![]() |
IQ của Elon Musk trở thành chủ đề gây tranh luận. Ảnh: The Dispatch. |
Trong nhiều tháng qua, Internet bị cuốn vào trò chơi đoán mò xem chỉ số IQ (chỉ số thông minh) của Elon Musk chính xác là bao nhiêu.
Tổng thống Donald Trump gọi Musk là người có “IQ cực cao”. Trong khi đó, cựu tiểu sử gia Seth Abramson lại khẳng định ông sẽ “đánh giá IQ của Musk nằm trong khoảng 100-110” và nói không có bằng chứng nào trong tiểu sử của Musk cho thấy con số cao hơn.
Bình luận viên kinh tế Noah Smith thì ước đoán IQ của Musk trên 130, dựa trên điểm SAT được cho là của ông. Một ảnh chụp màn hình lan truyền của Fox News cho rằng chỉ số này là 155, dẫn nguồn từ Sociosite, một website kém uy tín.
Nhà thăm dò dư luận Nate Silver cho rằng Musk “có lẽ là một thiên tài”, và lý giải rằng “IQ cao khuếch đại cả mặt tốt lẫn xấu của con người”.
Nhưng khi suy đoán về IQ của Musk, điều chúng ta thực sự đang bàn đến là gì? Không phải là điểm số của ông trong một bài kiểm tra trí thông minh, vì chưa từng có kết quả nào như thế được công bố. IQ ở đây được suy luận từ thành công, sự giàu có, tiểu sử cá nhân và hình ảnh công chúng của Musk. Việc gán cho ông một con số cao là cách để lý giải sự trỗi dậy của ông trong ngành công nghệ và cả chính trị.
Khi Tổng thống Trump chụp ảnh với Musk tại Nhà Trắng hồi tháng 3, với một gian hàng xe Tesla dựng tạm trên bãi cỏ, ông đã kêu gọi người Mỹ ủng hộ Musk và củng cố mối liên hệ giữa trí tuệ và thành công: “Chúng ta phải chăm sóc những người có IQ cao, vì số đó không nhiều”.
Khi IQ thành công cụ phân loại con người
Suốt hơn một thế kỷ qua, giới tâm lý học vẫn tranh cãi về việc liệu IQ có thực sự đo được trí tuệ bẩm sinh và liệu khái niệm đó có thực sự tồn tại. Ngày nay, IQ đã tách khỏi các bài kiểm tra chính thức, trở thành một khái niệm trừu tượng dùng để tô vẽ cho một tầng lớp chính trị - công nghệ mới đang lên.
IQ giờ đây là biểu tượng cho những người không chỉ cho rằng họ thông minh mà còn tin rằng họ thông minh hơn tất cả. Người Mỹ từ lâu đã bị ám ảnh với chỉ số này cũng như việc xếp hạng con người. Nhưng chưa bao giờ nỗi ám ảnh đó được thể hiện rõ ràng và liên tục như bây giờ, ở những cấp cao nhất.
![]() |
IQ đôi lúc được thần thánh hóa, trở thành công cụ phân loại con người. Ảnh: The New York Times. |
Đối với nhiều người nắm quyền lực, IQ đã trở thành thước đo tổng thể của một con người và là lý do biện minh cho quyền lực họ đang nắm giữ.
Sự mê mẩn với IQ cũng lan rộng trong công chúng. Ví dụ, Robert F. Kennedy Jr. phản đối việc cho fluoride vào nước máy vì nghĩ rằng nó làm giảm IQ. Bộ Chính phủ Hiệu quả do Musk đứng đầu đang tuyển dụng “những cá nhân có IQ cực cao”. Tháng 2 vừa rồi, một quan chức cấp cao yêu cầu nhân viên chương trình CHIPS cung cấp điểm SAT hoặc chỉ số IQ.
Trí tuệ là hàng hóa
Niềm tin rằng IQ là chỉ số phản ánh toàn bộ năng lực con người có gốc rễ sâu xa trong lịch sử. Nhà khoa học Francis Galton, anh em họ với Charles Darwin, là người khởi xướng phong trào ưu sinh vào năm 1869. Ông tin rằng tài năng và “địa vị” là di truyền, và đã cố gắng thống kê các mối quan hệ họ hàng giữa các chính trị gia, nghệ sĩ và quan tòa nổi tiếng để chứng minh điều đó.
Năm 1905, Alfred Binet và Théodore Simon tại Pháp phát triển thang đo trí thông minh đầu tiên để xác định trẻ em cần hỗ trợ giáo dục đặc biệt. Nhưng đến năm 1916, nhà ưu sinh người Mỹ Lewis Terman biến nó thành bài kiểm tra IQ đầu tiên - thang đo Stanford-Binet.
Terman đã dùng nó để phân loại con người theo độ tuổi và trình độ, với những câu hỏi thiên vị văn hóa rõ rệt. Kết quả không chỉ phản ánh sự thông minh, mà phản ánh cả giai cấp xã hội.
Nhà báo Nicholas Lemann viết rằng các bài kiểm tra IQ “luôn vẽ lại bức tranh giai cấp hiện hữu” - nơi những nhóm giàu có và thiểu số được xem là thông minh hơn. Trong xã hội công nghệ như hiện nay, các kỹ năng được đánh giá trong bài kiểm tra (gồm tư duy logic, ghi nhớ, phân tích) lại chính là những gì được đánh giá cao.
![]() |
Chưa thể biết chính xác chỉ số IQ của Elon Musk. Ảnh: Reuters. |
Năm 1958, nhà xã hội học Michael Young đặt tên cho trật tự mới là “xã hội trọng dụng nhân tài”, dựa trên IQ và nỗ lực. Nhưng bản thân ông lại bi quan: Nếu người giàu tin rằng họ hoàn toàn xứng đáng với vị trí của mình, họ sẽ trở nên tàn nhẫn và ngạo mạn.
Thế hệ Millennials càng ám ảnh hơn với IQ của con cái. Mạng xã hội tràn ngập lời khuyên nuôi dạy trẻ để “kích thích trí não”, từ đồ chơi Montessori cho đến thực phẩm chức năng “tăng trí thông minh”.
Sự chuyển mình của kinh tế Mỹ thành nền kinh tế thông tin - nơi sản phẩm chính là dữ liệu và mã lập trình - khiến chỉ số IQ càng thêm giá trị. Nó tôn vinh tầng lớp “oligarch” công nghệ như Musk, Peter Thiel hay Sam Altman, những người đang đầu tư vào công nghệ sinh học, sống trường thọ và thậm chí là “nâng cấp con người”.
Chỉ số IQ, giờ đây, là một loại “tiền tệ chính trị” - thể hiện ưu thế tuyệt đối của những người thông minh (hoặc tự nhận là như vậy). Và sản phẩm mà Thung lũng Silicon đang cố gắng bán mạnh nhất lúc này chính là “trí tuệ nhân tạo” - một dạng trí tuệ tinh lọc, có thể sở hữu và buôn bán như hàng hóa.
Những người quảng bá AI không ngừng tuyên bố rằng thời điểm AI vượt qua con người đang đến gần. Trong bối cảnh đó, việc độc chiếm khái niệm “thông minh” trở thành cách để giới tinh hoa công nghệ nắm quyền kiểm soát toàn bộ nhân loại.
Chính Musk đã viết trên nền tảng X: “Càng ngày càng rõ ràng rằng nhân loại chỉ là chương trình khởi động sinh học cho siêu trí tuệ số”.
Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.