Internet đã phủ sóng 100% các trường học VN
Chương trình kết nối Internet giáo dục do Bộ giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện đến nay hoàn thành “phủ sóng” 100% các trường học trên cả nước.
Học trò miền núi cũng lên Internet… học bài!
Cái rét đậm mùa đông tại miền núi cao Bá Thước không ngăn được đám học sinh xúm xít bên những chiếc máy tính hiện đại tại phòng máy tính trường Trung học phổ thông Bá Thước (Thanh Hóa). Tay thoăn thoắt gõ bàn phím, cậu học sinh Phùng Thế Anh (Lớp 12 Trường THPT Bá Thước) cười lỏn lẻn: “Chúng em đang ráo riết ôn thi tốt nghiệp và ôn thi đại học. Trước kia, khi chưa có Internet, tài liệu tham khảo chỉ quay đi quẩn lại là các bộ tài liệu cũ, muốn trao đổi bài vở, cách giải toán cũng không có. Từ khi có Internet em thường xuyên lên trang “Thích Học Toán” của Giáo sư Ngô Bảo Châu, vào các trang Web như http://www.nxbgd.vn/toanhoctuoitre, hocmai.vn, Blog…nhờ đó kiến thức toán học của em vững vàng hơn rất nhiều, em cũng đã tích lũy thêm được nhiều kĩ năng để phục vụ cho các kỳ thi quan trọng sắp tới”.
Ngồi cạnh Thế Anh là một cô học sinh đang chăm chú vào headphone, em đang nghe giảng trực tuyến một bài giảng bằng tiếng Anh. Trước kia, cô bé này và các bạn học sinh chủ yếu “học chay” ngoại ngữ qua lời giảng của thầy cô giáo và băng đài. Muốn trau dồi khả năng nghe – nói rất khó khăn, nhờ có mạng internet từ một học sinh chỉ võ vẽ dăm chữ tiếng Anh nay cô bé đã có thể đọc thông, viết thạo. Thậm chí, mới đây em cùng một số bạn đã tự tin tham dự cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet cho học sinh phổ thông. Tuy chưa đạt giải nhưng có thể nói thực sự đây là một cuộc cách mạng, mở ra những thế giới mới cho những cô cậu học trò vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hóa.
Ở một góc khác một nhóm học sinh vừa lướt web vừa bàn luận sôi nổi nên nộp hồ sơ thi vào trường nào. Các em truy cập dữ liệu, so sánh tỷ lệ tuyển sinh, xem đề thi các năm trước, tham khảo các ngành nghề mới để đưa ra “đáp án cho riêng mình”.
Bạn Nguyễn Diệu Linh học sinh lớp 12 Trường THPT Dân tộc nội trú Bá Thước tâm sựu: “Mạng Internet đã giúp em thuận tiện nhiều hơn trong việc chủ động tìm kiếm bài giảng E-Learning, mở rộng kiến thức nằm ngoài bài giảng. Khi có những bài tập khó, em có thể đưa lên diễn đàn để cùng các bạn tìm hiểu và đưa ra những lời giải hay. Đó là điều mà những năm trước khi chưa có internet em chưa hề nghĩ tới”.
Có thể nói, mạng internet của Viettel là “bà mối” cho hơn 25 triệu giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước tiếp cận kho tàng trí thức nhân loại. Đặc biệt là giáo viên, học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa khó khăn nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin để nâng cao chất lượng việc dạy và học.
Đưa Internet đến trường học thay lời cảm ơn xã hội
Ít ai biết rằng, để có được thành quả ngày hôm nay những cán bộ chiến sỹ của Viettel đã trải qua rất nhiều gian khó để thực hiện một chương trình xã hội đặc biệt có ý nghĩa. Ròng rã suốt hơn 2 năm qua, hơn 60.000 cột điện dựng mới và 23.000 km cáp quang được kéo để có thể đảm bảo thực hiện lời hứa đưa Internet đến mọi ngôi trường- kể cả những nơi sâu nhất, xa nhất. Để hoàn thành nhiều tuyến cáp, các cán bộ kỹ thuật của Viettel phải đi bộ hàng chục km đường rừng núi. Có những nơi, như xã Chà Tở, huyện Mường Chà (Điện Biên), phải kéo tới 60 km cáp quang mới có thể đưa được internet tới ba điểm trường là Trường mầm non Chà Tở, Trường tiểu học Chà Tở, Trường THCS Chà Tở... Hơn 500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng miễn phí để ngày hôm nay hơn 25 triệu giáo viên, học sinh, sinh viên được thụ hưởng thành quả.
Một giờ học tại trường PTTH Chà Tỏ Quảng Ninh |
Điều đáng quý nhất khi thực hiện Chương trình kết nối mạng giáo dục cho gần 30 nghìn cơ sở giáo dục trên toàn quốc lãnh đạo và nhân viên Viettel luôn xác định đây là hoạt động đầu tư cho thế hệ tương lai, những người sẽ làm chủ đất nước sau này. Internet là phương thức nhanh nhất để đưa tri thức đến mọi miền, mà đối tượng tiếp nhận trực tiếp là thầy và trò ở tất cả các cấp học. Từ đó, sẽ lan tỏa mạnh mẽ ra các đối tượng và lĩnh vực khác trong xã hội.
Mặc dù có nhiều vùng khó khăn, đời sống của người dân chưa phát triển, đầu tư trước mắt là chưa có lãi, song Viettel với trách nhiệm xã hội, với quan điểm "đầu tư cho giáo dục những gì tốt nhất” đã và đang đưa những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất về các cơ sở giáo dục ở những vùng khó khăn.
“Đấy là một niềm tự hào vì mình đã được góp phần nhỏ bé của mình giúp cho đất nước, vì Viettel có một triết lý: Viettel kinh doanh thành công l phần nhờ đất nước có 86 triệu dân ủng hộ, có kinh tế phát triển, có chính trị ổn định…cho nên trách nhiệm của doanh nghiệp phải mang một phần lợi nhuận của mình trả lại cho xã hội để xã hội ấy phát triển bền vững hơn”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel tâm sự.
pv
Theo Bưu Điện Việt Nam