Một thầy cúng tại Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Khi đang làm giúp việc tại Dubai, bà Aslem - bà mẹ 3 con - bắt đầu gửi tiền cho một người tự xưng là thầy cúng. Người này tuyên bố ông có thể khiến số tiền mồ hôi nước mắt của bà Aslem tăng gấp nhiều lần.
Tuy vậy, khi trở về nhà vào năm ngoái, bà Aslem không còn một xu dính túi. Bà bàng hoàng vì toàn bộ số tiền tiết kiệm đã bị một kẻ lừa đảo - người đang phải đối mặt với cả cáo buộc sát hại 9 người - lấy mất.
“Giờ tôi không còn gì”, bà nói với AFP khi ngồi trong căn nhà chật chội, xập xệ, thuộc một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Tây Java, Indonesia. “Tôi muốn cải tạo ngôi nhà nhỏ mà cha mẹ để lại cho tôi. Tôi muốn họ hạnh phúc... Tới khi họ qua đời, tôi vẫn chưa thể làm được".
Bà Aslem là một trong nhiều người Indonesia bị mắc bẫy lừa của những người tự nhận có năng lực thần thánh, có thể biến khoản đầu tư nhỏ thành khối tài sản khổng lồ. Cảnh sát cho biết một số đối tượng thậm chí sử dụng bạo lực khi các nạn nhân muốn đòi lại tiền.
Chiêu trò lừa đảo
Tại Indonesia - quốc gia có gần 10% dân số sống dưới ngưỡng nghèo - nhiều người tin rằng các thầy cúng có năng lực đặc biệt.
Các bài đăng lừa đảo đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Indonesia. AFP cho biết chỉ khoảng hơn 20 bài đăng được quảng cáo về kế hoạch đầu tư của các thầy cúng trên Facebook đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem.
Một bài đăng được xem hơn 600.000 lần khẳng định một tù trưởng Hồi giáo sẽ giúp số tiền của khách hàng tăng lên nhiều lần. Hoạt động này không đi ngược lại giáo lý của đạo Hồi, bài đăng khẳng định.
Khi được liên hệ, số điện thoại gắn với một trong các bài đăng yêu cầu người liên hệ gửi ảnh thẻ căn cước để có thể tham gia chương trình “đồng tiền ma thuật“.
Sau khi tới Dubai năm 2016, bà Aslem bắt đầu nói chuyện với một “thầy cúng” tên Aki Banyu được bạn bè giới thiệu. Lần đầu tiên hai người gặp nhau là khi bà về thăm nhà năm 2019.
Aki Banyu (tên thật là Wowon Erawan, giữa) cùng hai đồng phạm sau khi bị cảnh sát Indonesia bắt giữ. Ảnh: Cảnh sát Indonesia. |
Aki Banyu chuẩn bị lễ vật, đọc kinh và cam kết số tiền của bà Aslem sẽ tăng lên nhanh chóng.
Sau đó, bà Aslem chuyển cho Aki Banyu khoảng 288 triệu rupiad (khoảng 19.500 USD). Theo Aki Banyu, số tiền này có thể tăng lên gần 2 triệu USD.
Cảnh sát Indonesia sau đó xác định Aki Banyu có tên thật là Wowon Erawan. Người đàn ông 60 tuổi này làm việc với hai đồng bọn để lừa đảo lao động nhập cư nộp tiền.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 1, cảnh sát thậm chí cho biết bộ ba này đã sát hại 9 người - bao gồm cả vợ và con riêng của Erawan - để che giấu tội ác.
Cả ba người đã bị bắt. Họ thừa nhận sát hại các nạn nhân bằng đồ uống pha thuốc trừ sâu. Bà Aslem cũng suýt bị hạ độc khi hỏi về tiền của mình hồi cuối năm 2022, nhưng may mắn là bà đã không tới gặp nhóm này sau khi được bạn cảnh báo họ là những kẻ lừa đảo.
Sẵn sàng ra tay
Bà Neng Hana Patiningrum, một nạn nhân khác của Erawan, cho biết bà cũng từng suýt mất mạng dưới tay những kẻ lừa đảo.
Bà Patiningrum đã nộp hơn 100 triệu rupiah (hơn 6.700 USD) cho Erawan nhưng đã dừng gửi tiền từ năm 2021, sau khi những câu hỏi của bà không được hồi đáp. Khi bà trở về Indonesia, mưa lớn đã ngăn bà gặp Erawan.
Không phải ai cũng may mắn như vậy. Thi thể của Siti Fatimah, bạn của bà Patiningrum, đã được tìm thấy gần Bali hồi đầu năm 2021 sau quãng thời gian mất tích. Cảnh sát cho rằng bộ ba lừa đảo là thủ phạm.
“Tôi bị sốc. Làm sao mà họ có thể độc ác tới mức lừa đảo số tiền mà chúng tôi vất vả kiếm được? Tôi bị sang chấn tâm lý”, bà Patiningrum nói.
Nếu bị kết tội, các đối tượng có thể phải đối mặt với mức án tử hình. Trong một cuộc họp báo, Erawan đã gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân.
Hồi tháng 4, cảnh sát Indonesia cũng đã bắt giữ Salmet Tohari - một thầy cúng kiêm sát nhân hàng loạt khác - sau khi một nạn nhân của người này bị thông báo mất tích.
Giới chức Indonesia khám xét khu đất của Tohari, nơi họ tìm thấy thi thể một số nạn nhân. Ảnh: Cảnh sát Indonesia/Star. |
Tohari cũng tuyên bố bản thân có thể giúp một khoản tiền tăng gấp nhiều lần. Ông yêu cầu các nạn nhân phải tham gia nghi lễ và đã sát hại họ bằng chất độc xyanua khi bị đòi lại tiền.
Ít nhất 12 thi thể đã được tìm thấy trong các khu đất của Slamet. Cảnh sát Indonesia cho rằng con số người thiệt mạng có thể còn cao hơn vì họ được thông báo thêm về 28 trường hợp mất tích.
Trong khi đó, các nạn nhân sống sót vừa mất tiền, vừa bị chế nhạo vì vướng vào trò lừa đảo.
“Đó như cơn ác mộng vậy. Mọi người nói rằng tôi thật ngốc nghếch và liều lĩnh”, bà Patiningrum vừa nói vừa thổn thức. “Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra”.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.