Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hủy án tử hình vì sợ làm oan

Trong giai đoạn điều tra, bị cáo khai mình giết người, cướp của nhưng khi ra tòa lại kêu oan và khai người khác mới là hung thủ.

Ngày 14/11, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã ra quyết định hủy án, giao cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vụ án Giết người, Cướp tài sản xảy ra tại Lộc Ninh, Bình Phước. Như vậy, bị cáo Danh Cường tạm thời thoát án tử hình, mức án mà TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên khi xử sơ thẩm.

Bị cáo Danh Cường, người từng bị tuyên án tử hình, có khả năng vô tội.
Bị cáo Danh Cường, người từng bị tuyên án tử hình, có khả năng vô tội.

Khai bị đánh và bắt ký vào bản khai sẵn

Theo cáo trạng, Cường sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang. Tháng 5/2012, Cường đến thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) làm thuê. Tại đây, Cường biết bà Ngọc ở một mình trong vườn tiêu và hay đeo một sợi dây chuyền vàng ở cổ nên nảy sinh ý định giết để cướp tài sản.

Ngày 11/6/2012, Cường giấu con dao trong người để sang nhà bà Ngọc. Khi thấy người phụ nữ này trên tay có cầm điện thoại, Cường đứng từ phía sau bóp cổ rồi dùng dao đâm nhiều nhát vào tay, ngực, bụng nạn nhân làm con dao bị gãy làm đôi. Sau đó hung thủ cầm cán dao và lưỡi dao đi giấu rồi quay vào lấy sợi dây chuyền, hai chiếc điện thoại của nạn nhân bỏ trốn về quê.

Mặc dù lời khai của Cường tại cơ quan điều tra như vậy nhưng tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo khẳng định mình bị oan. Cường nói lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và bản cáo trạng truy tố bị cáo không đúng sự thật. “Bị cáo bị cán bộ điều tra đánh đập và bắt ký vào biên bản tự khai chứ bị cáo không có giết bà Ngọc, không lấy tài sản của bà ấy mà là do người khác làm”.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Phước vẫn căn cứ vào lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và các chứng cứ khác để kết án bị cáo. Sau đó, Cường kháng cáo kêu oan.

Hung thủ là người khác?

Tại cả hai phiên tòa, Cường khai: Ngày 11/6/2012, bị cáo đang ở nhà có một người tên Hùng, một người tên Khang đến rủ đi uống rượu tại quán Thanh Thảo ở xã Lộc An. Trong bàn nhậu hôm đó, ngoài bị cáo, Hùng và Khang còn có một người tên Quân ngồi cùng. Trong lúc ngồi nhậu có một người đàn ông (người dân tộc, làm nghề cạo mủ cao su) tới nhậu cùng và xin số điện thoại của Cường.

Tàn cuộc nhậu, Cường đi chơi bi da thì nhận được điện thoại của người đàn ông trong bàn nhậu nói muốn mượn một con dao. Cường đồng ý rồi vào nhà người quen lấy con dao cho người này mượn. Sau đó người đàn ông này chở Cường đến vườn tiêu và bảo chờ ở ngoài còn mình đi vào để lấy ít đồ.

Đợi 30 phút không thấy người đàn ông đi ra, Cường đi vào vườn tiêu thì thấy người đàn ông này đang cầm dao đâm bà Ngọc. Hoảng sợ, Cường định bỏ chạy thì người đàn ông bảo: “Mày đứng lại coi”. Sau đó người này nói: “Việc này chỉ có mày và tao biết, mày mà léng phéng tao giết!”. Vẫn theo Cường, do con dao bị gãy làm đôi nên người đàn ông này ném vào một gốc tiêu rồi lấy sợi dây chuyền, hai điện thoại của bà Ngọc bỏ trốn.

Còn quá nhiều điều chưa rõ

Đại diện VKS tại phiên phúc thẩm nhận định vụ án còn rất nhiều tình tiết mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ nhưng đã vội vàng kết tội bị cáo. Điều này rất dễ làm oan và bỏ lọt tội phạm.

Theo viện, thứ nhất, con dao là hung khí gây án, là chứng cứ đặc biệt quan trọng chứng minh ai là người đâm chết bà Ngọc. Nhưng kết quả giám định lại thể hiện con dao không đủ cơ sở để gây nên những vết thương của nạn nhân. Theo lời khai của Cường, con dao có đặc điểm cụ thể và được mượn của một người bà con nhưng cơ quan điều tra lại không tiến hành cho nhận dạng và cho người này đối chất với bị cáo.

Thứ hai, bị cáo khai người đàn ông nói đi một lát nhưng bị cáo phải chờ 30 phút rồi đi theo hướng của người đàn ông đã đi để đến hiện trường chứng kiến sự việc. Cơ quan điều tra chưa xác định khoảng cách từ chỗ bị cáo đứng chờ đến hiện trường là bao xa, đi bao lâu, đi bộ hay xe máy nhưng lại vội vàng kết luận vụ án.

Thứ ba, về chiếc sim điện thoại của bà Ngọc, Cường khai khi cầm điện thoại của bà này có thấy đổ chuông nên tháo và ném trong nhà. Nhưng đó là lời khai tại cơ quan điều tra. Còn tại tòa, bị cáo lại khai chỉ chứng kiến điều đó (do người đàn ông khác làm). Tuy nhiên, tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được lại chưa đủ để kết luận sự việc.

Cuối cùng, theo viện cần phải làm rõ tại sao bị cáo lại có lời khai khác nhau tại cơ quan điều tra và tại tòa. Hơn nữa, để làm rõ vụ án cần phải triệu tập được các nhân chứng, những người có trong bàn nhậu với Cường và người đàn ông mà bị cáo đã khai là hung thủ. Cấp sơ thẩm đã chưa làm rõ được điều này.

Từ những điều trên, VKS đề nghị tòa hủy án để điều tra, xét xử lại nhằm tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.

Đồng tình với viện, tòa đã quyết định hủy án.

http://plo.vn/phap-luat/toa-an/huy-an-tu-hinh-vi-so-lam-oan-509310.html

Theo Ngọc Thân/ Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm