Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hừng Đông' nhìn từ cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu

Vở cải lương "Hừng Đông" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã đưa đến một góc nhìn sinh động, tầm vóc về con người và cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.

Hừng Đông tái hiện lại trên sân khấu thủ đô cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Vở diễn lấy bối cảnh lịch sử từ năm 1923-1940, tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên. Hừng Đông sẽ công diễn trong 3 ngày 7-9/1/ tại rạp Hồng Hà (Hà Nội).


Vở diễn được dàn dựng với 8 cảnh chính. Cảnh mở màn được bắt đầu với sự xuất hiện của một ban nhạc trẻ 9X trong thời hiện đại, họ là những người trẻ dẫn dắt cho tuyến câu chuyện quá khứ được bắt đầu.
Đây là lần thứ ba NSƯT Triệu Trung Kiên cộng tác với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ dàn dựng vở chính kịch cho sân khấu. Đây là áp lực không nhỏ khi cả hai vở trước đây là Chuyện tình Khau Vai Mai Hắc Đế đã gặt hái được thành công lớn.

 

Câu chuyện về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu bắt đầu khi ông tận mắt chứng kiến sự bóc lột tàn bạo, dã man của chế độ thực dân với người dân An Nam.

Căm giận trước tội ác thực dân, Phan Đăng Lưu đã tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên đấu tranh và tham gia Hội Phục Việt - sau này đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng.  


Phan Đăng Lưu gặp gỡ cụ Phan Bội Châu tại nhà riêng, qua đó tìm hiểu thêm về con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và mong muốn được gặp Người.
Sau nhiều lần sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, ông bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng trước khi xuống tàu.

Phan Đăng Lưu bị đưa ra xử cùng 60 Đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng và bị kết án 3 năm tù khổ sai. Đây là một trong những cảnh xúc động nhất về cuộc đời của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong vở Hừng Đông.


Ở tù, Phan Đăng Lưu vẫn tích cực hoạt động, vận động anh em học tiếng Ê-đê để thực hiện công tác binh vận, viết báo gửi ra ngoài tố cáo chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. 


Nhiều tổ chức quan sát viên quốc tế về tù chính trị đã nhận được thư của chàng trai trẻ Phan Đăng Lưu và gây áp lực mạnh mẽ với các nhà tù chế độ thực dân.

Vì vậy, nhà cách mạng với số tù "1438" đã bị tăng án lên 5 năm khổ sai, bị liệt vào "loại nguy hiểm" và thường xuyên bị cai tù đánh đập dã man.

 

 Để tăng tính chân thực cho vở diễn, đạo diễn tiết chế tối đa hóa việc trang điểm, phục trang cho diễn viên. Các nhân vật đều xuất hiện mộc mạc, để diễn thật nhất, sinh động nhất.
Cao trào vở diễn là cảnh sục sôi chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu khuyên Xứ ủy hãy chờ xin chỉ thị của Trung ương. Sau đó, đồng chí ra dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và được chỉ thị hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ.

 

Tháng 11/1940, tại Đình Bảng, Bắc Ninh, ông chủ trì Hội nghị Tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường gọi là Hội nghị Trung ương 7. Tại Hội nghị, ông được đề cử làm Tổng Bí thư, nhưng ông không nhận, vì cho rằng mình cần về miền Nam.


Cuối cùng là cảnh Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt chỉ thị của Trung ương. Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại.


Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do. Đồng chí Phan Đăng Lưu đã bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm, Hoóc Môn. Trước họng súng của kẻ thù, ông vẫn tràn đầy khí phách hiên ngang của người cộng sản, xứng đáng là nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam.


"Vở cải lương Hừng Đông ra mắt công chúng trước thềm Đại hội 12 của Đảng nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, sự phấn đấu, hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú ở một giai đoạn khó khăn, máu lửa của cách mạng Việt Nam" - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ tại buổi họp báo chiều 4/12/2015 ở Bộ VHTT&DL.


Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm