Anh - Italy, bảng D World Cup, 05h ngày 15/6 (Zing.vn tường thuật trực tiếp)
Nhưng tất cả giờ đã là dĩ vãng. Tam sư và Azzurri của thì hiện tại không còn là nỗi kinh hãi của các đối thủ nữa. Premier League và Serie A cũng không còn là bến đỗ ước mơ với mọi ngôi sao như trước đây. Đêm nay, hai đế chế cũ tái ngộ, 2 năm sau trận tứ kết EURO nhạt nhòa ở Kyev.
Cuộc chiến được chờ đợi ở bảng D "tử thần" giữa ĐT Anh và Italy. Ảnh: Getty Images. |
Khi người Anh hạn chế mơ mộng
Đã qua rồi cái thời, "gánh xiếc" Tam sư đi tới đâu là được tung hô ở đó. Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, họ sống đúng với chính mình. Họ đến Brazil mà không nhận được sự tung hê của giới truyền thông, với hành trang là nhiều tân binh mà ai cũng biết tên nhưng đẳng cấp chưa được kiểm chứng.
Chưa bao giờ tuyển Anh bị nghi ngờ về sức mạnh nhiều đến thế. Nếu như trước đây, họ luôn được đánh giá là ứng viên cho danh hiệu vô địch ngay từ khi vòng loại chưa kết thúc, thì nay vượt qua bảng "tử thần" cũng được coi là một thành công với Tam sư.
Trong tay Hodgson hiện là một dàn tân binh trẻ trung đầy nhiệt huyết, kết hợp cùng bộ ba công thần Gerrard, Lampard, Rooney. Trên lý thuyết đây là một đội hình không hề tồi. Tuy nhiên, World Cup không hề giống như Premier League, đa số những tân binh của Tam sư đều không có được nhiều trải nghiệm ở những đấu trường đỉnh cao như Champions League. Mà nếu chơi cho những đại gia thì họ chỉ là những "diễn viên đóng thế".
Sự bùng nổ của Premier League trong thời gian qua, không giúp ích quá nhiều cho ĐT Anh. Thực tế đã chỉ ra rằng trong hơn 10 năm qua, giải Ngoại hạng là miền đất hứa dành cho các ngôi sao nước ngoài đến và tỏa sáng, các danh hiệu cá nhân lớn nhỏ đều trở nên xa vời với các tuyển thủ Anh.
Nhưng sự lung linh mà giới truyền thông xứ sương mù tô vẽ nên đã che lấp đi cái đẳng cấp thực sự của Tam sư. Khiến người hâm mộ luôn mặc định, Tam sư là tập hợp của những vì sao tinh tú. Song dàn sao ấy chưa bao giờ vượt quá vòng tứ kết của các giải lớn kể từ Italy 90. World Cup 2014 này là lần đầu tiên, người Anh nhìn thẳng vào thực lực của họ và không còn ảo tưởng. Nhưng đó có thể lai là thứ vũ khí lợi hại của Tam sư. Khi thi đấu với cái đầu thoải mái, những đôi chân cũng sẽ trở nên thanh thoát hơn hẳn.
Một Italy bình dân
ĐT Italy dựa vào những lão tướng như Pirlo hay Buffon. |
Nếu như ở các giải đấu lớn trước, Azzurri luôn là tập hợp của những ngôi sao ở các CLB lớn, thì tại Brazil năm nay, Prandelli triệu tập 1 bản danh sách có nhiều cái tên đền từ những CLB "nhà quê". Cũng giống như Tam sư, người Ý đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Nhưng chí ít các "mầm non" của Hodgson vẫn còn may mắn được cọ sát thường ngày trong môi trường Premier League khốc liệt, còn Serie A hiện tại là nỗi buồn bất tận của người Ý.
Thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, Serie A là thiên đường bóng đá của châu Âu, nơi hội tụ của những siêu sao kiệt xuất nhất bóng đá thế giới. Nhưng sự suy thoái kể từ đầu những năm 2000 đến nay đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng của giải vô địch Italy, và Azzurri cũng hứng chịu những hậu quả.
Thành công các năm 2006 và 2012 là của một tập thể những ngôi sao cũ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hoàng kim của Serie A. Giải vô địch quốc gia Italy giờ được ví như "trại dưỡng lão" của châu Âu. Dĩ nhiên, các tài năng trẻ nước này không có cơ hội được so tài với những người giỏi nhất thì lấy đâu cơ sở để họ phát triển. Thậm chí có những người phải tha hương để nâng tầm bản thân, Marco Veratti là trường hợp tiêu biểu.
Nhưng trong gian khó, người Ý luôn thể hiện được bản lĩnh tuyệt vời. Đó là điều mà không phải nền bóng đá nào cũng may mắn có được. World Cup 2006, Lippi đưa đến nước Đức một đội quân gồm nhiều cái tên xa lạ, còn các trụ cột thì bị “vùi dập tơi tả" vì bê bối Calciopoli. Vậy mà, đoàn quân thiên thanh "quê mùa" ấy đã hiên ngang tiến tới ngai vàng trong sự nể phục của cả hành tinh. Cho đến nay, đó vẫn là chức vô địch thế giới ly kỳ nhất lịch sử bóng đá Italy cũng như thế giới. Đó là cơ sở để Prandelli cùng các học trò tin tưởng vào một điều kỳ diệu ở xứ sở Samba.
Vẫn còn đó một Buffon vững chãi, một De Rossi tỉnh táo chắc chắn, một Cassano đầy biến ảo, hay Ballotelli luôn sẵn sàng bùng nổ. Và đặc biệt là "kiến trúc sư trưởng" Andrea Pirlo. 2 năm trước, anh là nỗi ám ảnh của Tam sư khi làm chủ trận đấu bằng thứ bóng đá tuyệt diệu, thậm chí số đường chuyền chính xác của anh còn cao hơn cả ĐT Anh. Và cũng chính anh đưa Italy vào bán kết với cú "cucchiaio" (xúc thìa) kinh điển trên chấm 11m.
Quá khứ huy hoàng đã qua với cả hai, nhưng khi họ gặp nhau chưa khi nào đó là 1 trận cầu thiếu kịch tính. Anh-Italy, ai sẽ ca khúc khải hoàn?