"Chấp nhận được" nhưng không vội mừng
GS.TS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nhận xét: "Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 91,58%, giảm nhiều so với các năm trước, đã thể hiện khách quan chất lượng dạy và học. Kỳ thi cũng nghiêm túc hơn. Tôi cho rằng, tỷ lệ này chấp nhận được".
Chia sẻ về phổ điểm thi, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, cho rằng, phổ điểm Lịch sử cao với mức trung bình 4-7 điểm, nhưng không phải kết quả này đánh giá việc học và dạy Lịch sử có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, nên xem xét lại đề thi có phù hợp không.
"Mới đây, tôi xem phóng sự trên truyền hình về câu chuyện học sinh nói Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai anh em, hai người bạn chiến đấu, hai cha con. Nó đã chỉ ra một thực tế rất buồn. Chúng ta không vội an tâm về tỷ lệ điểm môn Lịch sử", ông Nhĩ nói.
Tiếng Anh kém – chảy máu chất xám
Phổ điểm của Bộ GD&ĐT cho thấy, 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn thi Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Theo GS.TS Trần Hồng Quân, tỷ lệ này phản ánh đúng trình độ của học sinh và "đây là nỗi lo lớn".
Phổ điểm thi THPT quốc gia môn Ngoại ngữ. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nhận định, thời hội nhập, ngoại ngữ rất quan trọng. Khi học sinh hoàn thành THPT, các em phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, nhưng thực tế lại không như mong muốn.
Ông Quân cho rằng, nhiều em bị điểm kém môn này do năng lực học sinh, trình độ giáo viên, thậm chí cả dạng đề thi năm nay nhiều thay đổi. Sự thay đổi đột ngột có thể dẫn đến học sinh bỡ ngỡ, ảnh hưởng kết quả học tập.
"Thực tế này đáng lo ngại, nhất là khi chúng ta cần hướng tới phổ cập môn Tiếng Anh, dạy giáo trình bằng tiếng Anh", GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân. Ảnh: Quyên Quyên. |
Còn PGS Trần Xuân Nhĩ nhận định, điểm thi đã phản ánh đúng tình trạng dạy và học. Trong đó, môn Tiếng Anh có phổ điểm thấp nhất, rất đáng lo ngại.
PGS Trần Xuân Nhĩ kể lại câu chuyện của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: Khi có người hỏi vì sao đất nước ông giàu thế, ông Diệu trả lời đại ý: Tôi dạy Ngoại ngữ cho toàn dân, nên toàn dân đi khắp thế giới làm ăn và lấy tiền về đem xây dựng đất nước. Đồng thời, mọi người đến đất nước tôi làm việc, chúng tôi lấy tiền trong túi họ ra để xây dựng đất nước mình.
Theo ông Nhĩ, câu nói tuy rất đơn giản nhưng có triết lý lớn lao, đáng để suy nghĩ và học tập.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, lao động Việt Nam ra nước ngoài, nếu không có ngoại ngữ, lương chỉ bằng 1/3 - 1/4 người hiểu biết. "Nếu kém Tiếng Anh, chúng ta không thể thu hút nguồn nhân lực, du học sinh từ nước ngoài, trong khi học sinh tiềm năng, tài giỏi của Việt Nam lại ra nước ngoài học tập. Điều này gây chảy máu chất xám mà chúng ta vẫn bàn cãi lâu nay” – ông chia sẻ.
Không thể dàn hàng ngang tiến
Để cải thiện tình trạng học Tiếng Anh, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, nên cho các em học ngoại ngữ ngay từ bậc mầm non. Thực tế, học sinh hiện nay lên lớp 3 mới học môn này là quá muộn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ: Ảnh Quyên Quyên. |
Theo nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, quan niệm trẻ con biết chữ mới có thể học Tiếng Anh là sai lầm. Ngay từ bậc mầm non, hãy cho học sinh làm quen Tiếng Anh qua các trò chơi đơn giản.
Ông kể lại: “Tôi đưa đề thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh năm nay cho một học sinh lớp 3 của Singapore, em đã làm đúng gần hết câu hỏi của đề bài”. Sách Tiếng Anh của học sinh tiểu học Singapore có 2 quyển, gồm 1.000 từ, mỗi quyển 50 trang. Học sinh có thể tự học, tự chơi Tiếng Anh với nhau.
Trong một tuần lễ, các cháu làm quen được 20 từ. Hết bậc mầm non, vào tiểu học bắt đầu học viết, các cháu đã có vốn từ nhất định, sẽ làm quen và nhớ rất lâu. Chưa có điều kiện thiết kế sách Tiếng Anh, chúng ta hoàn toàn có thể dịch sách từ nước ngoài về.
“Không thể dàn hàng ngang mà tiến lên” là lời khẳng định của PGS Trần Xuân Nhĩ.
Ông chỉ ra thực tế, ở Việt Nam, nền kinh tế nhiều vùng còn khó khăn, điều kiện và chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nhưng không thể đợi đến lúc phát triển như nhau, sau đó mới học tiếng Anh.