May mắn cô gái được người thân giải cứu, còn chàng trai bị dân làng bắt trói, vác gậy đánh đến chết.
Chính từ vụ án này, các trinh sát Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã chính thức xóa bỏ hủ tục kinh hoàng trên, sau khi kiên nhẫn hàng tháng trời ở lại với đồng bào làm công tác dân vận.
Cặp tình nhân bị “bắt tội” chết
Những năm 1980, nhắc đến Bắc Trà My, nhiều người liên tưởng tới những ngọn núi cao hun hút, giao thương cách trở; nạn tảo hôn, hủ tục, nghèo đói triền miên.
Ở vùng đất đó, có bà Nguyễn Ngọc Niêm (75 tuổi, ngụ thôn 2, Trà Ca, Bắc Trà My) chồng mất sớm, đơn thân nuôi con trong cảnh đói rách. Thế nhưng bà vẫn bắt con trai Hồ Ngọc Thanh (52 tuổi) cố kiếm cái chữ, sau này xuống phố xin việc làm.
Lên cấp ba, anh Thanh học tại trường nội trú ở thị trấn Trà My. Cùng đi học với Thanh có cô bạn cùng làng tên Nguyễn Thị Bông (52 tuổi). Gia cảnh của Bông cũng tương tự, nghèo đói, từ nhỏ chịu cảnh mồ côi. Không còn mẹ, Bông sống với cha tên Nguyễn Văn Núi (67 tuổi).
Qua một thời gian học tại trường nội trú, Thanh và Bông nảy sinh tình cảm. Người phụ nữ mang thai. Khi cái bụng đội áo nhú lên, cặp đôi tạm cất sách vở, dắt nhau về ra mắt hai bên gia đình, xin tổ chức đám cưới. Cả hai dự định sau khi sinh con sẽ tiếp tục quay lại trường.
Ông Tường chỉ nơi xảy ra “lễ tế sống” kinh hoàng năm xưa. |
Chuyện tình này không được hai nhà ủng hộ, mà kịch liệt phản đối. Lời qua tiếng lại, tiếng ồn ào trong nhà nhanh chóng lan khắp làng. Lúc này địa phương vẫn còn giữ hủ tục khắc nghiệt, nghiêm cấm việc sinh nở trong làng, nếu sinh đôi phải giết một.
Những đôi nam nữ chưa kết hôn mà có thai, người con gái sẽ bị đuổi vào rừng sinh sống một mình, bị bỏ đói cho đến chết, còn chàng trai phải bị đem ra tế “Giàng”.
Ông Nguyễn Văn Tường (59 tuổi, ngụ thôn 2, Trà Ca, anh họ nạn nhân Bông) kể lại, trải qua hai cuộc họp và trong thời gian chờ đợi “ngày lành tháng tốt” làm “lễ tế”, chị Bông bị đuổi ra khỏi làng, không được mang theo bất cứ vật dụng gì.
Giữa đại ngàn heo hút, không một sự trợ giúp của ai, chị Bông tự dựng căn chòi, tự bứt cây rừng, đào củ mài làm đồ ăn, sống lay lắt qua ngày. Do thiếu lương thực, thuốc men, đứa con trong bụng chị không giữ được. Hôm sảy thai, chị cũng ngất xỉu, tưởng bỏ mạng theo con.
Đau lòng hơn, như lời ông Tường, chị Bông dù buộc phải sống một mình ngoài rừng nhưng dân làng vẫn không chịu buông tha. Cho rằng “phải giết cả đôi trai gái mới thoát khỏi sự trừng phạt ghê gớm của Giàng”, nên đêm rằm tháng 4/1981, cả làng lôi Bông về trói cùng Thanh để nghe “thầy cúng” đọc lý do buổi tế lễ.
Quan niệm mê tín dị đoan mê muội đến mức che khuất cả tình thương máu mủ ruột rà. Biết các con sắp bị “hành hình”, ngay cả ông Núi và bà Niêm vẫn xem như điều hiển nhiên, tỏ ra thờ ơ, không quan tâm. Thậm chí họ còn tham gia cùng những thanh niên trai tráng vừa hò hét chửi bởi, vừa dẫn giải cả hai “nghi phạm” đến một ngọn núi giữa làng để “hành quyết”.
Tại đây, “thầy” cúng tiếp tục khấn vái rồi cử năm người đàn ông “thay Giàng” cầm những cây gậy to đánh vào người anh Thanh và chị Bông để “trừng phạt”.
Người thoát chết bỏ làng mà đi
Ông Tường nhớ lại, trước đó, do ông lấy vợ ở làng bên nên không biết được kế hoạch việc em mình sẽ bị “tế sống”. May mắn, lúc dân làng dẫn giải chị Bông và anh Thanh ra núi, một người tốt bụng không tham gia mà lén trốn đi báo cho ông Tường biết. Bàng hoàng nhận tin, ông nhanh chóng vượt núi đi giải cứu em.
Trong ánh sáng nhập nhoạng của những ngọn đuốc, người đàn ông nhìn rõ những khuôn mặt giận dữ đang gào thét, trên tay lăm lăm gậy gộc chờ lệnh đánh đập. Đứng quan sát một lúc, lợi dụng lúc mọi người không tập trung, ông Tường lẻn vào đoàn người tham dự, bế thốc em chạy thoát khỏi cái chết cận kề.
Chị Bông lúc ấy đã kiệt sức bởi vô số vết thương, sức khỏe vốn đã cạn kiệt sau bao ngày lang thang sống như “người rừng”, nên hơi thở chỉ còn thoi thóp. Người anh chỉ còn cách cõng trên vai, vượt hàng chục km đường rừng đưa xuống nhà người thân tại huyện Tiên Phước giấu. Bản thân ông Tường cũng trốn chui lủi tại đây gần nửa tháng nhằm tránh sự truy sát của người làng.
Trở lại với cuộc “hành quyết”, nhận thấy một “nghi phạm” đã được giải cứu, sự giận dữ của đám đông lại bùng lên. Bị đánh đập tàn nhẫn, anh Thanh liên tục cầu xin tha mạng nhưng không được chấp nhận. Chỉ sau khoảng 15 phút, anh Thanh đã bị giết chết với nhiều vết thương khắp cơ thể.
Người kết thúc cuộc “tế sống” chính là ông Nguyễn Văn Bình (65 tuổi, cậu của nạn nhân Thanh).
Lấy lý do “ảnh hưởng đến bình yên xóm làng”, hơn nữa còn vì “tương lai” bà Niêm sẽ lấy ông Núi nên “chủ tế” ngăn cản không cho mang xác anh Thanh về chôn cất, để mặc cháu nằm lại giữa núi rừng.
Sự việc này đến hôm sau mới được chính quyền đoàn thể huyện Bắc Trà My biết đến. Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cử lực lượng do ông Nguyễn Hữu Dũng (57 tuổi, ngụ thị trấn Núi Thành, nay đã nghỉ hưu, nguyên quyền Đội trưởng Đội trọng án Phòng Cảnh sát hình sự) dẫn đầu, có mặt điều tra.
Ông Dũng nhớ lại, sau khi lên nắm tình hình, điều khó nhất không phải truy tìm thủ phạm mà làm công tác dân vận thế nào để cho đồng bào hiểu và xóa bỏ hủ tục trên.
Cả tháng trời, các trinh sát ở lại nhà dân, kiên trì vận động già làng cùng đồng bào cho đưa xác anh Thanh về lo tang ma; kết hợp với công an xã giải thích để bà con hiểu, không “bắt vạ” chị Bông, đưa chị này về lại quê sinh sống. Sau đó, những kẻ gây án nhận ra sai trái nên tự nguyện ra đầu thú.
Sau vụ án, hủ tục “lễ tế” đầy máu và nước mắt nơi đây đã khép lại. Chỉ có điều trong trí nhớ của nhiều người, đó là chuyện khó quên. Về chị Bông, vì luôn ám ảnh nên không ít lần tự vẫn hụt, được người thân đưa xuống Tam Kỳ (Quảng Nam) sinh sống cho đến nay.
Thời gian qua đi, chị Bông được một người đàn ông dưới xuôi thương cảm số phận bất hạnh, đã cầu hôn, làm đám cưới. Còn ông Núi và bà Niêm, nghe nói cũng bỏ làng lên rẫy sinh sống rồi biệt tích luôn đến nay.