"Cảm ơn mọi người. Hãy đón xem livestream ngày mai nhé", Xiong, một nữ hướng dẫn viên du lịch tại Trùng Khánh (Trung Quốc), kết thúc buổi phát trực tiếp trên nền tảng Douyin.
Hôm nay, cô đứng ở ga Liziba, nơi nổi tiếng với những chuyến tàu chạy xuyên chung cư, để giới thiệu cho khán giả về lịch sử, kiến trúc và những địa điểm vui chơi thú vị tại đây.
Thay vì thuyết trình trước đám đông du khách, cô thực hiện những buổi livestream dưới hình thức "du lịch ảo" nhằm kiếm sống trong thời kỳ dịch bệnh.
Nhiều hướng dẫn viên ở các viện bảo tàng, khu du lịch ở Trung Quốc chuyển sang livestream, dẫn tour ảo để duy trì thu nhập trong dịch bệnh. Ảnh: Douyin. |
Kể từ tháng 9/2020, Xiong đã phát sóng trực tiếp hơn 500 lần, thu hút gần 74.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Cô kiếm sống chủ yếu từ hoa hồng và quảng cáo cho các thương hiệu địa phương.
Thực tế, Xiong không phải hướng dẫn viên duy nhất chuyển sang livestream kiếm sống. Khi dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch ở xứ tỷ dân, cô và đồng nghiệp phải tìm cách ứng phó, vượt qua khó khăn.
Theo SCMP, hàng chục hướng dẫn viên được phỏng vấn đều gặp khó khăn vì dịch bệnh. Dù chuyển sang dẫn tour trực tuyến, họ vẫn không thể bù đắp cho phần thu nhập bị ảnh hưởng.
Trước tình hình tái bùng phát dịch ở một số tỉnh như Phúc Kiến và Nam Kinh, giới chức buộc phải áp dụng các lệnh hạn chế mới, cấm du lịch liên tỉnh. Điều này khiến tương lai của người làm nghề trở nên mờ mịt.
"Đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Tôi không biết khi nào ngành du lịch mới phục hồi. Mỗi đợt phát sóng trực tiếp, tôi thậm chí không dám mua nước uống chứ đừng nói tới đồ ăn", Xiong chia sẻ.
Lương không đủ sống
Trên các nền tảng video như Douyin hay Kuaishou, thu nhập của các streamer phụ thuộc chủ yếu vào doanh số sản phẩm bán được trong buổi phát sóng, tiền ủng hộ chỉ là phụ. Song, rất hiếm người có thể kiếm bộn tiền nhờ hình thức này.
"Tiền hoa hồng ít ỏi, khó bán sản phẩm, hiếm đoàn du lịch tới thăm. Ngành du lịch lúc này tựa một vũng nước đọng, thi thoảng có vài hạt mưa thôi", cô nói.
Nhiều chuyên gia và các hướng dẫn viên du lịch ở xứ tỷ dân cho biết ngành này khó có thể hồi phục nếu dịch Covid-19 tiếp tục tồn tại. Ảnh: Reuters. |
Xiong cho biết nhiều đồng nghiệp tại công ty cô phải nghỉ việc vì sống chủ yếu nhờ tiền tip và không có lương cơ bản.
Báo cáo năm 2020 từ Hiệp hội Dịch vụ Du lịch Trung Quốc cho thấy khoảng 80% trên 10.614 hướng dẫn viên được khảo sát tại 31 tỉnh hiện "không có việc". Chỉ 10% số đó chấp nhận làm thêm việc phụ, 8,4% chuyển hẳn sang một ngành nghề khác.
Dù một số hướng dẫn viên cố gắng ứng phó với tình hình mới bằng cách dẫn tour ảo, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Wu Gengqiu, một trong những hướng dẫn viên có ảnh hưởng nhất trên Douyin với 719.000 lượt theo dõi và 8 năm kinh nghiệm, nói rằng cô không thể kiếm sống bằng nghề livestream.
Wu từng dành gần một năm leo núi Hoàng Hà (tỉnh An Huy, Trung Quốc) mỗi ngày, chỉ nhằm phát sóng trực tiếp cảnh bình minh từ đỉnh núi. Nhưng từ tháng 3/2021, cô chuyển sang làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hiện tại, Wu đang điều hành một quán trà trực tuyến. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, cô có được nguồn thu nhập ổn định, gần bằng mức trước đại dịch.
"Chừng nào đại dịch chưa biến mất, ngành du lịch vẫn sẽ bị 'đóng băng' như vậy", cô nói.
Với các công ty du lịch lớn, họ gặp may mắn hơn khi chuyển sang hình thức livestream.
Jenny’s China Tours, đơn vị chuyên tuyển dụng hướng dẫn viên nói tiếng Anh, đã thực hiện nhiều chuyến tham quan ảo cho khách du lịch nước ngoài trên nền tảng Heygo.
Du khách có thể tham gia miễn phí các buổi phát sóng tại nhiều điểm tham quan nổi tiếng ở Trung Quốc như Công viên Địa chất Quốc gia Trương Dịch Đan Hà, tương tác cùng hướng dẫn viên và trả tiền tip cho họ.
"Đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Chúng tôi buộc phải chuyển sang dẫn tour trực tuyến để tồn tại, đảm bảo mức lương cơ bản cho nhân viên và giữ họ ở lại", Jenny Liang, người sáng lập công ty, chia sẻ.
Trước đại dịch, công ty của cô có 20 hướng dẫn viên, giờ chỉ còn lại 8 người và hầu hết đều làm việc bán thời gian.
Ngay cả những hướng dẫn viên kỳ cựu như Xiong cũng đang lên kế hoạch dự phòng.
"Sau tháng 10, nếu tình hình vẫn không chuyển biến, tôi sẽ nghỉ việc. Sau cùng, tôi vẫn phải sống, phải chi trả phí sinh hoạt cá nhân", cô nói.