Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Iron Man’ (2008) và Vũ trụ Điện ảnh Marvel lẽ ra đã rất khác

Thật khó để tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Robert Downey Jr. không nhận vai Người Sắt, hay Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) lại khởi đầu từ một công ty thuộc… Warner Bros.

Đúng 10 năm trước, đế chế Marvel Studios được lập nên bởi viên gạch đầu tiên vô cùng vững chắc mang tên Iron Man (2008). Nhờ sự tỏa sáng của Robert Downey Jr., Người Sắt - một siêu anh hùng khi ấy thường bị coi là “hạng B” - đến nay đã trở thành biểu tượng điện ảnh.

Song, cũng giống như các bộ phim khác, mọi chuyện trước đó không hoàn toàn là một đường thẳng.

David Hayter - người được chọn

Trước khi Tony Stark khơi mào Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), bản quyền điện ảnh của Iron Man bị luân chuyển giữa nhiều studio khác nhau: từ Universal tới Fox, và cuối cùng là New Line.

Ban đầu, có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng cho ghế đạo diễn dự án, như Tim McCanlies của The Iron Giant (1999), Stuart Gordon, hay thậm chí là Quentin Tarantino.

Đến giữa thập niên 2000, để chính thức khởi động Iron Man, New Line quyết định chiêu mộ 3 nhà biên kịch giàu kinh nghiệm trong thể loại siêu anh hùng. Hãng phim yêu cầu họ ngồi trước ống kính máy quay khoảng một vài ngày, nói về những ý tưởng dành cho Người Sắt.

phim Iron Man anh 1
Sau các cuộc thảo luận ban đầu, hãng New Line chọn David Hayter làm nhà biên kịch của Iron Man. Ảnh: Outnow.

Đầu tiên là David Hayter - người có công rất lớn trong việc gây dựng vũ trụ điện ảnh dị nhân X-Men qua hai tập phim X-Men (2000) và X2: X-Men United (2003). Tham gia cùng ông là David S. Goyer và Mark Protosevich.

Trên tạp chí The Hollywood Reporter, Hayter hồi tưởng: “New Line đã trả tiền cho 3 người chúng tôi để làm điều đó, và họ rốt cuộc thuê tôi để viết kịch bản”.

Trên thực tế, hai cái tên còn lại mà New Line tham khảo ý kiến cũng rất đáng gờm. Goyer từng tham gia sáng tạo loạt phim thợ săn ma cà rồng Blade của Wesley Snipes, và sau này cộng tác với đạo diễn Christopher Nolan để cho ra đời bộ ba phim The Dark Knight về Người Dơi.

Một vài năm trước khi nhận cuộc gọi từ New Line về Iron Man, Protosevich đã hoàn tất kịch bản cho phần tiếp theo của Batman & Robin (1997). Đáng tiếc thay, bộ phim của đạo diễn Joel Schumacher quá thất bại, nên thành phẩm của ông bị xếp xó.

Sau này, Mark Protosevich trở lại và giúp Marvel Studios đưa Thor (Chris Hemsworth) lên màn bạc.

phim Iron Man anh 2
Theo kịch bản của Hayter, Howard Stark mới là kẻ thù chính của Iron Man. Ảnh: Disney.

“Ba người chúng tôi cứ thế đưa ra các ý tưởng sáng tạo về Iron Man, và những điều có thể giúp Tony Stark trở nên thú vị trong mắt khán giả. Ý niệm về bộ phim cũng bắt đầu nảy ra từ đó”, David Hayter tiết lộ thêm.

Quyết định chọn Hayter của New Line đến vào năm 2004. Ông có nhiệm vụ “chế biến lại” một kịch bản của Al Gough và Miles Millar - hai nhà sáng tạo nên loạt Smallville về Siêu Nhân trên màn ảnh nhỏ.

Gough và Millar muốn Iron Man chạm trán kẻ thù truyền kiếp Mandarin ngay lập tức, nhưng Hayter lại nảy ra một ý khác: để Tony Stark đối đầu với cha mình là Howard Stark!

Đột phá táo bạo

Trong kịch bản của David Hayter, Tony Stark từ xa trở về và muốn tái thiết tình bạn với Rhodey. Từ đây, anh phát hiện ra rằng tập đoàn Stark Industries đang bí mật phát triển vũ khí. Tony Stark cho rằng đó là ngành công nghiệp phi đạo đức, và quyết định sử dụng sáng chế của mình cho những điều tốt đẹp.

Cha anh - Howard Stark - phản đối, và trở thành nhân vật phản diện bất ngờ ở cuối phim với bộ giáp War Machine. Một kẻ thù nữa mà Tony phải dè chừng là Justin Hammer - nhân vật sau này xuất hiện trong Iron Man 2 (2010) do Sam Rockwell thể hiện.

phim Iron Man anh 3
Một số tình tiết ở kịch bản của David Hayter xuất hiện trong các bộ phim sau này của Marvel Studios. Ảnh: Disney.

Trận chiến giữa hai cha còn nhà Stark trong kịch bản của David Hayter thực tế khá giống cái kết của Iron Man (2008). Tại đó, Tony Stark chiến đấu lại tay cố vấn thân thiết Obadiah Stane (Jeff Bridges), và cả hai đều có bộ giáp của riêng mình.

Giải thích về lựa chọn biến Howard Stark thành nhân vật phản diện, Hayter cho rằng: “Tôi có cảm giác rằng bất cứ ai cũng muốn phản chiếu người hùng của mình với một kẻ thù dưới góc độ tương đương. Nếu là The Hulk, đó sẽ là một con quái vật khổng lồ, mạnh mẽ”.

Khi viết ra nhân vật Tony Stark, David Hayter không hề nhắm đến bất cứ một gương mặt nào cụ thể. Ông tự hình dung bản thân sẽ sắm vai Người Sắt ra sao, nhưng dĩ nhiên không bao giờ nghĩ mình có cơ hội đó, bất chấp việc Hayter còn là một diễn viên lồng tiếng trong mảng trò chơi.

phim Iron Man anh 4
Robert Downey Jr. được xem là lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn Iron Man. Ảnh: Disney.

Thay vì Nicolas Cage hay Tom Cruise, Iron Man (2008) sau này chọn Robert Downey Jr. Hayter nói: “Một vấn đề mà cả tôi, Goyer và Protosevich nhận ra là, làm sao để bộ phim hài hước và khán giả cảm thấy đồng cảm khi nhân vật chính là một tay nghiện rượu.

Đó là chi tiết nổi bật của Tony Stark mà không nhà biên kịch nào muốn loại bỏ. Robert Downey Jr. thực sự là một lựa chọn hoàn hảo, bởi bản thân anh ấy ở ngoài đời thực cũng từng vấp phải vấn đề tương tự, nhưng luôn giữ được nét quyến rũ trong con mắt công chúng”.

Đổ bể vào phút chót

New Line cảm thấy hết sức hài lòng với thành phẩm của David Hayter, và tiếp cận Nick Cassavetes (The Notebook - 2004) cho vị trí đạo diễn. Song, trước khi mọi chuyện có thể diễn ra, thời gian hãng phim sở hữu bản quyền Iron Man đã hết.

Họ muốn nối dài nó và tiếp tục cộng tác với Marvel, nhưng Marvel Studios lại muốn tự mình sản xuất phim. Kevin Feige, cùng Avi Arid và David Maisel, quyết định biến Iron Man trở thành nhân vật đầu tiên cho cả một vũ trụ điện ảnh rộng lớn từ đây.

phim Iron Man anh 5
Iron Man nay đã trở thành biểu tượng điện ảnh. Ảnh: Disney.

Hayter phát biểu: “Thật tiếc khi phiên bản phim của New Line không tìm thấy ánh sáng. Nhưng tôi nghĩ họ, hay bất cứ ai, cũng nhận ra giá trị của Người Sắt. X-Men giúp mở ra cánh cửa mới cho các siêu anh hùng trên màn ảnh, sau Superman và Batman hồi thế kỷ XX.

Iron Man là bước đi logic tiếp theo. Đó là nhân vật hài hước, đồng thời có khả năng mang tới nhiều pha hành động ấn tượng. Kỹ xảo điện ảnh cũng phát triển rực rỡ ở thời điểm bộ phim được thực hiện. Thành công đến là điều hoàn toàn hợp lý”.

Có một điều oái oăm rằng New Line vốn do Warner Bros. sở hữu. Đó là “ông trùm” đứng sau các bộ phim dựa trên truyện tranh của DC. Nhưng Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU) hiện gây ra nhiều hoang mang, và bị phần đông đánh giá là thất bại về mặt nội dung, bất chấp việc quy tụ hàng loạt siêu anh hùng sáng giá như Superman, Batman hay Wonder Woman.

Hãy thử làm một phép so sánh. Justice League (2017) - bộ phim về nhóm Liên minh Công lý của DCEU - sau khi kết thúc quá trình trình chiếu thu được 657 triệu USD.

Còn Avengers: Infinity War - với sự góp mặt của Iron Man và các đồng đội - đã đạt mức 630 triệu USD chỉ sau ba ngày, và sớm cán mốc 1 tỷ USD sau 11 ngày trình chiếu. Đó là một kỷ lục mới của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Trailer chính thức bom tấn 'Avengers: Cuộc chiến vô cực' Phần tiếp theo của loạt phim "The Avengers" và thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam từ 25/4.

‘Avengers: Infinity War’ tiếp tục áp đảo tại phòng vé trên toàn cầu

Cán mốc doanh thu 1 tỷ USD nhanh nhất lịch sử điện ảnh, “Avengers: Infinity War” chưa hề cho thấy dấu hiệu giảm nhiệt tại bất cứ nơi nào mà bộ phim đã đặt chân tới.

Vì sao cái kết của ‘Avengers: Cuộc chiến Vô cực’ gây tranh cãi?

Kết thúc của bom tấn “Avengers: Infinity War” tưởng như sẽ gây chấn động mạnh, nhưng thực tế lại khiến nhiều fan của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) cảm thấy “không đủ đô”.





Hạ Tuyết

Bạn có thể quan tâm