Đua nhau hát nhạc sến chỉ là sự a dua thiếu nhận thức
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng khán giả mới là đối tượng tính "đẳng cấp" trong sự tồn tại của các dòng nhạc?
- Như một hướng phát triển tự nhiên của tất cả các thị trường âm nhạc, là một điều tất yếu phải xảy ra khi khán giả ý thức được mình bỏ tiền ra mua sản phẩm có chất lượng và họ có quyền lựa chọn những dòng nhạc riêng biệt cho gout thẩm mỹ riêng của từng người.
- Nhạc sến, nhạc thị trường, như cách số đông vẫn gọi, hình như lại là dòng nhạc có số lượng người người nghe đông đảo nhất, đúng không anh?
- Đó là thể loại âm nhạc bình dân và gần gũi với số đông công chúng yêu nhạc. Tôi nghĩ chừng nào chúng ta còn có thị trường âm nhạc thì sự tồn tại của dòng nhạc đó càng mạnh mẽ hơn. Và đó thực ra cũng là quy luật, nó không chỉ có ở nước ta mà có ở mọi nơi trên thế giới.
- Đặt nhạc xưa, nhạc sến vào tiến trình phát triển của nền âm nhạc Việt nói chung, anh giữ cho mình cái nhìn như thế nào?
- Như tôi đã nói ở trên, việc một thị trường âm nhạc có những tác phẩm ở nhiều thể loại âm nhạc là một sự phát triển rất bình thường. Nó cần phải có đầy đủ thể loại âm nhạc để dành cho tất cả mọi tầng lớp khán giả thưởng thức.
- Nhìn vào lượng đĩa, liveshow liên quan đến những thể loại này vài năm trở lại đây nhiều vô kể, hình như chúng ta đang bị "bội thực"?
- Bạn không thể bắt một người ăn một món ăn mà trong đầu của họ nghĩ rằng ăn vào sẽ có hại với sức khoẻ. Nếu có nuốt được thì cũng do là bị ép nên phải nhắm mắt nhắm mũi cho nó trôi thôi. Đơn giản họ muốn thì họ sẽ ăn.
- Anh nghĩ sao nếu có ca sĩ thay đổi thể loại âm nhạc, đến với dòng nhạc sến, xưa chỉ để mong sự nổi tiếng hơn?
- Tôi không nghĩ như vậy là tốt. Rõ ràng do họ lựa chọn sai dòng nhạc hoặc không biết rõ được khả năng của mình đến đâu. Nếu họ không lựa chọn đúng dòng nhạc và biết mình phù hợp với dòng nhạc nào, tôi cho đấy mới là đi ngược lại sự phát triển.
- Đối tượng khán giả của dòng nhạc xưa, nhạc sến ngày càng được "trẻ hoá" mạnh mẽ, điều đó có khác thường không, thưa anh?
- Dòng nhạc đó tồn tại là do nó luôn có đối tượng khán giả yêu thích và thưởng thức. Tôi nghĩ việc khán giả ngày càng nhận thức rõ dòng nhạc nào thực sự dành cho mình mới là dấu hiệu của một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp.
- Nhìn nhận một cách trực diện, anh nghĩ sao về phong trào "người người hát nhạc xưa nhạc sến" hiện nay?
- Tôi nghĩ đây là một việc làm hoàn toàn nghiệp dư và thiếu nhận thức về con đường đi của mình, đá nhầm sân chỉ là sự a dua mà thôi.
Sự hoài cổ luôn tồn tại
- Nếu nhận được một đề nghị làm sản xuất cho một sản phẩm theo dòng nhạc này, thì anh sẽ…
- Tôi không bao giờ dám làm gì mà tôi không hiểu rõ về nó. Tốt nhất là luôn biết mình thuộc về nơi nào và cái gì là của mình chứ.
- Xu thế "đảo chiều" giữa nghệ sĩ hải ngoại và Việt Nam có ảnh hưởng gì nhiều đến cái gọi là "sự trỗi dậy" của dòng nhạc xưa nhạc sến này không, thưa anh?
- Tôi nghĩ mỗi ca sĩ dòng nhạc có phân khúc khán giả riêng nên mọi người cứ bình tĩnh thôi. Cái gì của mình nó sẽ thuộc về mình, còn không thuộc về mình thì có cố cũng chỉ là sự lãng phí thời gian.
- Anh nghĩ sao về những ý kiến cho rằng "làm mới những giá trị cũ"?
- Tôi nghĩ trong chừng mực nào đó vẫn có thế biến những giá trị cũ thành những gì thời thượng hơn, tuy nhiên nó cũng chỉ là vẻ bề ngoài khi mà sự thể nghiệm và sáng tạo bị bó buộc trong những tư duy cũ kỹ.
- Những sự kiện âm nhạc luôn được tổ chức với "lõi" là những dòng nhạc này có khiến anh bận tâm?
- Tôi nghĩ chúng ta nên bình thản trước các hiện tượng trỗi dậy của các dòng nhạc khác nhau, vào các thời điểm khác nhau.
Sự hoài cổ luôn tồn tại cũng như các xu hướng mới sẽ xuất hiện nên chúng ta hãy chấp nhận và cởi mở hơn. Mọi dòng nhạc trên thị trường đều đóng góp vào bức tranh showbiz đa sắc màu, bởi cuộc sống tinh thần luôn cần sự phong phú.