Mới đây Chiến được Tỉnh đoàn Bến Tre tuyên dương là thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi năm 2013.
Chiến (trái) và cơ sở sản xuất cơm dừa của mình. |
Đến cơ sở sản xuất cơm dừa Hai Bé của Chiến, khó nhận biết đâu là ông chủ vì Chiến cũng lăn xả vào làm như nhân công, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhanh thoăn thoắt bổ đôi trái dừa chỉ với một nhát rựa, Chiến nói vọng ra: “Tháng này ký nhiều hợp đồng nên phải tranh thủ làm cùng anh em để kịp giao hàng. Làm riết rồi quen, ngày nào không làm chân tay ngứa ngáy chịu không nổi”.
Nối nghiệp gia đình từ năm 2009, đến nay Chiến đã có hơn năm năm gắn bó với nghề làm cơm dừa. Còn trẻ nên làm ăn cũng trầy trật vì đối tác không tin nhưng Chiến kiên trì thuyết phục và thuyết phục đối tác bằng năng lực của cơ sở. Dần dà ăn nên làm ra, từ một cơ sở mở thêm cơ sở thứ hai, giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương, thu nhập trung bình của người lao động 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và mỗi năm trừ chi phí Chiến còn kiếm được 170 - 190 triệu đồng.
“Trung bình mỗi ngày hai cơ sở của tôi cung cấp cho đối tác 7,7 tấn cơm dừa thành phẩm. Một tuần giao sáu ngày. Những tháng cao điểm có khi lượng hàng cung cấp lên đến 10 tấn mỗi ngày”, đưa tay kiểm tra dừa thành phẩm, Chiến cho biết.
Nhờ có cơ sở của Chiến, thanh niên địa phương có việc làm, giảm bớt tình trạng nhậu nhẹt, lêu lổng. Nhiều gia đình thanh niên làm công cho Chiến từng bước ổn định và khá lên.
“Ông xã tôi làm nghề lột dừa, tôi thì bổ dừa. Nhờ cơ sở sản xuất cơm dừa của anh Chiến mà kinh tế gia đình tôi từng bước ổn định, có điều kiện chăm lo cho hai đứa nhỏ ăn học đàng hoàng”, chị Nguyễn Thị Thu Trang, công nhân bổ dừa tại cơ sở Hai Bé, khoe.
Bà Võ Thu Cúc, chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh, cho biết: “Anh Chiến tuy trình độ học vấn không cao nhưng chịu làm ăn, biết tính toán và tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên. Anh Chiến xứng đáng là tấm gương thanh niên nông thôn điển hình trong sản xuất giỏi của xã”.