PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cố vấn tuyển sinh của trường, đánh giá đề thi năm nay dễ hơn năm 2020, do Bộ GD&ĐT đã tính đến tình hình dịch bệnh, điều kiện học và ôn tập của thí sinh không được tốt.
Năm nay, điểm chuẩn những ngành “hot” được dự đoán vẫn tăng. Ảnh: Tiền Phong. |
Điểm chuẩn có thể tăng
Ông Dũng cho rằng khả năng điểm trung bình mỗi môn sẽ nhích lên cỡ 0,25-0,5 điểm. Như vậy, tổng 3 môn theo tổ hợp sẽ tăng 0,75-1,5 điểm. Trong khi đó, do dịch bệnh, đa số trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhất là dành nhiều chỉ tiêu cho xét học bạ và đánh giá năng lực.
Vì vậy, chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi THPT sẽ ít hơn mọi năm.
“Với 2 lý do chính này, tôi dự đoán điểm chuẩn năm nay ở các trường ĐH tốp trên sẽ tăng 0,5-1,5 điểm. Điểm chuẩn trường ĐH tốp dưới tăng ít, dự đoán tăng tối đa 1 điểm”, ông nói. Theo ông, điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sẽ không tăng nhiều.
Với phương thức xét tuyển học bạ, các ngành bình thường không biến động nhưng những ngành “hot” có sự chênh lệch đáng kể vì có ngành, điểm chuẩn của phương thức xét tuyển này đã lên tới 29,5 điểm (tức điểm học bạ của thí sinh mỗi môn xét tuyển phải đạt từ 9 trở lên).
Dự kiến phổ điểm chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tập trung ở mức 6-8 điểm/môn. Phần lớn phổ điểm tổ hợp 3 môn Khoa học Xã hội của thí sinh dự kiến ở mức 17-19 điểm.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện Tài chính, dự báo phổ điểm năm nay đẹp như năm ngoái. Dù đề thi được đánh giá dễ hơn nhưng thí sinh năm nay đã trải qua 2 năm dịch Covid-19, tâm lý bị ảnh hưởng và giai đoạn nước rút phải học trực tuyến nên tác động đến kết quả thi.
Tuy nhiên, năm nay, số lượng thí sinh tăng hơn 100.000 so với năm trước; các trường ĐH đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức khác, nên theo ông Tùng, điểm chuẩn có chênh nhưng không có khoảng cách lớn.
Mặt khác, từ thực tế đi làm thi, tư vấn tuyển sinh tại các địa phương, ông cho rằng, điểm chuẩn các trường tốp dưới sẽ không biến động. Thậm chí những trường này có nguy cơ phải xét tuyển nhiều đợt vì nhu cầu đi học nghề hoặc đi làm luôn sau khi tốt nghiệp THPT cũng rất cao.
Dự kiến điểm chuẩn của Học viện Tài chính tăng lên khoảng 0,5-1 điểm. Xét tuyển học bạ tuy số lượng thí sinh đăng ký đông nhưng điểm chuẩn không tăng vì lượng ảo nhiều, ông Tùng nói.
Thí sinh khu vực 3 khó có cơ hội vào ngành “hot”
Ý kiến chuyên gia: Ðiểm chuẩn khối A có thể thấp hơn năm ngoái
Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức độ của đề thi năm nay, điểm chuẩn các ngành tổ hợp môn khoa học tự nhiên và nhóm ngành môi trường, xây dựng công trình giao thông khó cao hơn năm ngoái. Theo đề thi tốt nghiệp THPT, môn Vật lý và Hóa học năm nay có độ khó gần như tương đương năm 2020. Đề thi có khoảng 4-5 câu khó, trong đó có 2 câu rất khó để phân loại thí sinh. Dù vậy, thí sinh vẫn không gặp khó để lấy điểm khá. Tuy nhiên, đề thi môn Toán lại hơi đặc biệt vì có 2 câu cực kỳ khó. Trong đó, rất hiếm thí sinh giải được câu khảo sát hàm số. Còn điểm chuẩn các ngành khối khoa học xã hội có thể sẽ cao hơn. Mặc dù đề thi một số môn như Ngữ văn, Giáo dục công dân có phần ngữ liệu, câu hỏi tình huống khá dài nhưng không có câu hỏi “bẫy”, đánh đố thí sinh. Trong khi đó, đề thi môn Lịch sử, Địa lý dễ hơn năm ngoái. Do đó, dự kiến phổ điểm chung của kỳ thi tập trung ở mức 6-8 điểm/môn. Phần lớn phổ điểm tổ hợp 3 môn khoa học xã hội của thí sinh dự kiến ở mức 17-19 điểm. Môn Tiếng Anh cũng tương tự. Đặc biệt là khối D1, điểm chuẩn sẽ cao. Điểm chuẩn xét tuyển khối A có khả năng thấp hơn, nhưng không nhiều. Nhờ có môn Tiếng Anh đề thi dễ nên điểm chuẩn khối A1 có thể sẽ cao hơn khối A.
Những năm trước, các trường thuộc khối ngành y dược, cùng với một số trường tốp trên như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương… có điểm chuẩn ở mức cao gần như kịch sàn. Kỷ lục của năm 2020 chính là ngành Hàn Quốc học của ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, với điểm chuẩn trên 30 điểm. Năm nay, theo các chuyên gia, điểm chuẩn khối trường y dược sẽ không biến động nhiều vì năm trước đã rất cao.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay điểm chuẩn như năm 2020 đã khiến nhiều thí sinh phải “khóc ròng”. Với mức điểm chuẩn 29,4 điểm, thí sinh ở Hà Nội gần như không có cơ hội trúng tuyển vào một số ngành của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vì không có điểm cộng ưu tiên khu vực, đối tượng. Ông Điền cho rằng, năm nay, điểm chuẩn những ngành “nóng” của trường có thể tiếp tục cao.
“Phổ điểm cao rất khó cho các trường tuyển sinh. Tuy nhiên, mục tiêu của kỳ thi đã thay đổi nên điểm chuẩn những ngành này khó có thể thấp hơn những năm trước”, ông nói.
Kỳ thi đánh giá tư duy dự kiến tổ chức trong tháng 7 của trường đã phải hoãn do dịch Covid-19. Nếu đến trước 15/8 trường không tổ chức được thì chỉ tiêu của phương thức xét tuyển này (35-40% chỉ tiêu) sẽ chuyển về phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp. Như thế, cơ hội thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi sẽ tăng lên.