Ngoài 3 người Việt thiệt mạng trong vụ đánh bom kinh hoàng ở phố El Maryoutiya thuộc quận Haram, tỉnh Giza (Ai Cập), Inbrahim, hướng dẫn viên địa phương, cũng không vượt qua được lưỡi hái tử thần của đêm định mệnh 28/12/2018.
Trước thông tin trên, nhiều hướng dẫn viên của các hãng lữ hành và một vài du khách Việt từng có dịp tiếp xúc nam hướng dẫn viên xấu số không khỏi bàng hoàng, đau xót.
Bài học tử tế của một hướng dẫn viên ngoại quốc
Ở Ai Cập, hướng dẫn viên du lịch không phải một công việc đem lại thu nhập cao. Bởi vậy, đa số những người theo đuổi công việc này đều phải có cho mình những nghề nghiệp phụ khác. Song, Ibrahim là một trường hợp ngoại lệ. Dẫu cuộc sống cơm áo gạo tiền chưa bao giờ dễ dàng đối với người đàn ông một vợ hai con này, anh vẫn bám trụ một nghề duy nhất là hướng dẫn viên du lịch suốt hơn 15 năm qua.
Trao đổi với Zing.vn, chị Trung Hiếu, Phó giám đốc một công ty lữ hành, đồng thời là hướng dẫn viên du lịch lâu năm cho biết từng có dịp làm việc chung với nam hướng dẫn viên Ai Cập vài lần. Chị nhấn mạnh Ibrahim là người luôn đặt lợi ích của những thành viên nước bạn lên trên hết, bao gồm cả hướng dẫn viên và du khách.
Nhớ lại kỷ niệm với người bạn ngoại quốc, chị kể: "Tháng 4/2018, tôi có dịp dẫn chung đoàn với anh bạn này trong hành trình 11 ngày ở Ai Cập. Mặc dù chưa đến ngày khởi hành, Ibrahim đã nhắn tôi rằng không cần phải lo bất cứ thứ gì. Cậu ta sẵn sàng thay tôi đảm đương mọi nhiệm vụ trong chuyến đi sắp tới nhằm đem lại hành trình mỹ mãn cho du khách".
Ibrahim là người bạn dẫn ăn ý và rất tâm lý của chị Trung Hiếu trong suốt chuyến đi 11 ngày ở Ai Cập. Ảnh: Trần Thị Ngọc Nga. |
Trong chuyến đi, chị Hiếu cũng luôn nhận được sự chia sẻ, động viên kịp thời của Ibrahim trước những áp lực vô hình và sự bất đồng quan điểm với khách hàng trước một số vấn đề phát sinh không thể lường trước.
"Tất cả đều nằm ngoài tầm kiểm soát. Trong vài khoảnh khắc bất lực khiến tôi chùn chân, Ibrahim đã động viên và lấy lại tinh thần cho tôi bằng tất cả sự chân thành. Xuyên suốt hành trình, nụ cười chưa bao giờ tắt trên đôi môi của người đàn ông này. Ngay cả khi rơi vào những tình huống khó xử, anh vẫn giữ được một bản ngã chân chính, thấu tình đạt lý trong mọi vấn đề. Mọi bài toán về nghề của Ibrahim dường như đều có chung một đáp số là sự tử tế", chị tâm sự.
Chị Trung Hiếu và du khách Việt đứng cùng Ibrahim tại khu vực kim tự tháp. Ảnh: Nguyễn Thị Thu. |
Cái tâm của một người làm nghề chân chính như Ibrahim còn thể hiện qua sự lăn xả với công việc, chẳng màng cân đo đong đếm giữa cái được và mất. Bên cạnh những cảm xúc về người hướng dẫn viên nước bạn, là những câu chuyện khiến vị khách phương xa như chị Hiếu không thể quên về anh.
"Sau khi tham quan khu đền Karnak, dưới cái nóng 40-52 độ C, một vài du khách tỏ vẻ bực dọc và muốn dừng hành trình. Thấy thế, tôi quyết định bỏ tiền túi mời mọi người chầu nước nhằm xoa dịu sự mệt nhọc cũng như thuyết phục khách đừng bỏ điểm. Nghe gợi ý này, Ibrahim không những chấp nhận gánh với tôi phân nửa số tiền mà còn chạy ngược xuôi để tìm bằng được quán nước phù hợp nhất", người phụ nữ này nhớ lại.
'Sẵn sàng xù lông và đánh mất hình ảnh cá nhân để bảo vệ du khách'
Đó là lời nhận xét của các du khách Việt khi nói về Ibrahim khi tham gia chuyến du lịch Ai Cập do anh dẫn đoàn khi nói chuyện cùng phóng viên Zing.vn. Trong suy nghĩ của họ, nhiệt tình, lành tính và hài hước là ba tính từ thích hợp nhất để miêu tả về Ibrahim. Tính cách dễ thương như vậy nhưng trong một số trường hợp, nhất là khi du khách bị tước mất quyền lợi chính đáng, sự mạnh mẽ có phần bạo gan của người hướng dẫn viên này trỗi dậy, sẵn sàng đáp trả quyết liệt. Ibrahim hoàn toàn mặc kệ chuyện hình ảnh cá nhân của mình trong mắt mọi người có trở nên như thế nào đi chăng nữa.
"Đi tour với cậu này, dù ở bất cứ đâu, tôi luôn cảm nhận được sự an toàn. Người Ai Cập rất kỵ việc sờ vào đầu và vai nhưng để thể hiện mức độ thân tình, Ibrahim thoải mái để mọi người làm điều đó.
Tôi còn một kỷ niệm rất đáng nhớ với Ibrahim. Khi đến kim tự tháp, tôi thỏa thuận giá 5 USD cho chuyến lạc đà chở vòng quanh để chụp hình. Kết thúc hành trình, người dẫn lạc đà yêu cầu tôi phải trả 10 USD. Thấy thế, Ibrahim lao lại, liên tục quát lớn tiếng để người thanh niên niên cư xử không phải phép kia không được làm khó tôi nữa", bà Nguyễn Thị Thu, du khách từng đi tour Ai Cập do Ibrahim dẫn đoàn bộc bạch.
Bà Thu chụp hình cùng Ibrahim cũng như lưu giữ tấm hình kỷ niệm bên chiếc khăn truyền thống của người Ai Cập do chính người hướng dẫn viên này hỗ trợ quấn. Ảnh: Nguyễn Thị Thu. |
Người phụ nữ này cũng nhớ lại buổi tham quan của cả đoàn tại nhà thờ St. Mary's Coptic Orthodox Church. Mặc dù vẫn đang trong giờ làm mở cửa, nhân viên bảo vệ vô lý từ chối không cho đoàn vào. Tuy nhiên sau đó, bằng tất cả khả năng của mình, anh đã thuyết phục một cách cứng rắn để đưa đoàn khách Việt vào chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tôn giáo này.
Những lúc rảnh rỗi trong chuyến đi, Ibrahim tự nguyện đem mặt hàng của những người nghèo khổ ở những vùng đất đi qua, giúp họ chào mời du khách.
Đối với bà Nga, một trong những người từng đi tour của Ibrahim, kỷ niệm đẹp mà cả đoàn đến giờ vẫn nhắc người hướng dẫn viên tốt tính này là lần các thành viên cưỡi lạc đà vào làng Nubia. "Do trước đó mải mê mua sắm đồ, khi đến ngôi trường đặc biệt để học và viết chữ Nubia, thầy giáo đã về. Thay vì thông báo với đoàn về lần lỡ hẹn đáng tiếc này, Ibrahim đích thân chạy khắp nơi để tìm và mời thầy gặp mọi người như đúng trong lịch trình", bà nói.
Một chuyến đi thành công, đáng nhớ, không chỉ phụ thuộc vào cảnh quan thiên nhiên, văn hoá nơi đến đẹp hay không, mà người hướng dẫn viên cũng ảnh hưởng rất nhiều.
"Ibrahim đã đem đến cho chuyến đi của chúng tôi những điều ngọt ngào, đáng nhớ. Cậu ấy ra đi khi còn quá trẻ, khi đam mê vẫn đang cháy bỏng là điều thật đau xót. Riêng tôi sẽ không thể quên được nụ cười cũng như sự nồng hậu của chàng trai này", bà Thu chia sẻ.