Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hủy đặt bàn ăn sau Tết vì đắt đỏ, phục vụ kém

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều hàng quán tại Hà Nội và TP.HCM kín khách đặt bàn trước. Tuy nhiên, không ít người rời đi vì phải chờ đợi lâu, mức giá tăng và chất lượng dịch vụ kém.

Hàng quán ở TP.HCM kín khách, quá tải mùa tiệc tân niên Sau Tết, hàng quán ở TP.HCM chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu tổ chức liên hoan, họp mặt đầu năm. Nhiều nơi ghi nhận lượng đặt tiệc tân niên tăng cao so với năm ngoái.

Chỉ 10 phút sau khi bước vào một nhà hàng đồ Thái trên phố Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội), Ngọc (22 tuổi) phải bỏ về. Dù đã đặt bàn trước và không phải chờ đợi, cô và bạn quyết định đổi địa điểm ăn vì không hài lòng với thực đơn.

“Lúc đặt chỗ, tôi đã tham khảo qua menu ở quán. Nhưng khi đến nơi, tôi nhận ra họ chưa phục vụ theo thực đơn gọi món mà chỉ còn các set lẩu - nướng dịp Tết. Tôi thấy có ít lựa chọn, giá lại cao nên ra về trong tâm trạng không vui”, Ngọc nói.

Do đổi địa điểm đột ngột, hai người chưa kịp đặt bàn ở quán khác. Vị khách này nói rằng cô sẽ chạy xe quanh khu vực quận Ba Đình để tìm quán ăn phù hợp, chấp nhận chờ đợi nếu cần.

“Gần 19h rồi, tôi chỉ lo khó tìm chỗ ăn vì các quán đều đông, thậm chí có nơi chỉ nhận khách đã đặt bàn trước. Dịp lễ Tết nên tôi hoàn toàn thông cảm. Giờ chỉ mong tìm được chỗ nào còn đón khách, món ăn hợp ý thôi”, Ngọc chia sẻ.

huy dat ban tan nien vi mon dat phuc vu kem anh 1

Ngọc vội vàng tìm quán ăn khác sau khi không hài lòng với nhà hàng đã đặt trước.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Zing, nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và TP.HCM đón lượt khách đông đúc vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Khách hàng phải đặt bàn trước, hoặc xếp hàng chờ đợi để được vào quán.

Tuy nhiên, không ít người phải bức xúc ra về khi có những trải nghiệm dịch vụ chẳng mấy vui vẻ. Một số địa điểm ăn uống lại rơi vào tình trạng quá tải, thiếu nhân viên phục vụ sau Tết.

Chất lượng dịch vụ kém

Khoảng 20h, Khánh Minh (22 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) rời khỏi một quán đồ nướng Hàn Quốc trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) với tâm trạng thất vọng. Khánh Minh cho biết cô sẽ không bao giờ quay lại nơi này dùng bữa vì thái độ phục vụ kém.

"Tôi gọi đồ 30 phút mới có nhân viên đưa món lên. Họ cũng tỏ ra khó chịu mỗi lần tôi hỏi món. Tôi có thể chấp nhận việc nhân viên sơ suất thiếu đồ order của khách, nhưng thái độ phục vụ như vậy thật không chuyên nghiệp", Khánh Minh bức xúc.

Vì sợ quán hết chỗ dịp đầu năm, cô liên hệ hotline trước 2 ngày để đặt bàn cho nhóm 6 người. Cô cho biết vào những ngày Tết, các nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM dễ rơi vào tình trạng quá tải, kín chỗ từ sớm.

"Cả nhóm không muốn đầu năm mất vui, nên chúng tôi ra về, không báo lại với quản lý", cô nói.

Phạm Huế (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) sửng sốt khi nhân viên quán nướng báo rằng đã hết bàn. Trong khi đó, cô đã đặt chỗ từ trước và được bên hotline xác nhận. Sau một hồi cân nhắc, cô và bạn quyết định tới một nhà hàng bít tết kiểu Pháp trên đường Phan Xích Long.

“Tôi bực mình vì đến đúng giờ hẹn mà vẫn phải sang nơi khác. May mắn là nơi này phục vụ nhanh, đồ ăn ổn, giá cả lại phải chăng nên tôi cũng nguôi ngoai phần nào. Thời điểm này đi đâu cũng phải đợi lâu, chen chúc nhau nên tôi cũng lo ngại”, Huế chia sẻ.

Thiếu nhân sự trầm trọng

Chị Khánh Lương (29 tuổi), quản lý một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM), vừa nhanh tay dọn bàn, vừa hướng dẫn lượt khách mới vào chỗ ngồi. Nhà hàng mới hoạt động lại từ mùng 5 âm lịch. Do thiếu nhân viên sau Tết, một mình chị phải kiêm nhiều vị trí công việc.

Nhà hàng có 3 không gian phù hợp cho khách có nhu cầu tổ chức sự kiện, liên hoan. Trong đó, những bữa tiệc tân niên thường có khoảng 20-60 khách với giá dao động 300.000-350.000 đồng/người. Theo chị Lương, dịp đầu năm là mùa cao điểm của tiệc tùng nên ngành dịch vụ ăn uống phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, nguyên liệu.

