Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hot girl Trung Quốc uống thuốc trừ sâu khi livestream

Ngôi sao mạng xã hội có biệt danh Luo Maozi đã uống thuốc sâu trong buổi livestream hôm 14/10 và qua đời vào tối hôm sau.

Trong buổi phát trực tiếp cuối cùng, Luo Maozi đã chia sẻ chuyện cô bị trầm cảm suốt thời gian dài.

"Tôi không giả vờ bị trầm cảm để câu view. Tôi luôn vui vẻ khi livestream, tất cả là vì muốn người xem thoải mái. Tôi hy vọng mọi người đều vui vẻ khi xem video. Nhưng thời gian gần đây, tôi thực sự đã không thể chịu đựng được nữa. Đây có lẽ là video cuối cùng của tôi", Luo đưa chai chứa thuốc trừ sâu ra trước mặt người xem khi nói.

Điều khiến dân mạng bức xúc là trong khi nhiều người cố gắng ngăn chặn ý định này, gọi điện báo công an thì một số khác lại cổ vũ Luo uống nhanh để xem đó là chất độc hay chỉ là nước.

Suốt buổi phát trực tiếp, những người yêu mến Luo Maozi đã cố gắng thuyết phục cô bình tĩnh, "hãy nghĩ đến những người quý mến và trân trọng cô thực sự".

Sau khi trò chuyện, cô đưa chai thuốc sâu lên và uống hết trong một hơi, sau đó uống thêm một ngụm nước lọc và nói "Vị của nó thật kinh khủng", rồi tắt livestream.

tu tu tren livestream anh 1

Luo bị trầm cảm trong thời gian dài và nhiều lần có những hành động tự làm hại bản thân.

Sau buổi phát sóng đó, nhiều người vẫn chì chiết rằng cô chỉ giả vờ làm màu để hút view và là kẻ giả tạo.

Cái chết của Luo được thông báo vào ngày hôm sau đã khiến dân mạng ngỡ ngàng.

"Thực sự cô ấy không muốn chết, chính những kẻ xúi giục đã đẩy cô ấy tới bước đường cùng", fan của nữ streamer bức xúc bày tỏ.

Trong một cuộc phỏng vấn, mẹ của Luo Maozi cho biết gia đình đã an táng cho con gái ở Sơn Đông.

Bà nói thêm sẽ buộc những kẻ xúi giục con mình tự tử phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dựa trên những chia sẻ của Luo trên Weibo cá nhân, chuyện tình yêu của cô không mấy suôn sẻ. Cô từng phải vào viện vì "làm những điều ngu ngốc" mỗi khi gặp trục trặc trong mối quan hệ.

Dân mạng nhìn thấy vết sẹo trên cổ tay của cô trong bức hình đăng lên mạng, họ cho rằng cô đã nhiều lần làm hại bản thân trước đi quyết định tự tử.

Ngày 13/9, Luo từng đăng lên Weibo dòng cảm xúc: "Hãy để quá khứ trôi qua, bây giờ đã đến lúc quyết định, tạm biệt".

Bị "bức tử" bởi bình luận ác ý

Đây không phải trường hợp đầu tiên một người bị "bức tử" bởi những lời nói, bình luận cay nghiệt từ dân mạng. Năm 2018, vụ gia đình 3 người tự tử đến 2 lần vì những lời chửi bới của dân mạng đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt.

Theo đó, ngày 20/5/2018, tài khoản của cô gái có biệt danh Fei Tuo Tuo để lại một lá thư tuyệt mệnh trên trang cá nhân, nói rằng sẽ tự tử vì vướng nợ vay nặng lãi để làm ăn nhưng không thể trả.

Nhiều người đã lục tung Weibo cá nhân của cô và chỉ trích đó chỉ là "vở kịch", bởi cô thường xuyên đăng ảnh đi du lịch nước ngoài, dùng iPhone đời mới, ăn uống sang chảnh cùng gia đình.

Một ngày sau, 3 người trong gia đình của cô đã tự tử nhưng may mắn được cảnh sát kịp thời cứu sống.

tu tu tren livestream anh 2

Những lời nói cay nghiệt từ dân mạng có thể khiến một người rơi vào tiêu cực, thậm chí tìm đến cái chết. Ảnh: Shutterstock.

Sau khi được cứu sống sau lần tự tử đầu tiên, Fei Tuo Tuo đã lên tiếng trên mạng. Thế nhưng, nhiều bình luận của dân mạng đã chửi bới, nói rằng cô hãy mau chết đi.

"Giả vờ tự tử để gây chú ý, sao không im lặng mà chết đi", "Dùng thuốc ngủ sẽ nhanh gọn đấy", "Hôm nay cô ta có khỏe không nhỉ? Sao mãi chưa chết", nhiều người để lại bình luận cay nghiệt dù không quen biết cô.

10 ngày sau, không chịu nổi dư luận, gia đình Fei một lần nữa tự tử. Lần này, 2 người qua đời, chỉ có mẹ của cô sống sót.

Theo 163, khi thông báo ý định tự tử của mình trên mạng xã hội, cả Luo Maozi và Fei Tuo Tuo có thể không muốn kết thúc cuộc sống của mình. Có thể trong tiềm thức họ đang cố kêu cứu, hy vọng ai đó có thể ngăn họ khỏi ý nghĩ tiêu cực.

Những người xem nếu không thể động viên, chỉ cần đơn giản là im lặng và thoát ra khỏi bài đăng cũng đã giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Thế nhưng, những lời chỉ trích, xúi giục tiêu cực đã trở thành "hòn đá" ném vào nạn nhân, khiến họ tin rằng chết đi là lựa chọn đúng.

Năm 2019, ca sĩ người Hàn Quốc Sulli qua đời do tự tử tại nhà riêng sau thời gian chống chọi với bệnh trầm cảm. Vụ việc làm dấy lên lo ngại về tâm lý, đặc biệt là việc phải đối diện với sự ghét bỏ từ dân mạng của các ngôi sao trong showbiz.

Giáo sư tâm lý học Kwon Young Chan nhận định những bình luận ác ý từ dân mạng có ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của nữ ca sĩ.

"Sulli có thể chịu được hàng loạt lời lẽ độc địa nhắm đến mình vì cô đã hoạt động lâu năm trong ngành giải trí. Nhưng tôi vẫn cho rằng việc phải đọc những điều đó hàng ngày là hành động nguy hiểm".

Đối với hành động liên tục đọc những bình luận công kích cá nhân, Kwon đề cập đến chương trình Reply Night (tên khác: Night of Hate Comments) mà Sulli là một trong 4 MC chính. Khi ghi hình, nữ ca sĩ phải đọc rất nhiều bình luận tiêu cực về mình và lên tiếng đáp trả lại những điều này.

Theo ông, có nhiều bình luận ban đầu chỉ khiến nạn nhân tức giận, nhưng lâu dài sẽ khiến người đó bị ám ảnh, không thể thoát ra khỏi tác động tiêu cực do những lời nói đó mang lại.

Trung Quốc thành quốc gia mất ngủ

Theo báo cáo, có hơn 300 triệu người dân Trung Quốc bị rối loạn giấc ngủ. Trong đó, Gen Z là thế hệ phải vật lộn nhiều nhất với chứng mất ngủ vì nhiều lý do khác nhau.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm