Bài viết của vị GS ĐH Yale này với tựa đề Đừng gửi bọn trẻ của bạn tới các trường Ivy League đưa ra góc nhìn khác về xu hướng du học đang thịnh hành.
“Thành quả của sự đầu tư” - cụm từ ngày nay bạn thường nghe tới khi người ta nói về đại học. Có một điều có vẻ như chưa có ai đặt câu hỏi là “thành quả” ở đây ý nói về điều gì?
Có phải chỉ là kiếm được nhiều tiền hơn? Hay mục đích duy nhất của giáo dục là giúp bạn kiếm được việc làm? Vậy tóm lại, học đại học để làm gì?
Thứ đầu tiên đại học mang đến cho bạn là dạy bạn cách nghĩ. Nó không đơn giản chỉ là phát triển những kỹ năng tư duy ứng với mỗi ngành học.
Đại học là cơ hội để bước ra ngoài thế giới khoảng vài năm, không phải bận tâm tới thành kiến của gia đình hay sự cấp bách của việc phải có sự nghiệp. Bạn được phép chiêm ngưỡng mọi thứ từ xa.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, học cách suy nghĩ chỉ là bước đầu tiên. Có một điều bạn cần phải suy nghĩ, đó là: xây dựng bản thân. Khái niệm này nghe có vẻ lạ.
Nhà văn người Mỹ David Foster Wallace từng nói “Chúng ta dạy họ rằng bản thân là thứ bạn nghiễm nhiên có”.
Nhưng nó chỉ tồn tại thông qua hành động thiết lập giao tiếp giữa trí óc và trái tim, giữa trí óc và trải nghiệm - những thứ khiến bạn trở thành một cá nhân, thực thể duy nhất - một tâm hồn. Nhiệm vụ của đại học là giúp bạn bắt đầu làm điều đó.
Đại học không phải là cơ hội duy nhất để học cách nghĩ, nhưng là cơ hội tốt nhất. Có một điều chắc chắn: nếu bạn không bắt đầu ngay từ lúc bạn nhận bằng cử nhân, có rất ít khả năng bạn sẽ làm được sau này.
Đó là lý do giải thích tại sao học đại học chỉ để chuẩn bị cho xin việc là đã lãng phí phần lớn thời gian 4 năm học.
Các trường danh giá thích khoe khoang rằng họ dạy sinh viên của mình cách suy nghĩ, nhưng tất cả những gì họ làm là dạy sinh viên những kỹ năng phân tích và hùng biện cần thiết cho sự thành công trong giới kinh doanh và các ngành nghề khác.
Tất cả chỉ nghiêng về kỹ nghệ - sự phát triển chuyên môn - và mọi thứ cuối cùng lại được đánh giá theo khái niệm kỹ nghệ.
Các trường đại học tôn giáo - thậm chí là những trường địa phương, chẳng tên tuổi gì - thường làm việc này tốt hơn. Quả là một bản cáo trạng cho các trường Ivy và đồng bọn của nó: rằng những trường đại học hạng tư trên cột xếp hạng học thuật - những kẻ nhận sinh viên có điểm SAT thấp hơn họ vài trăm điểm - lại cung cấp nền giáo dục tốt hơn, theo đúng ý nghĩa cao nhất của từ này.
Ít nhất, các lớp học ở trường danh giá cũng khắt khe về mặt học thuật, tùy thuộc vào khóa học của họ chứ? Không hẳn vậy.
Trong các ngành khoa học thì thường là như vậy, nhưng các ngành khác thì không hẳn. Tất nhiên là có những ngoại lệ, nhưng giáo sư và sinh viên phần lớn bước vào một thứ được gọi là “hiệp ước không gây chiến”.
Sinh viên được coi như những “khách hàng”, họ sẽ được thỏa mãn thay vì bị thách thức. Các giáo sư được vinh danh vì những nghiên cứu, để họ dành ít thời gian cho những bài giảng trên lớp nhất có thể.
Toàn bộ cơ cấu khuyến khích này chống lại việc giảng dạy. Trường càng danh giá, xu hướng này càng mạnh. Kết quả là bài càng kém, điểm càng cao.
Đúng là giới trẻ ngày nay tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn, có khả năng thích ứng với những thứ sáng tạo và có tinh thần doanh nghiệp cao hơn.
Nhưng có một sự thật, ít nhất là ở các trường danh giá nhất, rằng giả sử những tinh thần tốt đẹp này vẫn tồn tại khi họ đã tốt nghiệp (giả sử nhé), chúng cũng thường bị đánh bật bởi một quan điểm nông cạn là cái gì làm nên một cuộc sống có giá trị, đó là: sự giàu có, thành tích và danh tiếng.
Bản thân sự trải nghiệm bị biến thành chức năng công cụ thông qua bài luận vào đại học. Trải nghiệm là thứ để đưa vào bài luận “làm hàng”.
Tờ New York Times từng đưa tin về ngành công nghiệp đang ăn lên làm ra nhờ sản xuất những mùa hè chuẩn bị bài luận. Nhưng thứ điên rồ nhất là sự hời hợt của những hoạt động này: một tháng du lịch vòng quanh nước Italy để học về thời kỳ Phục hưng, dành cả ngày với một ban nhạc nổi loạn. Cả một ngày!
Tôi nhận thấy điều tương tự khi nói tới hoạt động vì cộng đồng. Tại sao lại phải tới những nơi như Guatemala để làm từ thiện, thay vì Milwaukee hay Arkansas? Còn nếu ở Mỹ thì tại sao cứ phải đổ đến New Orleans?
Có lẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên khi bọn trẻ được dạy rằng hoạt động cộng đồng là thứ chúng làm vì chính bản thân mình, vì một tấm hồ sơ đẹp. “Xuất sắc bằng cách làm việc tốt” trở thành một khẩu hiệu.
Nếu có một ý tưởng, thông qua đó khái niệm trách nhiệm xã hội được truyền đạt ở các trường danh giá, thì đó là “khả năng lãnh đạo”. “Harvard dành cho những nhà lãnh đạo” trở thành câu nói chán ngắt của dân Cambridge.
Là sinh viên xuất sắc nghĩa là liên tục được khuyến khích nghĩ về bản thân như nhà lãnh đạo tương lai. Trở thành cộng sự ở công ty luật lớn hay trở thành tổng giám đốc, leo lên chiếc cột mỡ của bất cứ hệ thống nào bạn quyết định tham gia.
Tôi không nghĩ rằng những người đứng đầu các trường danh giá từng nghĩ tới việc khái niệm lãnh đạo nên có ý nghĩa cao hơn, hoặc là bất cứ ý nghĩa nào khác.
Điều trớ trêu là, những sinh viên ưu tú này thường được nói rằng, họ có thể trở thành bất cứ ai họ muốn, nhưng hầu hết đều chọn trở thành một trong những thứ rất giống nhau.
Tính tới năm 2010, khoảng 1/3 sinh viên tốt nghiệp Harvard, Princeton, Cornell làm việc trong lĩnh vực tài chính hoặc tư vấn. Những ngành nghề biến mất khỏi tầm ngắm của họ gồm có: giáo sĩ, quân đội, chính trị gia, thậm chí là các ngành học thuật, trong đó có khoa học cơ bản.
Bỏ học để trở thành một Mark Zuckerberg tiếp theo được xem là hấp dẫn, nhưng trở thành nhân viên xã hội bị xem là lố bịch.
“Điều Wall Street phát hiện ra là, những đại học này đang sản xuất ra lượng lớn những cử nhân vô cùng thông minh nhưng lại hoàn toàn lạc lối. Những đứa trẻ có mã lực mạnh mẽ, có tinh thần làm việc đáng kinh ngạc, nhưng lại chẳng biết làm gì tiếp theo”.
Với hầu hết các trường danh giá, hệ thống này vẫn đang làm việc rất tốt. Lượng hồ sơ ngày càng tăng, quỹ hiến tặng ngày một lớn mạnh, học phí tăng đi kèm với những than vãn mang tính hình thức, nhưng chẳng ảnh hưởng gì tới kinh doanh. Còn việc nó có hiệu quả với ai hay không lại là câu hỏi khác.
Dấu hiệu của sự công bằng giả dối của hệ thống này chính là hệ thống chính sách dưới cái mác “sự đa dạng”.
Hãy ghé thăm bất cứ ngôi trường danh giá nào khắp đất nước rộng lớn này. Bạn có thể thấy những cảnh tưởng ấm lòng khi những đứa trẻ da trắng đang kết nối với những đứa trẻ da đen, châu Á, Latin.
Đám trẻ ở những trường như Stanford nghĩ rằng môi trường của chúng đa dạng nếu có một người tới từ Missouri, một người khác tới từ Pakistan, nếu một người chơi cello, còn người khác thì chơi bóng vợt.
Chẳng có ai nghĩ đến chuyện tất cả bố mẹ chúng đều là những bác sĩ, hay chủ ngân hàng.
Khá nực cười khi phải nhấn mạnh rằng những trường như Harvard là thành trì của sự đặc quyền - nơi những người giàu đưa con cái tới để học cách đi lại, cách nói chuyện và cách suy nghĩ giống như người giàu.
