Trong cuộc thi Làng hài mở hội, đội Xém Cười kiên định với chiến thuật tiếp cận công chúng bằng “hài đường phố”. Trong khi các đối thủ khác mang đến sự đa dạng như cổ tích, kiếm hiệp, cải lương thì họ vẫn trung thành với các vấn đề trong xã hội hiện đại, đặc biệt là cuộc sống của người dân lao động nghèo.
Với sự dẫn đầu của đội trưởng Huỳnh Tiến Khoa, họ mang đến những tiếng cười sảng khoái nhưng ẩn chứa nỗi đau của những phận đời lang bạt. Dẫu vậy, các thành viên vẫn truyền thông điệp của niềm tin, sự lạc quan trong các mẩu chuyện ấy.
Nếu Trấn Thành từng bật dậy vì phát hiện thể loại hài “hành hình” của Dương Thanh Vàng thì Việt Hương thán phục bởi tài năng dàn dựng của Huỳnh Tiến Khoa. Chí Tài và Đại Nghĩa thốt lên chữ “đẳng cấp” vì những tiết mục thấm đẫm chữ “đời” và kỹ năng sân khấu chuyên nghiệp của các gương mặt trẻ.
|
Tiết mục Xóm nghèo thất thủ không chỉ lấy nước mắt người xem mà các thành viên còn táo bạo mang lửa lên sân khấu tạo hiếu ứng phần nhìn. Ảnh: Jet. |
Huỳnh Tiến Khoa tâm sự: “Người nghèo hiện vẫn chiếm đa số nên họ chính là đối tượng mà chúng tôi hướng đến. Cuộc sống của họ nhiều lo toan, thế nên, họ cần nụ cười để sống. Tôi vốn xuất thân từ xóm lao động nghèo ở quận Gò Vấp, TP.HCM, ba mẹ đi làm suốt ngày nên thui thủi bên cạnh những người hàng xóm. Ở đó, đa phần là người nhập cư nên cũng có nhiều thành phần, gây gổ nhau suốt ngày. Nhưng khi một người gặp chuyện, cả xóm lại có mặt để giúp đỡ”.
Tinh thần đó ảnh hưởng đến tính cách, lối sống của Tiến Khoa. Thế nên, thông điệp trong kịch bản của đội Xém Cười đều hướng đến mục đích truyền tải mặt tích cực, tinh thần lạc quan, sẻ chia của những người lao động.
|
Huỳnh Tiến Khoa còn mạo hiểm biến mình thành "ngọn đuốc sống". Ảnh: Jet. |
Dù vậy, Huỳnh Tiến Khoa thừa nhận đề tài đường phố tưởng dễ nhưng không khéo sẽ gãy. Với vốn sống từ thực tế, gương mặt trẻ mới nổi luôn đặt bản thân vào hoàn cảnh của nhân vật để thuyết phục người xem.
Ở đêm chung kết, Xém Cười lột tả cuộc sống mưu sinh nhiều bi hài của những người lao động nhập cư và chinh phục khán giả bằng những ý tưởng dàn dựng táo bạo với Xóm nghèo thất thủ.
Trưởng nhóm còn liều lĩnh “chơi” với lửa trong tiết mục Giang hồ tứ trụ dù trong quá khứ anh từng rơi vào cảnh nhà bị cháy, bản thân mắc kẹt bên trong. Huỳnh Tiến Khoa muốn người xem cảm nhận sự chân thật nên táo bạo làm “ngọn lửa sống” trên sân khấu thay vì truyền tải hình ảnh ước lệ quen thuộc.
Tư duy sáng tạo với nhiều màu sắc hài của riêng mình, anh và Xém Cười tạo ra những vở diễn thành công vang dội: Chuyện bến xe, Quán nhậu tĩnh lặng, Trả chồng cho tui…
Hài kịch của họ được lồng ghép trong những loại hình nghệ thuật khác như võ thuật, ảo thuật, âm nhạc, thể hình…
Vừa là tác giả và kiêm luôn vai trò đạo diễn, Huỳnh Tiến Khoa giãi bày: “Hài có nhiều loại: hài lời, hài châm biếm, hài trào phúng nhưng thế mạnh của tôi ở hài tình huống, nhịp kịch phải náo, diễn ra liên tục. Đã làm hài thì không được giáo điều, nói suông. Các sự kiện được diễn ra liên tục bằng hành động để khán giả được thấy chứ không chỉ nghe”.
|
Đội Xém Cười khẳng định họ vẫn trung thành với hài kịch đường phố để phục vụ người nghèo. Ảnh: Jet. |
Sau khi đoạt giải quán quân với số tiền thưởng 200 triệu đồng, đội Xém Cười trích 100 triệu đồng để xây 2 căn nhà tình thương cho người nghèo với mong muốn “nụ cười chỉ trọn vẹn khi có ý nghĩa”.
Nói là làm, Huỳnh Tiến Khoa tiếp tục dẫn dắt các thành viên trong nhóm thực hiện các đêm diễn miễn phí cho sinh viên, công nhân trong thời gian tới.