Tương tự Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, lễ cúng cô hồn được tổ chức vào ngày 15/7 Âm lịch, tức rằm tháng 7, tại Hong Kong hàng năm. Năm nay, lễ hội này rơi vào ngày 25/8 Dương lịch. |
Theo truyền thuyết có nguồn gốc từ Trung Quốc, rằm tháng 7 là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân. Vào dịp này, người dân nhiều nước như Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam,... thường tổ chức lễ cúng vong linh không nhà, không còn thân nhân trên Dương thế để các linh hồn này không "quậy phá". |
Tại Hong Kong, dấu hiệu đầu tiên của lễ hội này là mùi giấy cháy xen lẫn với hương nhang và nến thơm trên bàn cúng thức ăn, theo South China Morning Post. Người dân có truyền thống đốt hình nộm, tiền giấy và nhiều vật thờ cúng khác cho các "cô hồn" đang vất vưởng ở Dương thế, chưa được siêu thoát. |
Hàng năm, cộng đồng người Triều Châu tại Hong Kong lại tổ chức nhạc hội dành riêng cho các vong hồn. Cộng đồng có dân số khoảng 1,2 triệu người này tổ chức hầu hết sự kiện lớn mừng rằm tháng 7 tại Hong Kong, gồm múa lân, lễ đốt hình nộm, nhạc kịch,... Theo phong tục dân gian, người Hong Kong, giống như người Việt, tin rằng tháng 7 Âm lịch làng tháng không may mắn và cần tránh làm nhiều điều kiêng kỵ, đặc biệt là vào ban đêm, ví dụ như phơi đồ, bơi, phóng uế vào cây cối, chụp hình,... |
Theo CNN, lễ vật cúng cô hồn bằng giấy tại Hong Kong ngày càng đa dạng và hiện đại, ví dụ như điện thoại thông minh, túi xách hàng hiệu, trang, sức, mỹ phẩm của những thương hiệu lớn trên thế giới. Đa số những vật phẩm này đều in hình hoa sen, cây tre hoặc nhiều biểu tượng mang ý nghĩa may mắn khác. Người Hong Kong cũng ăn chay và làm việc thiện trong tháng 7 Âm lịch. |
Ngày Rằm tháng 7 cũng là Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ tại nhiều quốc gia châu Á. |
Truyền thông quốc tế nhiều lần ví lễ cúng cô hồn ở châu Á với ngày Halloween ở phương Tây. Lễ hội này đem lại nguồn thu lớn cho nhiều xưởng sản xuất vàng mã ở Hong Kong. Bước vào một cửa hàng bán lễ vật bằng giấy, phóng viên SCMP được ông To Chiu Sung "chào hàng" với một biệt thự 3 tầng, cao 20 cm, có 16 phòng được bố trí đầy đủ tiện nghi như máy lạnh, giường, tủ,... |
"Đây là mặt hàng bán chạy nhất trong năm nay", ông To nói. Tương tự Việt Nam, người Hong Kong cũng có thói quen chi nhiều tiền để mua vàng mã cúng tổ tiên. Họ tin rằng người chết có thể sử dụng những lễ vật này ở cõi âm và thường mua những thứ mà ông bà, cha mẹ mình khi còn sống không thể sở hữu, ví dụ nhà, xe hơi,... |
"Nhiều người cũng có như cầu mua vàng mã thiết kế riêng theo sở thích người đã khuất, ví dụ ngân hàng, máy bay, nhà hát,...", ông To nói. |
Chủ cửa hàng vàng mã có tuổi đời 35 năm cho biết hình nộm biệt thự có giá ít nhất 130 USD. Trung bình, một khách bỏ ra khoảng 10-20 USD mỗi lần đến mua vàng mã. |
To cho biết công việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt. "Văn hóa Trung Quốc là thờ cúng tổ tiên. Dù xã hội có thay đổi thế nào, tôi tin rằng vẫn có nhiều người cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa, giúp truyền thống này tồn tại qua nhiều thế hệ", ông nói. |