Chúng ta không biết điều đó sao? Hay chúng ta chỉ đang giả vờ là chúng ta đang sống trong chế độ trọng dụng nhân tài?
Điều đó không có nghĩa là không có vài ngoại lệ, nhưng đó là những gì họ có. Nhóm thiệt thòi nhất theo chính sách tuyển sinh hiện tại của chúng ta là những em tới từ tầng lớp lao động và những sinh viên da trắng sống ở nông thôn - những người hầu như hiếm khi xuất hiện trong khuôn viên các trường danh giá.
Đừng lừa phỉnh bản thân nữa. Trò chơi tuyển sinh phần lớn không dành cho tầng lớp thấp hay tầng lớp trung lưu đang tìm kiếm sự đổi đời, thậm chí không dành cho tầng lớp thượng lưu đang nỗ lực duy trì vị trí.
Ở những khu ngoại ô giàu có và những ốc đảo xa xỉ trong thành phố - nơi trò chơi đang diễn ra, vấn đề không phải là bạn có được học trường danh giá hay không, mà là bạn sẽ học trường nào. Chọn giữa Penn và Tufts, chứ không phải là Penn và Penn State.
Chẳng có gì đáng bận tâm nếu một thanh niên sáng dạ học ở Ohio State, trở thành bác sĩ, sống ở Dayton, thu nhập tốt. Như thế vẫn là quá tệ.
Những con số không thể nói dối. Năm 1985, 46% sinh viên năm nhất ở 250 đại học danh giá nhất tới từ 1/4 bộ phận có thu nhập cao nhất. Năm 2000, con số này là 55%. Đến năm 2006, chỉ có khoảng 15% tới từ nửa dưới của bảng phân phối thu nhập.
Trường càng danh giá, bộ phận sinh viên càng có xu hướng thiếu bình đẳng. Đến năm 2004, 40% sinh viên năm nhất tới của các trường danh giá nhất tới từ những gia đình có mức thu nhập trên 100.000 đô la - tăng 32% so với 5 năm trước đó.
Lý do chính của xu hướng này cũng rất rõ ràng. Dù không tăng học phí, nhưng mức chi phí để “sản xuất” ra những đứa trẻ phù hợp với sự cạnh tranh trong cuộc chơi tuyển sinh thì ngày càng tăng.
Những gia đình giàu có bắt đầu dùng tiền để dọn đường cho con cái họ tới Ivy League ngay từ khi chúng được sinh ra: học nhạc, mua dụng cụ thể thao, du lịch nước ngoài và quan trọng nhất là học phí trường tư hoặc học ở những trường công hàng đầu.
SAT là công cụ để đánh giá khả năng học tập, nhưng cũng là cách để đo thu nhập cha mẹ.
Vấn đề không phải là con nhà nghèo không đủ tiêu chuẩn để theo học. Mà là các trường tư danh giá sẽ không bao giờ để điều kiện kinh tế của toàn bộ sinh viên phản ánh chính xác bộ mặt kinh tế của toàn xã hội.
Họ không đủ khả năng để làm việc đó. Họ cần lượng lớn những người đóng học phí đầy đủ và họ cần các nhà tài trợ.
Các trường danh giá không chỉ bất lực trong việc đảo ngược động thái hướng tới xã hội bất bình đẳng hơn, mà chính sách của họ thậm chí còn thúc đẩy tích cực điều đó.
Tôi có thể làm gì để tránh trở thành thứ bỏ đi đầy đặc quyền - nhiều bạn trẻ đã viết thư hỏi tôi như vậy. Bạn không thể đồng cảm với những người ở tầng lớp khác mà vẫn nghĩ theo cách của mình.
Bạn cần phải tương tác trực tiếp với họ trên nguyên tắc bình đẳng, chứ không phải làm vì “cộng đồng” hay trên tình thần “cố gắng”, cũng đừng sấn tới một người trong ban cố vấn đại học, mua cho họ cốc cà phê, đổi lại là “hỏi về bản thân họ”.
Thay vì làm tình nguyện, sao không thử làm bồi bàn để hiểu rằng công việc đó vất vả như thế nào, cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạn thực sự không thông minh như người ta vẫn nói về bạn đâu; bạn chỉ thông minh hơn theo cách nào đó.
Có những người thông minh không học đại học danh tiếng, thậm chí là không học đại học - thường là vì lý do giai cấp. Có những người thông minh không tỏ ra thông minh.
