Internet ở Cuba: Despacito, phim Hàn Quốc và đoàn tụ gia đình
Ở Cuba, những địa điểm công cộng với trạm phát Wi-Fi là cách duy nhất để người dân truy cập Internet và kết nối với thế giới. Không còn không gian riêng tư, những trái tim Latin cùng hỉ, nộ, ái, ố qua màn hình điện thoại, trên khắp những nẻo đường ở dải đất đầy nắng gió giữa Caribe.
Giữa cơn mưa của vùng Caribe, Walter Gilson kiên nhẫn đứng trong công viên trung tâm ở Havana và chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại. Hàng chục người khác quanh cậu cũng vậy.
Cạnh công viên, khách sạn 5 sao Inglaterra nườm nượp khách ra vào. Họ ngồi bên quầy bar sang trọng và những ly cocktail, cũng chăm chú lướt ngón tay trên những chiếc điện thoại thông minh đắt tiền. Inglaterra là một trong những khách sạn nổi tiếng nhất Havana, vì sóng Wi-Fi của nó có thể bắt được từ công viên phía ngoài. Người ta không cần bỏ vài USD cho một ly rượu để sử dụng Internet.
Ở đó, những con người với làn da rám nắng của vùng Caribe cùng trò chuyện, khóc, cười... qua màn hình điện thoại, thứ đang phát ra chút ánh sáng le lói soi rõ những khuôn mặt óng ánh trong cơn mưa đêm.
Là một du học sinh tại Cuba, Gilson thường liên lạc với gia đình và bạn bè ở cách đó nửa vòng Trái Đất mỗi tuần. Cậu không thể dùng Internet thường xuyên, bởi giá cả quá đắt đỏ.
Để có thể truy cập Wi-Fi ở các tụ điểm công cộng, người dân phải mua thẻ của Công ty Viễn thông nhà nước Cuba (ETECSA), nhà cung cấp dịch vụ Internet duy nhất ở Cuba, với giá khoảng 2 USD/giờ. Dọc đất nước Caribe, hàng trăm trạm phát Wi-Fi đã được lắp đặt. Dẫu vậy, ở nơi có mức thu nhập trung bình là 25 USD/tháng, khách hàng mua thẻ ETECSA chủ yếu là khách du lịch.
“2 USD/giờ là khá đắt, nhưng đã thấp hơn nhiều so với trước kia. Cách đây vài năm, giá cho một thẻ Wi-Fi 1 giờ có thể lên tới 7 USD”, Gilson nói với Zing.vn. Theo cậu, điều đặc biệt là ETECSA không tính tiền theo dung lượng truy cập mà dựa vào thời gian, vì vậy nếu muốn tiết kiệm chi phí, khách hàng phải biết rõ họ định làm gì trước khi đăng nhập vào Wi-Fi.
“Không thể cứ đăng nhập rồi nhởn nhơ lang thang trên mạng được, như thế rất tốn thời gian”, Gilson chia sẻ.
Trong khoảng 2 thập kỷ qua, khi cơn bão Internet càn quét mọi ngóc ngách trên thế giới, Cuba vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Nhiều người tại xứ sở Latin này từng cho rằng họ bị thế kỷ 21 bỏ lại phía sau.
Sau sự kiện Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 2015, tình hình đã khả quan hơn. Hàng trăm trạm phát Wi-Fi được lắp đặt tại những công viên, địa điểm công cộng và trong các khách sạn hạng sang, đưa người dân Cuba đến gần hơn với thế giới xung quanh họ.
Tại Havana, nơi có hàng loạt nhà hàng, khách sạn, Wi-Fi trở nên phổ biến. Ngược lại, những cửa hàng bán thẻ truy cập lại vô cùng ít ỏi. Trong khu phố cổ, cửa hàng duy nhất bán thẻ ETECSA lúc nào cũng nườm nượp người xếp hàng ở bên ngoài. Họ chủ yếu là khách du lịch.
Nếu không muốn tốn thời gian xếp hàng, người ta có thể bỏ thêm một khoản nho nhỏ cho các “cò mồi” trong khắp thành phố. Họ đứng ở mọi ngóc ngách trên đường và chỉ hỏi duy nhất câu “Thẻ Wi-Fi?” mỗi khi nhìn thấy khách hàng tiềm năng đi qua.
Không khó để nhận ra các trạm phát Wi-Fi ở Cuba. Chỉ cần để ý nơi có những khuôn mặt đang cắm cúi dùng điện thoại, họ nhấn nút "thích" trên Facebook, họ trò chuyện với người thân đang ở một quốc gia xa xôi nào đó, họ cười, khóc…, tất cả đều qua màn hình. Cảnh tượng này đang trở nên phổ biến ở Cuba trong những năm gần đây.
Theo Gilson, để tiết kiệm thời gian dùng mạng, mọi người thường mở nhiều trang báo và ứng dụng trên điện thoại cùng lúc, để thông tin được tải xuống rồi tắt Wi-Fi. Sau đó, họ sẽ bắt đầu đọc báo và các bài đăng trên Facebook của bạn bè.
“Dùng Internet kiểu này khiến các cuộc trò chuyện riêng tư với người thân ở xa là hoàn toàn không thể, trừ khi bạn vào khách sạn 5 sao rồi dùng Wi-Fi của riêng họ”, Gilson nói.
Internet đem lại nhiều thay đổi trong cuộc sống của người dân. Facebook, Google... không còn là điều xa lạ. Những gia đình có con em ở Mỹ giờ đây có thể liên lạc và trò chuyện thường xuyên hơn, giới trẻ được tiếp cận với đủ nền văn hóa trên thế giới.
Nhờ tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Havana và Washington, người dân Cuba bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới tiếng Anh. Những trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm với mức giá không hề dễ chịu. Song song đó, CNN, BBC... bỗng chốc trở thành những kênh học tiếng Anh ưa thích của nhiều người. Họ đọc tin tức, học từ mới và theo dõi những hoạt động của Tổng thống Mỹ Donald Trump qua Internet.
Thanh niên Cuba sử dụng mạng xã hội để cập nhật gu ăn mặc, thay đổi cách giải trí và học hỏi những thứ mới lạ. Những bài hát từ Mỹ hay các nước Latin xuất hiện ở Cuba ngày càng nhiều và được cập nhật nhanh chóng.
"Người Cuba thích nghe những bài hát Latin như Despacito và xem phim Hàn Quốc", Gilson chia sẻ. Những bộ phim truyền hình dài tập từ Hàn Quốc bắt đầu phổ biến tại đất nước này trong những năm gần đây, nhờ Internet.
Cũng nhờ Internet, một loại hình dịch vụ mới ra đời và được người dân vô cùng yêu thích. Một số người tải xuống hàng trăm bộ phim, chương trình truyền hình từ nước ngoài và lưu vào ổ đĩa cứng. Họ cho thuê những thiết bị này theo giờ, để khách hàng có thể copy dữ liệu ra máy tính và xem dần.
"Internet đang dần thay đổi cuộc sống của người dân Cuba, thay đổi cách họ giải trí, học tập và trò chuyện, kết nối với nhau", Gilson nói.
Ánh sáng từ điện thoại vẫn không ngừng chiếu sáng khuôn mặt rạng rỡ của cậu. Từ màn hình, những dòng cập nhật trạng thái và hình ảnh của bạn bè trên mạng xã hội hiện lên một cách chậm chạp dưới cơn mưa đêm.