Cận Tết âm lịch và đầu năm mới là thời điểm “lên hương” của các sản phẩm di động, khi doanh số thường tăng gấp nhiều lần ngày thường. Tuy nhiên, xu hướng này không đúng với iPad nói riêng và các dòng máy tính bảng nói chung.
Thực tế, doanh số của các dòng máy tính bảng liên tục giảm sút trong khoảng 2 năm qua, trong đó iPad là đại diện tiêu biểu. Theo các cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple, họ bày bán các mẫu iPad đời mới gần như là để cho đủ mặt hàng, không kì vọng vào doanh số.
Những mẫu iPad đời mới như mini 4 có giá tốt (9 triệu bản Wi-Fi 16 GB, 11,5 triệu bản 4G) nhưng sức bán hạn chế. Ảnh: Duy Tín. |
Những model đời cao như iPad mini 4, iPad Air hiện có giá bán tốt (gần như không chênh lệch so với thị trường Mỹ - khác xa iPhone và các smartphone cao cấp) nhưng người dùng không ngó ngàng đến. Một số cửa hàng cho biết, họ chỉ bán được vài máy trong cả tháng trời. Những mẫu iPad bán chạy nhất lại là sản phẩm đời cũ như iPad 2, 3, 4, iPad mini 2.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các hệ thống kinh doanh di động chính hãng cỡ lớn. Qua khảo sát, những model được người dùng chú ý hơn cả lại là những sản phẩm giá siêu rẻ (tầm giá 2-3 triệu đồng), hơn là iPad đắt tiền.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc doanh số iPad ngày càng lẹt đẹt. Đầu tiên phải kể đến tính chất sản phẩm này hoàn toàn khác smartphone. “Người dùng có thể nâng cấp iPhone mỗi năm nhưng lười nâng cấp iPad. Bản chất iPad là sản phẩm sử dụng tại gia, không phải sản phẩm thời trang mang ra đường nên người dùng không có nhu cầu nâng cấp”, anh Nguyễn Lạc Huy - đại diện một hệ thống di động nhận xét.
Ngoài ra, nhiều cửa hàng đồng tình với quan điểm rằng các sản phẩm máy tính bảng, đặc biệt là iPad, có độ bền cao, ít hỏng vặt nên người dùng không có nhu cầu mua máy mới. Theo các nghiên cứu gần đây, nếu như nhu cầu nâng cấp smartphone của người dùng có xu hướng rút ngắn từ 2 năm xuống còn một năm rưỡi thì trung bình, một người dùng máy tính bảng có xu hướng nâng cấp máy sau mỗi 3 năm, gần ngang ngửa với laptop (3-5 năm).
Nhu cầu nâng cấp sản phẩm máy tính bảng kém xa so với smartphone. Ảnh: Cnet. |
Thêm vào đó, hiệu ứng thị trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh số máy tính bảng đi xuống. Có thể nhìn thấy ngay xu hướng chung của thị trường khi máy tính bảng không còn là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất. Ngoại trừ Apple, Samsung và Asus còn tham gia mạnh mẽ vào thị trường, các hãng di động lớn còn lại đều bỏ qua dòng sản phẩm này. Bản thân Apple cũng kéo dài chu kỳ nâng cấp sản phẩm khi từ tháng 10/2014, hãng chưa có bản nâng cấp nào cho chiếc iPad Air 2.
Tại 2 triển lãm điện tử tiêu dùng và di động lớn nhất thế giới vừa qua là CES và MWC, người dùng gần như không chứng kiến một mẫu máy tính bảng đúng nghĩa đáng chú ý nào. Thay vào đó, các hãng di động có xu hướng tung ra sản phẩm dạng 2-trong-1 (máy tính bảng lai laptop). Ban đầu, tablet ra mắt với mục tiêu thay thế laptop nhưng sau đó, người ta nhận ra nó chỉ xứng đáng là một thiết bị giải trí cỡ lớn. Giờ đây, có vẻ như tablet đang tìm đường quay lại với mục đích thực sự của nó.
Không còn là sản phẩm thời thượng, không được đầu tư mạnh mẽ về kiểu dáng, tính năng cũng như quảng bá mạnh mẽ, dễ hiểu khi người dùng quay lưng với dòng sản phẩm từng gây sốt những năm 2011-2012.