Chị Lương cho biết lượng khách đặt tiệc tân niên chỉ bằng 2/3 so với dịp tất niên. “Sau Tết, nhiều khách gọi đến đây để hỏi thăm, khảo sát giá nhưng ít người chốt đơn. Từ giữa tháng 2 trở đi là thời gian cho tiệc thôi nôi, sinh nhật, chắc nhà hàng sẽ rộn ràng hơn”.

Tuy số lượng tiệc đặt trước không nhiều, quán vẫn gặp khó khăn vào giờ cao điểm do thiếu nhân viên và chạy song song với 2 mô hình liên hoan - À la carte cùng lúc.

“Trong khung giờ khách đến đông, chúng tôi bị quá tải vì không đủ người làm. Đa số các bạn về quê chưa lên, hoặc nghỉ hẳn vì kẹt lịch học. Bởi vậy, tốc độ phục vụ, lên món sẽ hơi chậm một chút. Sắp tới, tôi dự định tuyển thêm nhân viên part-time. Tôi đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng tới trải nghiệm ăn uống của khách hàng”, chị Lương nói.

Nhìn gần 30 người xếp hàng trước cửa, Cường (25 tuổi), quản lý tại quán lẩu Hàn Quốc bên trong Vincom Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội), có chút áp lực.

Chia sẻ với Zing, anh cho biết lượng khách đến quán vào dịp Tết tăng 10-20% so với ngày thường. Trong khi đó, quán lại rơi vào tình trạng thiếu nhân viên.

“Nhiều người nghỉ hẳn từ trước Tết nên hiện tại quán đang thiếu nhân viên. Chúng tôi phải nhờ người từ các chi nhánh khác, hoặc nhờ bên văn phòng tới hỗ trợ hoạt động, nếu không sẽ rất khó khăn”, anh nói.

Anh Cường cho biết từ trước tới nay, quán không quy định khách phải đặt bàn mà chỉ phục vụ theo thứ tự. Trong thời gian dịch bệnh, điều này giúp anh có thể điều phối lượng khách hàng vừa đủ, tránh tình trạng quá đông đúc ở không gian phía trong.

“Quán vốn không nhận đặt bàn trước nên khách hàng đã quen với việc xếp hàng đợi tới lượt. Thời gian chờ của mọi người sẽ khoảng 10-15 phút, nhân viên cũng cố gắng cho mọi người vào từ từ để có thể đảm bảo quyền lợi và tránh tình trạng quá đông đúc”.

Phương (21 tuổi) và Linh (19 tuổi), ngụ tại quận Ba Đình, nằm trong số gần 30 vị khách đang xếp hàng ngoài nhà hàng. Mặc dù đã đứng hơn 15 phút, hai chị em vẫn kiên nhẫn chờ đến lượt mình.

“Chúng tôi đã quen xếp hàng mỗi khi ăn ở quán này. Hai chị em sẽ cảm thấy ‘hơi thiếu’ nếu không phải chờ đợi”, Phương cười, nói. Trước Tết, họ từng có lần phải chờ tới 30 phút.

huy dat ban tan nien vi mon dat phuc vu kem anh 8

Phương (ngoài cùng, bên phải) và Linh kiên nhẫn xếp hàng tại quán ăn yêu thích của cả hai.

Khoảng 18h30, cửa hàng pizza trên phố Giảng Võ bắt đầu tấp nập thực khách tới lui. Quản lý Thúy Hằng (40 tuổi) luôn túc trực ở quầy bar, điều phối nhân viên phục vụ và nhận các đơn ship.

Chia sẻ với Zing, chị cho biết lượng nhân viên ở lại làm việc xuyên Tết giảm nhiều so với mọi năm. Đa số đã về quê từ sớm để kịp thời cách ly tại địa phương nên mỗi ca làm việc chỉ còn khoảng 10 người.

Tuy nhiên, lượng khách hàng vào dịp Tết cũng giảm so với bình thường nên chị và các đồng nghiệp vẫn có thể đón khách đều, không gặp khó khăn ở bất kỳ khâu nào.

“Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp nên khách hàng trẻ, gia đình lớn cũng hạn chế ăn ngoài hơn. Họ có thể về quê từ sớm, hoặc gọi ship về tận nhà nên chúng tôi có thể tiếp đón chu đáo như mọi khi, không bị quá tải công việc”, chị Thúy Hằng nói.

Nữ quản lý nói thêm rằng 2 ngày qua, lượng khách đến ăn tại chỗ cũng tăng lên đáng kể so với thời điểm đầu xuân do người dân bắt đầu trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ.

“Nhu cầu gặp mặt đầu xuân, ăn mừng tân niên tăng cao nên khách hàng đến ăn tại chỗ nhiều hơn mấy ngày trước. Khi có khách tới đều đặn như vậy, nhân viên chúng tôi cũng rất mừng vì năm qua quá khó khăn rồi, chỉ muốn được làm việc thôi”.

Shipper ở TP.HCM đổ về các tòa nhà sau kỳ nghỉ Tết

Lượng đơn đổ dồn vào giờ cao điểm, nhiều shipper phải tăng tốc để kịp giao đồ ăn trưa cho dân văn phòng khi kỳ nghỉ Tết kết thúc.

Hồng Chang - Trang Minh - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm