Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ít mặn mà thi học sinh giỏi quốc gia?

Mỗi năm, cả nước có gần 3.000 học sinh giỏi bậc THPT cấp quốc gia. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh đều không còn hào hứng với kỳ thi, mục tiêu chủ yếu vẫn là vào đại học.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, TP.HCM cho rằng bồi dưỡng một đội tuyển thi học sinh (HS) giỏi cấp TP, sau đó là cấp quốc gia tốn rất nhiều thời gian, công sức. Ngay chính bản thân giáo viên cũng không hào hứng.

Phụ huynh cũng không muốn cho con tham dự đội tuyển vì lo lắng cho kỳ thi mà sao nhãng các môn còn lại.

Ưu tiên mới có động lực

Theo số liệu từ Phòng Trung học Sở GD&ĐT TP.HCM, mỗi năm, TP có gần 200 em tham dự kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia. Thế nhưng, số lượng HS tham dự hàng năm biến động mạnh, cụ thể là sau khi một số trường ĐH có cơ chế tuyển thẳng những HS giỏi đoạt giải quốc gia.

Đơn cử, trong năm học 2015-2016, toàn TP có 132 HS tham dự kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia. Năm học 2016-2017, 184 HS tham dự. Số HS ở từng trường cũng có biến động theo từng năm.

Theo hiệu trưởng một trường THPT, có trường tuyển sinh lớp chuyên nhưng đào tạo HS giỏi lại rất èo uột, có năm không HS nào tham dự. Chỉ khi có những chính sách ưu tiên trong tuyển sinh thì mới có HS tham gia kỳ thi. Điều này lý giải lâu nay, HS vẫn đặt mục tiêu phải vào ĐH, chứ ít mặn mà với các kỳ thi.

Thi hoc sinh gioi quoc gia anh 1
Tổ chức thi chọn HS giỏi là cần thiết để phát hiện nhân tài nhưng cũng đừng quá tạo áp lực cho HS. Trong ảnh: Đội tuyển HS giỏi TP.HCM trong lễ ra quân thi HS giỏi quốc gia. Ảnh: Đặng Trinh/Người Lao Động.

Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM), cho biết trước đây, kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia đa số chỉ những trường chuyên và trường có lớp chuyên tham dự, trường THPT Lê Quý Đôn cũng không ngoại lệ.

Nhưng một năm trước, nhà trường đã thay đổi chiến lược, cụ thể là mạnh dạn phát hiện, đầu tư cho HS tham dự kỳ thi HS giỏi cấp TP, sau đó là cấp quốc gia.

Lý giải cho điều này, ông Thạch cho rằng kỳ thi HS giỏi là dịp để HS cọ xát, so sánh trình độ HS trường mình với trường khác, địa phương này với địa phương khác.

Theo ông Thạch, quá trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi gặp nhiều khó khăn bởi giáo viên cũng ngại, phụ huynh không mặn mà. Chính HS tham gia cũng ưu tư vì các em sợ một khi không đoạt giải thì chẳng những không được ưu tiên gì mà lại mất khá nhiều thời gian ôn tập, rồi sao nhãng những môn khác.

Giảm áp lực cho học sinh

Lãnh đạo nhiều trường THPT cho rằng chủ trương tổ chức các kỳ thi tuyển chọn HS giỏi là đúng, tạo sự công bằng cho những HS nghèo vươn lên trong học tập. Đó cũng là một thước đo uy tín, hiệu quả cho các trường ĐH tuyển sinh.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), lý giải năm học trước, một số trường ĐH lớn tại TP.HCM ưu tiên tuyển thẳng những HS giỏi trong 3 năm liền ở một số trường THPT nhưng gặp vấn đề vì số lượng HS giỏi ở các trường nhiều quá.

Vì vậy, một cuộc thi với những tiêu chuẩn cao hơn, công bằng hơn để lựa chọn những HS xuất sắc, biết phấn đấu là hết sức cần thiết. Riêng với Trường THPT Gia Định, nhiều HS nghèo, dù học giỏi cũng không có nhiều cơ hội học cao hơn. Nhờ có những cuộc thi HS giỏi, những em này có cơ hội nhận học bổng ở các trường ĐH hoặc du học.

Bà Cúc cũng cho rằng quan trọng là chiến lược các trường như thế nào để HS hào hứng tham dự. Rồi khi tham dự, kể cả không đoạt giải, trường cũng vui vẻ chấp nhận, không tạo áp lực cho HS.

Đối với trường THPT Gia Định, quan điểm là các kỳ thi HS giỏi cấp TP hay quốc gia là sân chơi trí tuệ để các em thử sức, rèn luyện thêm kỹ năng.

Với quan điểm đó, nhà trường phân công rõ nhóm giáo viên nào phụ trách ôn tập cho HS, khi HS thi xong quay về thì nhóm nào tổ chức phụ đạo cho các em. Do đó, HS cũng cảm thấy nhẹ nhàng, không sợ hổng kiến thức.

“Quan trọng nhất là xác định năng lực đào tạo của trường như thế nào để không tạo áp lực cho giáo viên và HS. Mình chỉ có thể đào tạo được 5 em thì bồi dưỡng 5 em, không thể vì thành tích mà gồng lên đào tạo 10 em. Không nên xét thành tích hay thi đua từ những kỳ thi HS giỏi”, bà Cúc nói.

Trong khi đó, theo ông Hà Hữu Thạch, ngoài động viên, khuyến khích các HS, nhà trường yêu cầu sau kỳ thi, cử giáo viên phụ đạo lại cho các em, bảo đảm HS hòa nhập với chương trình.

Tránh lãng phí

Ông Hà Hữu Thạch cho biết trong kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2015-2016 vừa qua, trường THPT Lê Quý Đôn có 2 em đi thi thì một em giành giải cao. Đó cũng là động lực để nhà trường tiếp tục có chiến lược phát hiện, bồi dưỡng các HS mới.

Dù cho rằng tổ chức kỳ thi chọn HS giỏi là cần thiết để phát hiện những nhân tài, việc sử dụng, ưu đãi những HS giỏi này sau đó như thế nào để không lãng phí là vấn đề phải tính đến.

Hà Nội dẫn đầu về học sinh giỏi quốc gia 2017

Bộ GD&ĐT vừa công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2017. Theo đó, Hà Nội, Hải Phòng và Nghệ An là 3 địa phương dẫn đầu về số lượng thí sinh đoạt giải.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/it-man-ma-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-20170226213803476.htm

Theo Đặng trinh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm