Ngày 14/7, SCMP đưa tin Ủy ban Phát thanh Truyền hình Indonesia (KPI) đã công bố danh sách 42 bài hát của các nghệ sĩ phương Tây – bao gồm Justin Bieber, Rita Ora và Ariana Grande – với cáo buộc những ca khúc này có ca từ nhạy cảm.
Ca khúc Positions của Ariana Grande bị cấm phát sóng tại Indonesia. |
Adiyana Slamet, giám đốc chi nhánh Tây Java của KPI, cho biết các bài hát như Lonely (Justin Bieber), How We Do (Rita Ora), Positions (Ariana Grande), Beautiful Mistakes (Maroon 5), Lose Yourself (Eminem) và Please Me (Bruno Mars ft Cardi B)... đã bị cấm theo điều 32 của Bộ luật phát thanh truyền hình Indonesia do “ca từ bạo lực, gợi dục”.
Ngoài ra, Adiyana khẳng định mục đích của điều 32 nhằm đảm bảo sự thuần khiết, chính trực của đài phát thanh truyền hình Indonesia, duy trì và bảo vệ “thuần phong mỹ tục” văn hóa Islam giáo.
Theo đó, 42 bài hát sẽ bị cấm phát sóng trên đài phát thanh ở Tây Java trước 10 giờ tối. Sau 10 giờ, phiên bản có lời đã qua kiểm duyệt của các bài hát trên sẽ được phép phát sóng.
Indonesia bắt đầu kiểm duyệt các tác phẩm nghệ thuật từ thập niên 60 dưới thời Tổng thống Sukarno. Tuy nhiên, các nhà phê bình âm nhạc tại nước này cho rằng việc kiểm duyệt không còn phù hợp trong thời đại internet, với sự phát triển của dịch vụ stream và ứng dụng VPN (mạng riêng ảo).
Irna Minauli, nhà tâm lý học lâm sàng ở Medan, cho biết từ lâu đã có lệnh cấm với những bài hát không phù hợp “chuẩn mực văn hóa và tôn giáo” tại Indonesia. Thập niên 60, Je t’aime moi non plus của Serge Gainsbourg và Jane Birkin đã bị cấm vì chứa đựng ca từ nói lên nỗi lòng giới trẻ thời đó. Thậm chí, Tổng thống Sukarto còn cấm ca sĩ Indonesia học theo phong cách nghệ sĩ phương Tây, theo SCMP.
“Những lệnh cấm này chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng sinh sống tại vùng nông thôn, Nhưng tại các thành phố, thanh thiếu niên Indonesia không còn xem truyền hình, thay vào đó họ truy cập Internet để không bị giới hạn thông tin”, Minauli chia sẻ.
Nhạc của Cardi B cũng bị cấm phát sóng vì có ca từ nhạy cảm. |
Nhạc sĩ Hikmawan “Indra” Saefullah, cũng phản đối hành động cấm 42 bài hát của KPI. Hầu hết khán giả Indonesia đang nghe nhạc và giải trí thông qua các dịch vụ stream và ứng dụng VPN. Vì vậy, việc cấm phát sóng để khán giả quên đi hoạt động yếu kém của KPI, Indra nói.
Mikail “Mike” Israfil, ca sĩ nhạc punk, cho rằng việc kiểm duyệt của KPI là bước lùi trong xu thế hội nhập hiện nay và phản bội các nguyên tắc dân chủ sắp được thực hiện ở Indonesia.
“Cuộc khủng hoảng đạo đức trong xã hội bắt nguồn từ nền văn hóa thiếu hiểu biết, không phải vì âm nhạc”, Mike trả lời SCMP.