Một buổi tối đi chơi thông thường của Nadia Kishlan bao gồm ăn, nhậu một tăng rồi tham gia bữa tiệc mà cô đã lên kế hoạch từ trước.
Sau đó, cô sẽ đi bất kỳ đâu tùy vào tình hình tối đó, cùng với bạn bè hoặc những người lạ mặt mà cô mới gặp thông qua các cuộc phiêu lưu bất chợt.
“Không có gì sánh bằng sự hiện diện của những con người chung chí hướng tụ tập trong cùng một không gian để chỉ sống và nhảy múa. Đó là lối thoát cần thiết để phá vỡ sự đơn điệu quen thuộc của cuộc sống hàng ngày”, Nadia, một nhà sản xuất kiêm người dẫn chương trình và mẫu ảnh, nói với VICE.
Một hộp đêm Singapore sôi động hồi cuối tháng 1/2020. Ảnh: Zour/Phuture. |
Khoảng 2 năm trước, Singapore khá nổi tiếng với cuộc sống về đêm sôi động, từ các hộp đêm nổi tiếng cho đến những quán bar đình đám với nhạc sống và bữa tiệc bí mật. Nó được duy trì cho đến khi Covid-19 bùng phát và làm ngưng mọi hoạt động xã hội.
Giờ đây, khi Singapore thận trọng chuyển sang trạng thái bình thường mới, cuộc sống về đêm hưng thịnh một thời vẫn tiếp tục chìm trong im lặng.
Nền âm nhạc thoi thóp
Khi Singapore quyết định “sống chung với Covid-19”, cuộc sống bắt đầu hồi sinh.
Rạp chiếu phim cho phép khán giả ăn uống, phòng gym mở cửa đón thành viên tới tập luyện ở khoảng cách an toàn, và nhà hàng cho phép nhóm tối đa 5 người dùng bữa.
Một số buổi biểu diễn trực tiếp và sự kiện âm nhạc cũng đã trở lại với số lượng khán giả hạn chế. Tuy nhiên, các hoạt động giải trí về đêm vẫn còn bị bỏ ngỏ.
“Hiện các buổi biểu diễn trực tiếp không được tổ chức ở bất kỳ cơ sở kinh doanh ăn uống nào bởi nguy cơ thực khách không đeo khẩu trang giao tiếp, trò chuyện là rất cao”, trích nội dung hướng dẫn chính thức.
Những con đường gần như vắng người trong khu Chinatown của Singapore hồi tháng 8/2021. Hiện Singapore đã nới lỏng một số dịch vụ, trừ hoạt động giải trí về đêm. Ảnh: Lauryn Ishak/Bloomberg. |
Hiện khung cảnh tiệc tùng của Singapore không còn giống như trước đại dịch.
Một số địa điểm được yêu thích nhất đã đóng cửa vĩnh viễn, trong khi những nơi khác đang tìm cách xoay xở để tồn tại. Họ chuyển hướng sang loại hình kinh doanh khác, như phòng tập thể dục hay bán đồ ăn, cùng với sự trợ giúp từ các khoản cứu trợ của chính phủ.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã đầu tư tiền và thời gian để chuyển đổi sang mô hình mới, những địa điểm này vẫn không an toàn trước sự thay đổi về quy định phòng chống dịch bệnh có thể khiến họ ngừng kinh doanh.
“Ban đầu, việc áp đặt các hạn chế khi đại dịch bùng phát rất có ý nghĩa. Nhưng giờ đây, tôi cảm giác rằng các hoạt động giải trí về đêm đang chịu án phạt oan sai bởi những quan niệm sai lầm của đa số về nó”, Nadia nói.
Tại Singapore, các tụ điểm về đêm từ lâu bị gán cho một khuôn mẫu không đứng đắn và thường gắn liền với tệ nạn. Theo đó, nhiều DJ thấy công việc của họ cũng bị dán nhãn tương tự.
“Tôi nghĩ một phần do sự hiểu lầm của công chúng”, Matty Wainwright, một DJ và đạo diễn âm nhạc, nói.
Một buổi trình diễn của ông Wainwright trước đại dịch. Ảnh: Matty Wainwright. |
Ông Wainwright, người làm DJ từ năm 1998, cho biết hộp đêm chỉ là một phần công việc ông làm hàng ngày. Các hợp đồng biểu diễn của ông rất đa dạng, từ những bữa tiệc trẻ em cho đến câu lạc bộ thư giãn bên bờ biển.
Nhưng lúc này, tất cả những buổi tiệc đó đều không khả dụng cho các quy định Covid-19 hiện hành.
Trong khi các tụ điểm ăn chơi ở Singapore vẫn đóng cửa, nhiều nơi trên thế giới đã “sống” trở lại. Chẳng hạn, Maldives, nơi ông Wainwright từng làm việc vào cuối năm 2021, đã kinh doanh hộp đêm và câu lạc bộ như thường lệ.
“Tôi đã chơi nhạc mỗi ngày”, ông kể về chuyến đi tới Maldives, cũng là lần đầu tiên ông trở lại sự nghiệp âm nhạc sau gần 2 năm. Trải nghiệm ở Maldives khiến việc trở lại Singapore của ông Wainwright càng thêm buồn bã và khó hiểu.
Văn hóa tiệc tùng, giải trí về đêm của Singapore mới được hình thành cách đây 30 năm. Ảnh: Zour/Phuture. |
Ông cho biết rằng chính phủ không có bất kỳ lời giải thích chính đáng nào được đưa ra dành cho nhân sự ngành âm nhạc - những người buộc phải tạm dừng kế sinh nhai của mình vô thời hạn.
Điều này đã thúc đẩy ông khởi động SaveMusicSG, một chiến dịch kêu gọi nâng cao nhận thức về nền âm nhạc bị lãng quên của Singapore.
Cùng với đội ngũ tình nguyện viên của mình, ông Wainwright tổ chức các sự kiện phát trực tiếp có sự tham gia của địa phương, nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của những nhân sự ngành âm nhạc đang phải vật lộn trong đại dịch, đồng thời tôn vinh sự sôi động một thời của thành phố.
Chuyển hướng nghề nghiệp
Trong cuộc họp báo tuần trước, các nhà chức trách nói rằng vẫn còn quá sớm để nới lỏng hạn chế Covid-19 đối với nhạc sống và văn hóa nhậu nhẹt - một biện pháp phòng ngừa mà nhiều DJ và nhạc sĩ không thể hiểu được.
“Cá nhân tôi không thấy nguy hiểm gì khi đứng một mình một bục và làm việc”, ông Wainwright chia sẻ.
Kể từ khi sự nghiệp âm nhạc bị gián đoạn, người đàn ông này phải chuyển sang căn nhà có giá thuê phải chăng hơn, đồng thời chạy nhiều việc vặt, bao gồm giao hàng và đưa chó tới nơi trông giữ.
Thu nhập chỉ bằng một phần rất nhỏ so với công việc trước kia của ông. Tuy nhiên, ông Wainwright tự nhận mình còn may mắn hơn so với những người khác trong ngành.
Một bữa tiệc do Zach Kim thực hiện trước đại dịch. Ảnh: Zach Kim. |
Zach Kim là DJ chuyên nghiệp và chủ sở hữu của một công ty tổ chức sự kiện cho đến khi Covid-19 đóng cửa kế sinh nhai của anh. Kể từ đó, Zach bắt đầu kinh doanh giao đồ ăn chay Trung Đông.
“Tôi không kiếm được nhiều tiền như trước đây. Tuy nhiên, hoạt động này giúp trả hết chi phí sinh hoạt. Đó được coi là một chiến thắng ở giai đoạn khó khăn này rồi”, anh nói.
Song tài chính không phải tất cả những gì Zach bận tâm. Trong 2 năm qua, anh rất buồn khi nền âm nhạc tiệc tùng đang hấp hối.
“Chúng tôi là những nghệ sĩ biểu diễn, chúng tôi sống bằng âm nhạc. Đó là kế sinh nhai và thứ nuôi sống tâm hồn chúng tôi. Khi chính quyền loại bỏ nhạc sống trong các quán bar và nhà hàng, đó thực sự là khoảng thời gian chán nản và đau đớn đối với rất nhiều người chúng tôi”, anh chia sẻ.
“Họ cần ngừng suy nghĩ rằng tất cả những gì liên quan đến hoạt động giải trí về đêm đều xoay quanh điều tiêu cực, đồng thời hãy nhìn nhận điều tích cực về mặt kinh tế và cả con người”, Zach nói thêm.
Hy vọng muộn màng
Đối với những thanh niên bước sang độ tuổi hợp pháp trong đại dịch, cuộc sống về đêm như một sinh vật thần thoại mà có lẽ họ chỉ được nghe kể, chứ chưa bao giờ có cơ hội chứng kiến tận mắt.
Tuy nhiên, bất chấp sự ảm đạm trong 2 năm qua, nhiều người hy vọng rằng các hoạt động giải trí về đêm của đảo quốc sư tử sớm lấy lại ánh hào quang khi những hạn chế được dỡ bỏ.
Tracy tiếc nuối khi phải chứng kiến sự lụi tàn của cuộc sống về đêm ở Singapore. Ảnh: Tracy Joy Phillips. |
Tracy Joy Phillips, một cô gái đam mê đi hộp đêm, nhớ lại cảm giác đứng trên sàn nhảy đông đúc. Giờ đây, cô thương tiếc cho nền văn hóa phụ vốn đang bùng nổ bỗng biến mất trong nháy mắt.
“Thật điên rồ và tàn phá về mặt văn hóa khi giết chết một ngành công nghiệp vốn mất hơn 3 thập kỷ để gây dựng và đang phát triển mạnh mẽ mà không đưa ra sự thỏa hiệp nào”, cô nói.
Một số DJ và nhạc sĩ đã rời đi. Song nhiều người khác vẫn nuôi hy vọng rằng một khi chính phủ “bật đèn xanh”, Singapore sẽ hoạt động trở lại với niềm hứng khởi bị dồn nén bấy lâu để dựng xây lại cuộc sống về đêm.
Nhiều người lạc quan rằng đời sống tiệc tùng về đêm ở đảo quốc này sẽ sớm lấy lại vinh quang trước đây. Suy cho cùng, nó đem lại cơ hội kết nối không thể thay thế giữa con người với nhau.
“Cuộc sống về đêm được xây dựng dựa trên những sở thích chung, không gian chung và trải nghiệm chung. Tôi tin rằng nó sẽ trở lại, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là ‘Khi nào?’”, EJ Missy, một DJ từng bay qua lại giữa Kuala Lumpur (Malaysia) và Singapore để làm việc, cho biết.
“Tôi thường tự hỏi bản thân rằng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không còn chút nhiệt huyết nào nữa khi cuộc sống về đêm trở lại?”, người này nói thêm.