Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

In Chùa Vàng lên tà áo dài - Sáng tạo cũng có những giới hạn

Nhà thiết kế Việt Hùng cho biết, khi thiết kế áo dài anh luôn tránh sử dụng những họa tiết in ấn liên quan đến tôn giáo. Các vấn đề văn hóa cần có sự hiểu biết nhất định.

 * Bài viết gửi Zing.vn của nhà thiết kế áo dài Việt Hùng:

Nghệ thuật và sáng tạo là không có giới hạn. Nhưng với những gì mang tính văn hóa như kiến trúc, dân tộc, tôn giáo,... lại có những cái khó riêng. Sự việc hình ảnh mẫu thiết kế áo dài in hình Chùa Vàng của Myanmar trên một tờ tap chí Việt Nam vừa qua là một ví dụ về cái khó đó.

Chùa Vàng là một biểu tượng tôn giáo của Myanmar. Và khi nói tới tôn giáo tức là bạn đang nói về đức tin, sự tôn kính. Đó là một vấn đề rất nhạy cảm. Myanmar gần như là đất nước của Phật giáo. Nhìn hình ảnh biểu tượng tôn giáo của đất nước in dưới chân tà áo dài Việt, các tín đồ nổi giận cũng là điều dễ hiểu.

Nhà thiết kế Việt Hùng. Ảnh: NVCC.

Là thầy giáo, làm việc trong môi trường văn hóa, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân không được làm gì ảnh hưởng đến giá trị tôn nghiêm. Trong lĩnh vực sáng tạo, cũng có những giới hạn cần được xác định rõ và không thể cho phép vượt qua. Tôn giáo là một phạm trù như thế.

Tôi thường có những công việc liên quan đến chùa chiền và hiện đang thực hiện dự án Liên hoa cổ tự, nói về Phật giáo và giới thiệu những ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Khi phía đối tác muốn in hình ngôi chùa lên tà áo dài, tôi đã từ chối khéo.

Thay vào đó, tôi thuyết phục khách hàng đi theo hướng khác. Sử dụng hình hoa sen thay cho hình chùa chiền. Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam và cũng là loài hoa gắn liền với Phật giáo từ ngàn xưa. Tôi đặt tên cho bộ sưu tập là Liên hoa cổ tự xuất phát từ ý tưởng này. Khi thiết kế, tôi phải cân nhắc đặt hoa sen ở vị trí trên tà áo để thể hiện sự trân trọng.

Thiết kế thời trang áo dài thuộc phạm trù khó bởi có quá nhiều giới hạn về văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng. Bạn có thể thỏa sức phá bỏ những nét cơ bản trên các loại trang phục, nhưng áo dài không cho phép làm điều đó. Phom dáng truyền thống phải được giữa lại để đúng với tin nhần dân tộc, họa tiết cũng được quy định phù hợp với văn hóa đặc trưng.

Lĩnh vực nào cũng cần kiến thức chuyên sâu. Việc thiết kế áo dài đòi hỏi sự am hiểu nhất định về văn hóa, truyền thống. Do đó, sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả không như mong đợi.

Hình ảnh Hồng Quế diện áo dài in họa tiết chùa Vàng bị cộng đồng mạng chỉ trích.

In hình danh lam thắng cảnh của nước khác lên tà áo dài Việt là vấn đề nhạy cảm. Tùy ở cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau. Có người cho đó là sáng tạo, nhưng như tôi đã nói, áo dài thuộc phạm trù truyền thống và có những giới hạn không cho phép.

Giao thoa văn hóa rất đa dạng và cần có sự chọn lọc. Khi thiết kế họa tiết đặc trưng của nước khác lên áo dài Việt, tôi phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Chúng ta có thể dùng họa tiết xuất phát từ thiên nhiên như hoa lá, cảnh vật, và những chi tiết không thuộc phạm trù tôn giáo.

Tôi từng dùng hoa anh đào của Nhật Bản làm họa tiết cho áo dài, hay từng ứng dụng hình phong cảnh của các nước. Miễn là đẹp và không ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa của quốc gia đó. Vấn đề văn hóa, truyền thống vốn nhạy cảm nên khi chạm tới, cần sự am hiểu và trân trọng là như vậy.

Theo tôi, không nên xem xét vấn đề ở góc độ đúng hay sai. Mỗi lĩnh vực cần có chuyên môn riêng. Có thể những nhà thiết kế của Thái Tuấn đã không để ý, hoặc họ chú trọng bố cục, màu sắc, hình ảnh in đẹp,... mà quên mất vấn đề tôn giáo. Khi Thái Tuấn cho ra mắt sản phẩm mới, họ cảm thấy thiết kế này thú vị, có thể bán chạy. Họ chưa làm chủ được những vấn đề thiên về văn hóa.

Đây là bài học đắt giá đối với các nhà thiết kế áo dài Việt nói riêng, với những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, sáng tạo nói chung và theo tôi, cả chính những người làm báo.

 

Nhà thiết kế Việt Hùng

Bạn có thể quan tâm