộ rễ sẽ nhanh chóng đổ rạp khi gió thổi”, một quan chức thuộc cơ quan nhận con nuôi ở Hàn Quốc cho biết, nhấn mạnh thêm những thanh niên lớn lên trong ở các cơ sở không phải môi trường gia đình dễ nhạy cảm, tổn thương hơn, thậm chí dẫn đến tỷ lệ tự tử cao ở nhóm này.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.