Tôi không ảo tưởng rằng nơi bạn học không quan trọng. Nhưng vẫn còn những lựa chọn khác. Vẫn có những trường công tốt ở khắp nơi trên đất nước này.
Báo cáo của US News and World Report cho thấy tỷ lệ sinh viên năm nhất nằm trong 10% sinh viên xuất sắc nhất ở trường phổ thông. Với 20 trường top đầu, con số này thường là trên 90%.
Tôi sẽ lo lắng khi học ở những ngôi trường này. Sinh viên định hình mức độ của cuộc thảo luận. Họ định hình giá trị và những kỳ vọng.
Một phần vì sinh viên tôi cảnh báo bọn trẻ tránh xa các trường Ivy và đồng bọn. Những đứa trẻ ở trường ít danh giá hơn có xu hướng thú vị hơn, tò mò hơn, cởi mở hơn, ít đặc quyền hơn cũng như bớt hiếu thắng hơn.
Nếu có bất kỳ nơi nào đại học vẫn là đại học, giảng dạy và nhân văn vẫn là niềm tự hào của họ thì đó là những trường đại học giáo dục khai phóng.
Lựa chọn tốt nhất có thể là những trường bậc 2 như Reed, Kenyon, Wesleyan, Sewanee, Mount Holyoke… Thay vì cố cạnh tranh với Harvard và Yale, những trường này vẫn giữ được lòng trung thành của mình với các giá trị giáo dục thực sự.
Không trở thành thứ bỏ đi đầy đặc quyền cũng là mục tiêu đáng ngưỡng mộ. Nhưng cuối cùng, vẫn là cùng nhau tìm ra lối thoát dẫn tới một kiểu xã hội khác, chứ không phải đơn thuần là cải cách hệ thống từ trên xuống dưới.
Hệ thống giáo dục phải hành động để giảm thiểu sự phân chia giai cấp, chứ không phải là làm nó hồi sinh. Hành động phải dựa trên giai cấp, thay vì chủng tộc.
Sự ưu tiên dành cho những đứa trẻ thừa kế hay các vận động viên phải được loại bỏ. Điểm SAT nên đặt nặng các yếu tố kinh tế xã hội.
Các trường nên chấm dứt kiểu hồ sơ đưa ra giới hạn về số lượng hoạt động xã hội mà bọn trẻ phải liệt kê, mà nên tập trung vào những công việc mà trẻ thu nhập thấp thường tham gia thời phổ thông - những công việc mà con nhà giàu không bao giờ làm.
Các trường cũng nên từ chối những yếu tố gây ấn tượng nhờ sự giàu có của cha mẹ.
Sự thay đổi cũng cần phải đi sâu hơn là cải cách quá trình tuyển sinh. Vấn đề là bản thân các trường Ivy League.
Chúng ta đang ký hợp đồng đào tạo ra những thế hệ lãnh đạo cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, không nhiều trong số họ hành động vì lợi ích chung.
Họ sẽ đặt lợi ích của mình lên trên hết. Liệu ham muốn nhận tiền tài trợ từ cựu sinh viên của Harvard có phải là lý do phù hợp để duy trì hệ thống này?
Tôi từng nghĩ rằng, chúng ta cần tạo nên thế giới mọi đứa trẻ đều có cơ hội như nhau để vào các trường Ivy League. Tôi thấy rằng cái chúng ta thực sự cần là tạo ra nơi bạn không cần phải vào Ivy League hay bất kỳ trường tư nào để có được nền giáo dục hàng đầu.
Giáo dục công chất lượng cao - được tài trợ bằng tiền công - vì lợi ích của tất cả mọi người. Ai cũng có cơ hội tiến xa nếu họ đủ chăm chỉ và tài năng - bạn biết đấy, giấc mơ Mỹ.
Bất kể ai nếu muốn đều có được những trải nghiệm giúp mở mang trí óc, làm giàu tâm hồn mà một nền giáo dục khai phóng có thể mang lại. Chúng tôi nhận ra rằng hệ giáo dục K-12 chất lượng và miễn phí chính là quyền công dân.
Chúng ta cần công nhận - như chúng ta từng làm và nhiều quốc gia đã làm - rằng điều này cũng đúng với giáo dục đại học. Chúng ta đã thử chế độ quý tộc thống trị. Chúng ta đã thử chế độ nhân tài. Bây giờ đã đến lúc để thử chế độ dân chủ.
Bài viết của William Deresiewicz - một tác giả người Mỹ, giáo sư tại ĐH Yale. Một trong những cuốn sách gây tiếng vang của ông là Excellent Sheep: The Miseducation of the American Elite and the Way to a Meaningful Life xuất bản năm 2014.