Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hot mom Thủy Anh chỉ ra dấu hiệu khi con là kẻ bắt nạt ở trường

"Cha mẹ không thể ỷ lại vào thầy cô, nhà trường sẽ dạy dỗ con từ A đến Z. Con cái chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ", bà xã ca sĩ Đăng Khôi chia sẻ.

Zing.vn xin đăng tải chia sẻ của hot mom Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi - về những dấu hiệu nhận biết con có xu hướng thích bạo lực hoặc có thể là "kẻ bắt nạt" ở trường. 

Tôi không thể cầm lòng khi xem đoạn video ghi lại cảnh một nữ sinh tại Hưng Yên bị 5 bạn gái xông vào đánh đập dã man. Là một người mẹ có hai con đang trong độ tuổi đi học, tôi thấy sợ hãi khi nghĩ tới cảnh tượng một ngày nào đó có thể là con mình. Dù là nạn nhân hay kẻ tấn công, nỗi đau chắc chắn sẽ còn in hằn suốt cuộc đời.

Chúng ta luôn ỷ lại vào thầy cô, “quẳng” một đứa trẻ tới trường rồi nghĩ họ sẽ lo dạy dỗ con từ A đến Z. Có theo sát con hàng ngày, chúng ta mới hiểu trách nhiệm của người làm cha mẹ lớn như thế nào trong việc dạy nhân cách cho trẻ.

Tôi luôn dặn bản thân phải làm gương cho các con, không được để lũ trẻ thấy một môi trường sống có bạo lực hoặc tung hô những kẻ côn đồ như câu chuyện trên mạng xã hội gần đây. Không áp đặt trẻ phải làm gì đó nhưng cha mẹ ít nhất cũng cần nói cho con biết điều gì là đúng - sai. Có người nói, con trẻ là tấm gương phản ánh cha mẹ. Đúng như vậy! Trẻ có thể bắt chước mọi hành vi của người lớn. Không ai muốn con mình là một kẻ "côn đồ" nhưng để dạy bảo trẻ cần rất nhiều sự nỗ lực.

Trẻ hay mất bình tĩnh, có xu hướng bạo lực

Không chỉ bé trai, bé gái cũng dễ có xu hướng thích bạo lực. Nhiều bậc phụ huynh chỉ chú trọng vấn đề này ở bé trai, đôi khi quên đi bé gái. Vì vậy, cha mẹ không để ý tới hành vi của bé gái, nhất là trong môi trường học đường.

dau hieu nhan biet con la ke bat nat o truong anh 1
Cựu hot girl Hà Thành cùng con trai.

Cha mẹ cần quan sát kỹ hành vi, phản ứng của con khi ở nhà. Ví dụ, bé dễ nóng giận, mất bình tĩnh, hay đánh em, phản ứng gay gắt với cha mẹ,... Đó là những biểu hiện đầu tiên có thể dẫn tới hành vi bạo lực.

Bé thường nói với cha mẹ, anh hoặc em ruột không lắng nghe, không theo ý mình. Bé thấy việc nói không có hiệu quả có thể sẽ dùng hành động mạnh phản ứng lại.

Môi trường học đường cũng như vậy. Khi ở lớp, trẻ nói nhưng bạn bè không nghe theo, không cho chơi cùng, trêu tức, rất dễ dẫn đến việc phản ứng đánh lại. Hành động này hướng tới mục đích muốn đàn áp và khiến đối phương phải sợ mình mà thay đổi.

Dần dần, trẻ sẽ quen và thấy bản thân có sức mạnh, muốn dùng chúng để thể hiện với những kẻ yếu hơn.

Không biết đồng cảm

Trước những hoàn cảnh đáng thương hay khó khăn, con bạn có thấy buồn và đồng cảm? Nếu câu trả lời là không, bạn nên chú ý hơn đến trẻ. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần để tâm đến con khi trẻ có dấu hiệu bướng bỉnh, không biết nhận sai, hối lỗi sau khi làm tổn thương bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Cha mẹ nên dạy con cách đặt bản thân vào vị trí của người khác để cảm nhận. 

Bắt chước những gì thấy trên phim ảnh

Hiện nay, những hình ảnh, clip về bao lực tràn lan trên mạng xã hội và phim ảnh. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ theo hướng tiêu cực. Không ít trẻ thích đóng vai trở thành "đàn anh, đàn chị" đi bắt nạt những đối tượng yếu thế hơn, bắt chước từ những hình ảnh lan truyền trên mạng. Thậm chí, trẻ có thể nghĩ căm hận, trả thù người khác là chuyện bình thường và phải làm như vậy để chứng tỏ bản lĩnh. 

Khi nhận thấy con có biểu hiện khác lạ như quá yêu thích phim hành động, bao lực, thường bắt chước, diễn lại cảnh làm giang hồ, đại ca, cha mẹ nên giới thiệu và xem cùng con những chương trình, bộ phim ca ngợi bản tính tốt đẹp của con người, dành nhiều thời gian nói chuyện, và giải thích để con hiểu. 

Ngăn ngừa bạo lực từ trong gia đình

Gia đình hãy luôn là nguồn động viên và thường xuyên dành thời gian bên con. Khi bé có hành động đáng khen, cha mẹ nên khích lệ để con hình thành lòng tự trọng. Những trẻ biết rõ giá trị của bản thân sẽ tự đứng lên bảo vệ mình trong những trường hợp khó ứng xử.

dau hieu nhan biet con la ke bat nat o truong anh 2
Mỗi lần có sự việc xảy đến, Thuỷ Anh vẫn động viên bé chia sẻ câu chuyện với mình, không mắng mỏ, giúp con tìm ra nguyên nhân và cùng bàn với con biện pháp khắc phục.

Khi thấy con có hành vi bạo lực, phụ huynh cần quan sát hành vi của con hàng ngày, thường xuyên đưa đón, hỏi thăm qua bạn bè, giáo viên để xem có biểu hiện gì khác lạ ở lớp. Nếu có, hãy tìm hiểu nguyên nhân, lý do, lắng nghe và đưa lời khuyên cho con. 

Bên cạnh đó, gia đình cũng nên hướng con tới những họat động thể chất để giải tỏa bớt năng lượng, stress trong học tập, tập trung sự chú ý vào các hoạt động lành mạnh. 

Phụ huynh chỉ nên cho con sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh 1-2 giờ mỗi ngày, đặc biệt hạn chế hình ảnh bạo lực. Nếu con vô tình nghe thấy tin tức về bạo lực, hãy để bé được nói lên cảm xúc của mình và dành thời gian lắng nghe những nỗi sợ hãi, buồn rầu hay nhận thức nhầm lẫn của con. Cha mẹ cần cho con cảm giác an toàn bằng cách trấn an rằng bạn sẽ bảo vệ, che chở cho con.

Khi con có biểu hiện bị bắt nạt ở trưởng, phụ huynh hãy gần gũi, chia sẻ như một người bạn, thường xuyên đưa đón và tìm hiểu nguyên nhân. Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy con kỹ năng tự bảo vê bản thân, không đi một mình vào những nơi tối, nhạy cảm, bị bạn dọa nạt phải nói ngay với thầy cô giáo gần nhất. Quan trọng, cha mẹ phải là chỗ dựa tin cậy để con có thể thoải mái chia sẻ, không phản ứng mắng mỏ, trách móc khi có chuyện xảy ra.

Bé Ken - con trai đầu của Thuỷ Anh đang trong độ tuổi học cấp 1. Hàng ngày, đi học con cũng đối diện với nhiều mặt của môi trường học đường. Trường học cũng là một xã hội thu nhỏ. Qua đó, tôi thấy được hành vi, cách xử lý của con khi có sự việc xảy đến.

Là con trai, Ken không tránh khỏi hiếu động, nghịch ngợm, không tránh khỏi việc va chạm với bạn bè. Mỗi lần có sự việc xảy đến, Thuỷ Anh vẫn động viên bé chia sẻ câu chuyện với mình, không mắng mỏ, giúp con tìm ra nguyên nhân và cùng bàn với con biện pháp khắc phục. Nuôi dạy con là quá trình lâu dài và liên tục, hàng ngày đều phải theo dõi, nhìn nhận, giúp đỡ con vượt qua những va vấp đầu đời. 

'Nạn nhân bị đánh hội đồng dễ bị chấn thương tâm thần nặng'

Theo GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, với những học sinh bị bạn đánh hội đồng dã man, việc điều trị tâm thần là cần thiết.



Hot mom Thủy Anh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm